A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mong Luật Thủ đô (sửa đổi) thông qua, đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Tại kỳ họp thứ 7, dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri cùng hàng triệu Nhân dân Thủ đô đang theo dõi sát sao thông tin tại kỳ họp, mong ngóng, chờ đợi dự thảo Luật được thông qua, để Thủ đô "gỡ rào cản" phát triển mạnh mẽ.

Giải quyết những vấn đề “nóng”

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá, về cơ bản, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những thay đổi căn bản và có tính đột phá với tinh thần là trao quyền quyết định nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước.

Mong Luật Thủ đô (sửa đổi) thông qua, đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ông Cường cho rằng, có một số yếu tố đến nay vẫn kìm hãm sự phát triển của Thủ đô, điển hình là cải tạo, chỉnh trang đô thị, nếu như sử dụng những cơ chế thông thường thì không thực hiện được mà cần phải có sự đột phá riêng của Thủ đô, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khai thác tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội như sông Hồng và một số dòng sông khác.

Nếu chúng ta cứ duy trì các quy định như hiện nay là theo điều chỉnh của Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai thì đương nhiên các dòng sông Hà Nội sẽ tiếp tục bị để hoang hóa giống như các dòng sông của các tỉnh khác. Trong khi đó, ở Thủ đô các nước, các dòng sông đi qua sẽ là nơi tạo ra bộ mặt chính của đô thị. Vì vậy, phải có cơ chế đặc thù riêng cho việc khai thác tiềm năng như quản lý sông, hồ trên địa bàn thành phố.

Tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường góp ý về việc giao UBND TP Hà Nội thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố quy định tại khoản 3 Điều 17.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, hiện nay các Nghị quyết thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố như Nghệ An, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh… đều quy định cho phép Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch và giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh. Trong trình tự, thủ tục thực hiện, yêu cầu có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi Thủ tướng quyết định.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành cao quy định tại dự thảo Luật là tạo sự chủ động cho Thủ đô trong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật. Như vậy, có thể không cần có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, quy định này sẽ rút ngắn trình tự, thủ tục thực hiện, nâng cao trách nhiệm cũng như kịp thời đáp ứng những vướng mắc thực tiễn ở Thủ đô Hà Nội.

Cử tri mong ngóng

Thông qua tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 18 buổi tại 30 đơn vị, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổng hợp 25 nhóm ý kiến của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét giải quyết.

Cử tri quận Long Biên phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Cử tri quận Long Biên phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Trong đó, cử tri mong muốn Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý và tiền đề kiến tạo không gian phát triển cho Hà Nội trong giai đoạn tới.

Cử tri Lê Đình Nghĩa (quận Nam Từ Liêm) nhận định, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới... Từ đó, cử tri kiến nghị, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.

Cử tri Lê Kim Xuyến (huyện Thanh Trì) cho rằng, việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch nêu trên sẽ bảo đảm hiện thực hóa các chính sách đặc thù, vượt trội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô trong những năm tới.

Có thể khẳng định, qua những lần xin ý kiến, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung của dự thảo, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Kì vọng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ chính thức được thông qua tại kỳ họp này, để Thủ đô thực sự được “gỡ rào” phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật