Không cần đường ống Ukraina, khí đốt Nga vẫn ồ ạt chảy vào EU
Khí đốt Nga vẫn chiếm thị phần lớn thứ hai ở EU trong quý I/2025 dù đã dừng hoàn toàn trung chuyển qua đường ống dẫn khí Ukraina.
Đường ống TurkStream hiện vẫn đưa khí đốt Nga đến châu Âu. Ảnh: Gazprom
Bất chấp những căng thẳng địa chính trị và nỗ lực cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chi tới 4,5 tỉ euro để nhập khẩu khí đốt Nga trong quý I/2025, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Eurostat và tính toán của TASS.
Theo TASS, trong 3 tháng đầu năm, EU đã mua 1,8 tỉ euro khí đốt qua đường ống và 2,7 tỉ euro khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga. Mặc dù dòng khí qua Ukraina đã ngừng hoàn toàn từ đầu năm, Nga vẫn giữ vị trí nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của EU tính theo giá trị, chiếm 18,2% tổng lượng khí nhập khẩu, chỉ sau Mỹ (28,2%).
Việc EU tiếp tục mua khí đốt Nga với giá trị lớn khiến giới quan sát không khỏi ngạc nhiên, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước thành viên công khai lên án vai trò của Nga trong các cuộc xung đột đang diễn ra.
Tháng 3.2025, EU chi 830 triệu euro để nhập LNG Nga, giảm nhẹ 0,3% so với tháng 2 nhưng lại tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Pháp là quốc gia nhập khẩu LNG Nga nhiều nhất (465 triệu euro - mức cao nhất từ cuối năm 2022), tiếp theo là Hà Lan (131 triệu euro) và Tây Ban Nha (41 triệu euro). Bỉ giảm mạnh lượng mua, chỉ còn 92 triệu euro - thấp nhất kể từ tháng 11.2024.
Trong khi đó, khí đốt qua đường ống từ Nga vào EU đạt 340 triệu euro trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 10.1999 - phản ánh rõ sự sụt giảm mạnh trong hình thức vận chuyển truyền thống này.
Ngoài Nga, các nguồn cung LNG từ Mỹ vẫn đóng vai trò chủ đạo. Trong quý I/2025, Mỹ cung cấp gần 7 tỉ euro khí LNG cho EU, chiếm 28,2% tổng giá trị nhập khẩu khí đốt của khối. Algeria đứng thứ ba với 4 tỉ euro (16,3%), tiếp đến là Na Uy (3,1 tỉ euro, chiếm 12,5%) và Azerbaijan (1,3 tỉ euro, chiếm 5,3%).
Tổng thể, bức tranh năng lượng châu Âu cho thấy một sự phụ thuộc đan xen, nơi các quốc gia vừa cố gắng chuyển dịch khỏi nguồn cung Nga, vừa không thể hoàn toàn dứt bỏ khi nhu cầu vẫn ở mức cao và hạ tầng thay thế chưa kịp hoàn thiện.
Dù các lãnh đạo châu Âu thường xuyên kêu gọi giảm lệ thuộc năng lượng vào Nga, số liệu thực tế cho thấy “cánh cửa sau” vẫn rộng mở cho các giao dịch thương mại khí đốt - đặc biệt dưới hình thức LNG, vốn không bị kiểm soát chặt như khí đốt qua đường ống.
Tình thế này đặt EU vào một thế tiến thoái lưỡng nan, nếu cắt hoàn toàn khí đốt Nga, nhiều nước sẽ đối mặt nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh biến động giá và nguồn cung toàn cầu. Nhưng nếu tiếp tục nhập khẩu, uy tín chính trị và chiến lược độc lập năng lượng của EU sẽ bị đặt dấu hỏi lớn.
Trong lúc EU nỗ lực tìm lối đi riêng, thực tế thị trường vẫn chứng minh rằng “ngắt kết nối” khí đốt với Nga không hề dễ dàng, ít nhất là trong ngắn hạn.