A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo khoa học: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh

Sáng ngày 24/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh”.

Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh” diễn ra sáng nay (24/11), tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo, có các đại biểu có GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, ThS.Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cùng đông đảo các diễn giả là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành về luật và kinh tế.

GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chủ trì Hội thảo.

GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đoàn Trung Kiên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, thị trường chứng khoán ở Việt Nam đi vào cuộc sống với tiếng cồng đầu tiên từ đầu những năm 2000, đã trải qua nhiều bước tiến đáng kể, trong đó có thể kể đến sự hình thành các thị trường chứng khoán chuyên biệt như thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và tiếp đó là thị trường chứng khoán phái sinh – chủ đề chính mà Hội thảo sẽ đề cập đến ngày hôm nay.

Thị trường phái sinh đi vào hoạt động với phiên giao dịch đầu tiên là sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là sự kiện quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 42 trên thế giới có thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là những con số rất ấn tượng thể hiện vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Theo TS. Đoàn Trung Kiên, mặc dù là bộ phận thị trường mới, sự ra đời của chứng khoán phái sinh, sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh nhằm hình thành đầy đủ các bộ phận thị trường chứng khoán đồng thời tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro đối với nhà đầu tư và là tiền đề thuận lợi cho quá trình huy động và khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Đây cũng là kết quả của Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020, hiện thực hoá Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam tại Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ”- TS Đoàn Trung Kiên nói.

Các văn bản pháp luật về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh được ban hành nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của thị trường này đồng thời ghi nhận ở mức độ cao hơn tại Luật Chứng khoán 2019.

TS. Đoàn Trung Kiên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mại tại buổi Hội thảo.

TS. Đoàn Trung Kiên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mại tại buổi Hội thảo.

Tuy nhiên, TS. Đoàn Trung Kiên cho rằng, đến nay, thực tiễn cho thấy, do TTCK ở Việt Nam còn mới, hàng hoá và mức độ sôi động của giao dịch trên thị trường còn giới hạn. Do đó, việc đánh giá thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có tính tới những vấn đề kinh tế pháp lý trên phạm vi thị trường toàn cầu là cần thiết, xét cả góc độ hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng khoán phái sinh và sự phát triển bền vững thị trường chứng khoán.

ThS. Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

ThS. Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam ThS. Trần Ngọc Hà cho biết, sau quá trình gửi thư mời viết bài Hội thảo một cách công khai, rộng rãi và phản biện độc lập đối với các bài viết được gửi tới, Ban Tổ chức Hội thảo đã chọn lọc được 17 bài viết có chất lượng tốt để đăng trên Kỷ yếu Hội thảo trọng điểm “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh”.

Nội dung của 17 bài viết đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề liên quan đến chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh và tập trung vào 2 nhóm vấn đề lớn:

Một là, những vấn đề lý luận về chứng khoán phái sinh và thực trạng pháp luật hiện hành đối với chứng khoán phái sinh, thị trường chứng khoán phái sinh.

Hai là, gợi mở một số giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về TTCK phái sinh.

Ngoài phần khai mạc, bế mạc và phần thảo luận, sẽ có 2 phiên chính để các diễn giả trình bày báo cáo.

Tại phiên 1, Hội thảo sẽ diễn ra với các phiên trình bày với 4 chủ đề:

Chủ đề 1: “Chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh - Kỳ vọng và Thực trạng.

Chủ đề 2: Chứng khoán phái sinh và sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch chứng khoán phái sinh.

Chủ đề 3: Phạm vi điều chỉnh pháp luật đối với chứng khoán phái sinh - Góc nhìn so sánh giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật một số quốc gia.

Chủ đề 4: Vai trò của công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán phái sinh – Một số bình luận dưới góc độ pháp luật điều chỉnh.

Trong phiên thứ 2, Hội thảo sẽ diễn ra với 4 chủ đề:

Chủ đề 1: Hợp đồng kỳ hạn, tính thanh khoản và khả năng phòng ngừa rủi ro kinh doanh bất động sản ở Việt Nam - Thực trạng pháp luật và một số kiến nghị.

Chủ đề 2: Pháp luật về kinh doanh chứng khoán phái sinh tại các Công ty chứng khoán ở Việt Nam - Một số bình luận mở.

Chủ đề 3: Đánh giá sự tác động của pháp luật tới sự tham gia của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.

Chủ đề 4: Thuế đối với chứng khoán - Thực trạng và khả năng áp dụng đối với chứng khoán phái sinh.

Bản chất của chứng khoán phái sinh

TS. Tạ Thanh Bình Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc thiết lập TTCKPS tại Việt Nam đã được Chính phủ quan tâm và định hướng từ rất sớm. Ngày 11/03/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS tại Việt Nam” với những lộ trình và bước đi cụ thể.

Sau một khoảng thời gian vận hành, cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý trên TTCK. Tính đến ngày 10/8/2023, TTCKPS tròn 6 năm hoạt động. TTCKPS nói chung và sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: TTCKPS đã có bước tăng trưởng tương đối tốt và ổn định, giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, thị trường tài chính Việt Nam.

TS. Tạ Thanh Bình Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

TS. Tạ Thanh Bình Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Cũng theo TS. Tạ Thanh Bình, TTCKPS đã từng bước trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Trong giai đoạn thị trường giảm mạnh do tác động của cuối đại dịch Covid-19 năm 2022, thanh khoản thị trường phái sinh (hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30) ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh 43,8% so với năm 2021.

Sau 6 năm vận hành, hệ thống văn bản pháp luật và quy chế nghiệp vụ liên quan ngày càng hoàn thiện và đồng bộ hơn, tạo điều kiện cho TTCKPS vận hành minh bạch, ổn định. Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, TTCKPS còn tồn đọng nhiều hạn chế như: sản phẩm HĐTL TPCP kỳ hạn 5 năm và 10 năm tuy chưa thành công về mặt thanh khoản; Hoạt động của TTCKPS nói chung và sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 nói riêng còn hạn chế về sự tham gia của các nhà đầu tư. Điều này cho thấy tăng trưởng của thị trường tiềm ẩn rủi ro phát triển không bền vững.

“Trong giai đoạn đầu, gần 99% giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư cá nhân, tỉ trọng này đã giảm xuống còn khoảng 86% trong những tháng cuối năm 2019 và 67% vào cuối tháng 7/2023” – TS Bình dẫn chứng.

Bên cạnh đó, sản phẩm trên thị trường chưa đa dạng, chỉ có 03 sản phẩm là HĐTL chỉ số VN30 và HĐTL TPCP kỳ hạn 05 và 10 năm trong đó các HĐTL TPCP chưa thành công, thanh khoản thấp và thậm chí không thanh khoản. Vì vậy, nhà đầu tư tập trung vào giao dịch một sản phẩm là HĐTL chỉ số VN30 khiến giao dịch sản phẩm có nhiều biến động bất thường thời gian qua, đặc biệt là vào các phiên đáo hạn. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết có thêm các sản phẩm phái sinh khác trên chỉ số.

“Có thể nói, TTCKPS là một thị trường mới, phức tạp. Đến nay, trải qua 6 năm hình thành và phát triển, TTCKPS đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng cũng phát sinh những hạn chế, tồn tại. Tuy nhiên, nhìn trên tổng diện thị trường, có thể nói việc vận hành TTCKPS là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, Chính phủ. TTCKPS đã và đang phát triển theo lộ trình từ thấp đến cao, theo đúng định hướng của Chính phủ đề ra trong Quyết định số 366/QĐ-TTg.” – TS Bình nhìn nhận.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Luật Hà Nội cho hay, sự xuất hiện của chứng khoán phái sinh được coi là điều tất yếu của quá trình phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cũng giống như thị trường chứng khoán nói chung, thị trường chứng khoán phái sinh để tồn tại, hoạt động hiệu quả cần dựa trên hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ và phù hợp với thực tiễn.

TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Luật Hà Nội.

TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Luật Hà Nội.

Theo TS. Nguyễn Minh Hằng, điều này xuất phát từ một số lý do cơ bản sau: Thứ nhất, xuất phát từ tầm quan trọng của TTCK phái sinh và mối quan hệ giữa TTCK phái sinh với TTCK cơ sở. TTCK phái sinh ảnh hưởng đến biến động của TTCK cơ sở. Một mặt, TTCK phái sinh có liên quan đến giảm độ biến động thị trường cơ sở, hỗ trợ cho giả thuyết ổn định thị trường cơ sở. Mặt khác, một bộ phận kết quả nghiên cứu lại chỉ ra rằng, giao dịch chứng khoán phái sinh dẫn đến tăng độ biến động thị trường cơ sở.

Bên cạnh đó, TTCK phái sinh ảnh hưởng đến thanh khoản của TTCK cơ sở. Tính thanh khoản vốn là đặc điểm quan trọng cho chất lượng của TTCK cơ sở. Do vậy, khi xuất hiện sản phẩm tài chính mới có liên quan đến tài sản cơ sở.

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Hằng, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về TTCK phái sinh, giao dịch chứng khoán phái sinh xuất phát từ quan điểm, định hướng, chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Bà Hằng cho biết, từ thực tiễn, hoạt động TTCK phái sinh ở Việt Nam từ khi ra đời đến nay đã cho thấy sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về thị trường này. Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định, TTCK phái sinh Việt Nam được đánh giá đã tăng trưởng ổn định, giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường. Tuy nhiên, hàng hoá trên thị trường còn chưa phong phú, dẫn đến chưa phát huy tối ưu vai trò phòng vệ rủi ro cũng như gia tăng kênh đầu tư cho các nhà đầu tư.

“Điều này dẫn tới sự hiện diện của các nhà đầu tư trong nước trên thị trường còn hạn chế” – bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, TTCK của Việt Nam sau 23 năm phát triển vẫn được coi là thị trường chứng khoán non trẻ, dễ chịu ảnh hưởng khi có các tác động tiêu cực của nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế thế giới. Do TTCK phái sinh tại Việt Nam mới ra đời, trong khi tính chất đầu cơ và rủi ro trên TTCK phái sinh khá cao, nên việc cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh để có thể dung hoà các mối quan hệ trên là vô cùng cần thiết.

Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới, bà Hằng cho rằng, khung pháp lý sẽ là nền tảng để thiết lập một thị trường phái sinh tập trung, đa dạng, quy mô lớn hơn. Với sự quản lý của nhà nước sẽ khiến thị trường hoạt động một cách minh bạch, hiệu quả và công bằng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan