A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hé lộ nguồn gốc 79 căn biệt thự không phép

Nhiều thửa đất trước khi hình thành khu biệt thự 79 căn xây không phép ở Phú Quốc đã được trưởng ấp ký xác nhận nguồn gốc đất cá nhân để giao dịch chuyển nhượng...

Trong quá trình xử lý 79 căn biệt thự xây không phép ở ấp Đường Bào (xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cơ quan chức năng xác định những hộ dân này bao chiếm đất của nhà nước; hồ sơ giao dịch giữa các hộ dân lại hé lộ nhiều vấn đề phức tạp.

Cho đến thời điểm này, UBND TP Phú Quốc đã lập biên bản vi phạm hành chính 60/79 trường hợp tại khu biệt thự không phép này. Trong 60 trường hợp vi phạm, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 trường hợp. Trong đó, đã cưỡng chế 16 trường hợp, chuyển cơ quan điều tra 3 trường hợp, chuẩn bị cưỡng chế thêm 11 trường hợp.

Mới đây, các hộ dân trong khu biệt thự 79 căn cũng đã đến UBND TP Phú Quốc yêu cầu đối chất với chính quyền địa phương. Những hộ dân này khẳng định họ không bao chiếm đất nhà nước xây nhà mà mua lại từ người khác, có xác nhận nguồn gốc đất. "Tôi mua đất từ người khác. Từ lúc tôi mua đất và xây nhà ở không có ai ngăn cản, nói cho tôi biết là đất của nhà nước. Xung quanh khu 79 căn này cũng thế, người ta cứ mua bán bằng giấy tay và xây dựng, không hề có cảnh báo nào của cơ quan chức năng. Hơn nữa, khu vực tôi xây nhà được làm hạ tầng hoàn chỉnh nên tôi tin là đất hợp pháp" - ông Nguyễn Văn D., chủ 1 căn biệt thự trong khu 79 căn, cho biết.

Hé lộ nguồn gốc 79 căn biệt thự không phép - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế 14/79 căn biệt thự không phép ở Phú Quốc ngày 18-9

Theo hồ sơ phóng viên có được, vào ngày 8-4-2008, ông Lâm Hùng Sơn (SN 1956; ngụ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc - nay là TP Phú Quốc) có đơn xin xác nhận nguồn gốc đất gửi UBND xã Dương Tơ và Ban Nhân dân ấp Đường Bào.

Ông Sơn trình bày trong đơn là vào năm 2007 ông có mua lại của bà Huỳnh Thị Miền và ông Chu Mạnh Chung một thửa đất 15.000 m2, tọa lạc tại tổ 8, ấp Đường Bào. Trên đất có trồng đào và tràm bông vàng. Sau khi mua đất, ông Sơn canh tác liên tục không bị tranh chấp. Mặt tiền giáp lộ đất, bên trái giáp đất ông Xàn, bên phải giáp đất ông Quân... Ngày 22-4-2008, ông Nguyễn Văn Thao, Trưởng Ban Nhân dân ấp Đường Bào, đã ký và đóng dấu xác nhận nguồn gốc đất cho ông Sơn với nội dung: "Ông Lâm Hùng Sơn có mua của bà Miền với ông Chung thửa đất khoảng 15.000 m2 là đúng sự thật".

Ngày 31-10-2019, tại Phòng Công chứng số 2 tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Hùng Sơn ủy quyền cho ông Đào Văn Quy (SN 1974; thường trú quận Bình Tân, TP HCM) đại diện, quản lý sử dụng, xin đăng ký quyền sử dụng đất... toàn bộ khu đất nói trên. Sau đó, ông Quy đã chia nhỏ thửa đất bán cho nhiều người xây biệt thự. Trong số đó có vợ chồng ông Nguyễn Văn Lâm (SN 1960; thường trú quận Tân Phú, TP HCM), một trong 14 hộ vừa bị cưỡng chế, phá dỡ biệt thự vào ngày 18-9 vừa qua.

Theo văn bản thỏa thuận giữa ông Quy và ông Lâm ký kết vào ngày 6-11-2019, ông Quy chuyển nhượng cho ông Lâm phần đất 1.050 m2 nằm trong thửa đất 15.000 m2 được ông Sơn ủy quyền với giá 1,1 tỉ đồng. Ông Quy cam kết đất này thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của ông, không có ai tranh chấp, khiếu nại; không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý theo pháp luật. Đồng thời ông Quy tiếp tục hỗ trợ phía ông Lâm tiến hành các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất... 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật