Loại cây trồng, vật nuôi nào thiệt hại sau bão Yagi được hỗ trợ?
Sáng 19/11, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, năm 2024
Trình bày tờ trình của UBND thành phố, Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu nêu rõ, đầu tháng 9 năm 2024, bão Yagi (bão số 3 năm 2024) và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh phía Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội đặc biệt là 2 sản xuất nông nghiệp.
Ngay sau khi bão tan, TP đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão.
Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu trình bày tờ trình của UBND TP |
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, thống kê thiệt hại, UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo có một số diện tích sản xuất một số chủng loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao (cây quất cảnh, cây đào cảnh, cây phật thủ, cây cảnh, chim cút, chim bồ câu…) bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 và mưa lũ sau bão nhưng chưa được quy định cụ thể về mức hỗ trợ tại Nghị định số 02/2017/NĐCP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (Nghị định số 02/2017/NĐ-CP) và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND TP về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các đại biểu bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết |
Do vậy, không có chính sách để hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người nông dân sản xuất những đối tượng cây trồng, vật nuôi trên. Để tiếp tục hỗ trợ người sản xuất giảm bớt một phần khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, động viên người dân nhanh chóng và tích cực khôi phục sản xuất, việc hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão năm 2024 là rất cần thiết.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão từ 30% trở lên gồm các loại cây trồng như quất cảnh, cây đào cảnh có chiều cao từ 70 cm trở lên, cây phật thủ thời kỳ kinh doanh, cùng các loại cây trồng khác (có tên thường gọi là cây mai trắng, cây phát lộc, cây nhài nhật, cây hoa giấy, cây hoa trà, cây mai tứ quý, cây lan tiêu).
Các vật nuôi gia cầm được hỗ trợ gồm: Chim cút sinh sản từ 30 ngày tuổi trở lên, chim bồ câu.
Chi tiết mức hỗ trợ cho từng loại cây trồng, vật nuôi được quy định như sau: - Hỗ trợ đối với các loại cây trồng: + Diện tích cây quất cảnh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 90 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 45 triệu đồng/ha. + Diện tích cây đào cảnh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 30 triệu đồng/ha. + Diện tích cây phật thủ đang trong thời kỳ kinh doanh (từ khi cây bắt đầu ra quả) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 30 triệu đồng/ha. + Diện tích các loại cây trồng khác (có tên thường gọi là cây mai trắng, cây phát lộc, cây nhài nhật, cây hoa giấy, cây hoa trà, cây mai tứ quý, cây lan tiêu) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 30 triệu đồng/ha. - Hỗ trợ đối với nuôi gia cầm: + Đối với chim bồ câu: Đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi hỗ trợ 35.000 đồng/con. + Đối với chim cút: 6.000 đồng/con. |