A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hello Kitty: Biểu tượng văn hóa mềm của Nhật Bản

Đối với thế giới, chú mèo Hello Kitty với chiếc nơ đỏ nổi bật, khuôn mặt ngây thơ là một biểu tượng dễ thương và độ phủ sóng rộng rãi...

 
Văn hóa 'kawaii' đã thay đổi hình ảnh của Nhật Bản đối với thế giới.
Văn hóa 'kawaii' đã thay đổi hình ảnh của Nhật Bản đối với thế giới.
 

Đối với thế giới, chú mèo Hello Kitty với chiếc nơ đỏ nổi bật, khuôn mặt ngây thơ là một biểu tượng dễ thương và độ phủ sóng rộng rãi, từ những món đồ bình dân cho đến các thương hiệu trị giá hàng tỷ USD. Nhưng đằng sau hình ảnh Hello Kitty là một câu chuyện lịch sử phức tạp và sâu sắc của Nhật Bản.

Từ một hình ảnh dễ thương

Ra đời vào năm 1974, trong bối cảnh Nhật Bản nỗ lực phục hồi sau tàn phá của Chiến tranh Thế giới II, Hello Kitty gắn liền với quá trình tái thiết đất nước. Bước ra từ chiến tranh, Nhật Bản mang hình ảnh của một đế quốc tham vọng, tàn bạo.

Sự thù hận và ác cảm đối với người Nhật lan rộng ở phương Tây sau chiến tranh, đồng thời, xuất hiện nhiều chính sách phân biệt chủng tộc khiến cộng đồng người Nhật trên thế giới phải chịu những tổn thương nặng nề. Nhật Bản khi đó đứng trước hai lựa chọn: Chấp nhận sụp đổ hoàn toàn hoặc thay đổi cách thế giới nhìn nhận mình. Và họ đã lựa chọn phương án thứ hai.

Chính phủ Nhật Bản mong muốn tạo ra sự thay đổi bằng một cuộc cách mạng văn hóa thầm lặng. Trọng tâm là hình ảnh “dễ thương”, hay “kawaii” trong tiếng Nhật. Tuy nhiên, việc kiến tạo lại hình ảnh quốc gia là một thách thức không hề đơn giản, đặc biệt khi những vết thương chiến tranh còn hằn sâu, làm lu mờ danh tiếng.

Hành trình hồi sinh của Nhật Bản bắt đầu từ một hãng giày nhỏ vào thập niên 1970, với hình ảnh chú mèo trắng duyên dáng mang nơ của họa sĩ Yuko Shimizu. Nét vẽ này đã làm thay đổi dòng chảy lịch sử.

Hello Kitty, được ra đời năm 1974 bởi Sanrio Inc., công ty dép cao su Nhật Bản nổi tiếng với các sản phẩm thoải mái, điểm xuyết họa tiết hoa tươi sáng. Chú mèo Hello Kitty màu trắng, hai mắt đen to tròn, mũi nhỏ màu vàng, đeo nơ trên đầu và không có miệng. Khuôn mặt của Hello Kitty vì thế tạo cảm giác rất dễ thương, mong manh, trung lập và mỗi người dùng có thể tưởng tượng ra nhiều trạng thái cảm xúc cho mèo ta.

Nhân vật này đã nhanh chóng chinh phục trái tim công chúng vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Người hâm mộ cuồng nhiệt ở Mỹ đã chứng kiến sự xuất hiện của các cửa hàng Sanrio truyền thống và vô vàn sản phẩm mang hình tượng Hello Kitty.

Nhân vật được yêu mến này đã đưa văn hóa “kawaii” đến với nhận thức toàn cầu, mở ra một chương mới cho bản sắc Nhật Bản. Thông qua Hello Kitty, Nhật Bản tái giới thiệu với thế giới, họ không còn là một cường quốc quân sự, mà là quốc gia vươn lên mạnh mẽ với sức mạnh mềm đầy tinh tế.

 

hello-kitty-bieu-tuong-van-hoa-mem-cua-nhat-ban-2.jpg

Hình ảnh Hello Kitty gắn liền với nhiều sản phẩm tiêu dùng.

Đến chiến lược quốc gia

Nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa tiêu dùng Nhật Bản, ông Hui-Ying Kerr - giảng viên cao cấp tại Đại học Nottingham Trent (Anh) nhận định: “Kawaii là một biểu tượng linh hoạt, cho phép mỗi người tự do gửi gắm quan điểm cá nhân như một thương hiệu. Sức mạnh của nó nằm ở khả năng khơi gợi cảm xúc, mang đến cảm giác được che chở, từ đó trở thành một công cụ tinh tế để làm dịu đi hình ảnh của các công ty và thương hiệu”.

Kawaii, bắt nguồn từ “văn hóa thiếu nữ” Nhật Bản, là hình ảnh giản dị, siêu dễ thương và ngây thơ như trẻ con. Ban đầu, đây là một không gian an toàn, trao quyền cho những nhóm yếu thế trong xã hội Nhật Bản.

GS Kumiko Saito - chuyên gia ngôn ngữ tại Đại học Clemson, Nhật Bản, giải thích rằng, những nhà hoạt động sinh viên vào những năm 1960 và 1980 đã sử dụng những hình ảnh đầy tính vui tươi để chống lại các hệ thống phân cấp cứng nhắc, mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa. Phiên bản đầu tiên của “kawaii” mang đậm tính cấp tiến, một hành động phản kháng được gói gọn trong sự ngọt ngào.

Tuy nhiên, sức hút cảm xúc của kawaii không hề bị bỏ qua. Các tổ chức chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn của nó. Từ một nền tảng thẩm mỹ, “kawaii” đã trở thành một chiến lược quốc gia, công cụ quyền lực mềm, tận dụng sự ngây thơ quyến rũ để định hình lại hình ảnh toàn cầu của Nhật Bản. Hello Kitty, với sự trung lập, phi chính trị và khả năng thích ứng vô tận, đã trở thành đại sứ hoàn hảo cho chiến lược này.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, mối quan hệ chính trị và văn hóa giữa Mỹ và Nhật Bản trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 4 thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, vào năm 1983, Hello Kitty đã trở thành đại sứ chính thức của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) về trẻ em tại Hoa Kỳ. Đến đầu những năm 2000, Chính phủ Nhật Bản đã hoàn toàn công nhận làn sóng “kawaii” như một công cụ chiến lược của sức mạnh mềm.

Sáng kiến “Cool Japan” của họ đã tận dụng văn hóa đại chúng, bao gồm truyện tranh (anime), thời trang và các biểu tượng “kawaii” như Hello Kitty, để tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và các quốc gia khác. Thông qua chiến dịch này, Hello Kitty được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch tại Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, và Hàn Quốc. Tính thẩm mỹ đã chứng tỏ sự thành công vượt trội như một công cụ quyền lực mềm, bởi nó mang đến một lớp vỏ ngây thơ dịu dàng cho hình ảnh của Nhật Bản.

Kawaii không chỉ đơn thuần là một nét thẩm mỹ, mà còn là một phần không thể thiếu trong hình ảnh toàn cầu của Nhật Bản. Từ đế chế hàng hóa trị giá hàng tỷ USD của Sanrio đến việc Bộ Ngoại giao bổ nhiệm “Đại sứ dễ thương” vào năm 2008, những phụ nữ trẻ trong trang phục “kawaii” đã được chọn làm đại sứ văn hóa tại các hội chợ quốc tế.

Ở đây, tính thẩm mỹ “kawaii” đóng vai trò biểu tượng kép: Vừa trao quyền cho phụ nữ chống lại hệ thống gia trưởng, vừa là công cụ ngoại giao chiến lược cho quốc gia. Ngay cả cố Thủ tướng Shinzo Abe, cũng thúc đẩy văn hóa mềm này. Ông hóa trang thành phiên bản dễ thương của nhân vật trò chơi Nintendo Mario tại Thế vận hội Rio 2016.

 

Chuyên gia nhân chủng học Christine Yano lưu ý rằng văn hóa kawaii có thể phục vụ nhiều mục đích cùng một lúc. Nó có thể vui tươi và mang tính cá nhân, một hình thức thể hiện bản thân và bản sắc, đồng thời cũng đóng vai trò là phương tiện mạnh mẽ để xây dựng thương hiệu và ngoại giao.

hello-kitty-bieu-tuong-van-hoa-mem-cua-nhat-ban-1.jpg

Hello Kitty là biểu tượng văn hóa thế giới.

hello-kitty-bieu-tuong-van-hoa-mem-cua-nhat-ban-3.jpg

Văn hóa 'kawaii' mang nghĩa là dễ thương, trong trẻo.

Sức ảnh hưởng toàn cầu

Bên cạnh Hello Kitty, thế giới còn nhiều hình ảnh biểu trưng cho văn hóa mềm khác, đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia và tạo dựng sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Hàn Quốc đã tạo nên một làn sóng văn hóa mạnh mẽ trên toàn cầu, được gọi là “Hallyu” hay “Làn sóng Hàn Quốc”. K-pop, với những nhóm nhạc như BTS và Blackpink, đã thu hút hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới, không chỉ bởi bài hát bắt tai, mà còn bởi vũ đạo điêu luyện, phong cách thời trang độc đáo và sự tương tác gần gũi với người hâm mộ.

Điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc, từ “Ký sinh trùng” đến những bộ phim tình cảm lãng mạn, đã chinh phục khán giả quốc tế bằng cốt truyện hấp dẫn, diễn xuất tài năng và hình ảnh đẹp mắt.

Ẩm thực Hàn Quốc, với những món ăn như kim chi, bibimbap và thịt nướng, cũng phổ biến trên toàn thế giới, góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực độc đáo của đất nước. Sự thành công của văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã giúp nâng cao hình ảnh quốc gia, thu hút du lịch và đầu tư, đồng thời tạo ra một nguồn sức mạnh mềm đáng kể.

Pháp từ lâu đã được xem là cường quốc văn hóa, với sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Thủ đô Paris, kinh đô thời trang của thế giới, là nơi ra đời của những thương hiệu thời trang xa xỉ như Chanel, Dior và Louis Vuitton, định hình xu hướng thời trang toàn cầu.

Ẩm thực Pháp, với những món ăn tinh tế như bánh mì baguette, rượu vang và phô mai, được đánh giá cao trên toàn thế giới và là biểu tượng của sự sang trọng, đẳng cấp. Pháp cũng sở hữu một di sản văn hóa nghệ thuật phong phú, với những bảo tàng nổi tiếng như Louvre và những công trình kiến trúc như tháp Eiffel, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Sức mạnh mềm của Pháp không chỉ đến từ văn hóa nghệ thuật, mà còn từ ngôn ngữ Pháp, một trong những ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

 

Mỹ, một siêu cường kinh tế và quân sự, cũng là một cường quốc văn hóa với sức ảnh hưởng toàn cầu. Hollywood, ngành công nghiệp điện ảnh lớn nhất thế giới, đã tạo ra những bộ phim và chương trình truyền hình có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, định hình văn hóa đại chúng và lối sống của nhiều quốc gia.

Âm nhạc Mỹ, với đa dạng thể loại như nhạc pop, rock và hip-hop, phổ biến trên toàn thế giới và là một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng toàn cầu. Các biểu tượng văn hóa đại chúng Mỹ như Coca-Cola, McDonald’s và quần bò Levi’s đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày trên toàn thế giới, thể hiện sức mạnh mềm của Mỹ trong việc định hình tiêu dùng và lối sống toàn cầu. Sức mạnh mềm của Mỹ cũng đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới, thu hút sinh viên từ khắp nơi trên thế giới.

Cùng với Hello Kitty, nhiều nhân vật hoạt hình khác đã trở thành “tuổi thơ” của trẻ em trên toàn thế giới như chú gấu Pooh trong phim hoạt hình “Winnie the Pooh”, hay chú chuột Mickey của hãng phim Walt Disney. Thế nhưng, câu chuyện đằng sau Hello Kitty mang sức nặng, tính biểu tượng và tham vọng lớn lao của Nhật Bản. “Xứ sở hoa anh đào” đã thành công chuyển mình mạnh mẽ, mang lại hình ảnh tươi mới ra thế giới. Quá khứ đã lùi lại phía sau, nhưng trải qua bao thăng trầm, đổi thay, sức hút của Hello Kitty vẫn còn nguyên vẹn và là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa đại chúng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật