A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội tạo đột phá mới từ tinh thần trách nhiệm

Sự đổi mới trong điều hành, tinh thần đoàn kết, vượt khó vươn lên của cả hệ thống chính trị và người dân, ngay từ những tháng đầu năm, Hà Nội tiếp tục tạo ra những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố bứt phá trong năm 2023 với những mục tiêu cao hơn.

: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thăm, động viên  Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam ngày 30/1

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thăm, động viên Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam ngày 30/1

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá

Ngay từ đầu năm, chương trình công tác số 01/CTr-UBND ngày 10/1/2023 của UBND thành phố Hà Nội về Chương trình công tác năm 2023 đã chỉ rõ: Thành phố cần quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương, thực thi công vụ. Từ đó tạo động lực bảo đảm thực hiện và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Chương trình công tác năm 2023 của UBND thành phố Hà Nội tiếp tục coi trọng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thực tế kiểm tra công vụ đột xuất trong những tháng đầu năm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Mạnh Hùng cho biết, các đơn vị, địa phương đã chủ động, nghiêm túc triển khai thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Bộ phận “một cửa” cấp quận và phường đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ, công chức và người dân; Thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ thời gian giải quyết...”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ nói.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, nhằm đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, quận tiếp tục thực hiện dự án “Chỉnh lý, xây dựng cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ các phòng, ban chuyên môn thuộc quận”. Quận cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức nhằm giảm thiểu tối đa chi phí và nâng mức độ hài lòng của tổ chức, công dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính tại địa bàn quận. Cùng với đó, quận sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thành lập các đoàn kiểm tra công vụ định kỳ, đột xuất; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ với những nhiệm vụ được quận, thành phố giao.

Động viên sản xuất đầu năm tại các doanh nghiệp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố sẽ luôn lắng nghe những ý kiến của người dân, doanh nghiệp để có quyết sách phù hợp. Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện công tác phân cấp, ủy quyền để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, thành phố đã giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách nhà nước; Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố năm 2023; Cơ cấu lại nền kinh tế, về đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao trong năm 2023.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân, kinh tế Thủ đô tháng 2 tiếp tục tăng trưởng khá, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá cao so với cùng kỳ; Đảm bảo cân đối chi ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 2 tháng đầu năm 108.761 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán. Chi ngân sách địa phương thực hiện 2 tháng đầu năm là 10.879 tỷ đồng, đạt 10,4% dự toán, bằng 114,2% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 2 đạt 1.247 triệu USD, tăng 17,2% so với tháng 2/2022 (cùng kỳ tăng 53%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.301 triệu USD, giảm 4,8% (cùng kỳ tăng 30,9%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tháng 2 đạt 3.097 triệu USD, tăng 13,2% so với tháng 2/2022 (cùng kỳ tăng 37,8%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 5.751 triệu USD, tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 23%).

Thương mại - Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 đạt 59,490 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng 02/2022 (cùng kỳ tăng 11,1%). Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 122,452 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% (cùng kỳ tăng 9,9%). Đáng chú ý, ngành Du lịch phục hồi mạnh. Trong tháng 2/2023, Thủ đô Hà Nội đón 340 nghìn lượt khách, tăng hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế (có lưu trú) đạt 210 nghìn lượt khách, tăng 14,7 lần, khách du lịch nội địa đạt 130 nghìn lượt khách, tăng 39%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ 0,49% so với tháng 1 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2022.

Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ

Từ nay tới cuối năm, thành phố sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Hà Nội tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy. Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan Trung ương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cùng với đó, thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; Giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; Đẩy mạnh công tác quy hoạch; Phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị, nông thôn. Thành phố đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; Triển khai thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ....

Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 với Hà Nội có thể nói là rất nhiều. Trước tình hình này, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy Hà Nội là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp…

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại kỳ họp

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI ngày 10/3, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo các nghị quyết của HĐND thành phố đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Trong đó, đối với Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đây là đề án lớn nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra sau giám sát của HĐND thành phố, phát huy hiệu quả các nguồn lực tài sản công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đề án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thành ủy và các ý kiến đóng góp, thảo luận của đại biểu HĐND thành phố.

UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án, trong đó, cần rà soát, thống kê đầy đủ số lượng, hiện trạng các tài sản công; cập nhật dữ liệu chính xác làm cơ sở để theo dõi, quản lý công khai, minh bạch. TP xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp đồng bộ, khả thi để khai thác hiệu quả các tài sản công; trước mắt là kiên quyết, tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về tài chính, về trật tự xây dựng, thu hồi các tài sản bị sử dụng sai mục đích; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, phải khẩn trương chuyển đến các cơ quan chức năng để đảm bảo kỷ cương, nghiêm minh và thực thi pháp luật theo quy định.

Một góc Hà Nội

Một góc Hà Nội

Về tiến độ triển khai đầu tư công năm 2023 của thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia, đang được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo. Vì vậy, UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện liên quan cần tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, HĐND thành phố cũng đã quyết nghị bổ sung cơ chế ứng vốn giải ngân linh hoạt phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư dự án và phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương 25 dự án quan trọng, thuộc các lĩnh vực y tế, văn hóa, thể thao, hạ tầng giao thông, đê điều, thủy lợi.

Theo báo cáo của UBND thành phố, kết quả giải ngân đầu tư công toàn thành phố đến ngày 20-2-2023 mới đạt được 6% so với kế hoạch HĐND thành phố giao. Khối lượng các công trình, dự án là rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, khó khăn; Tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát để đẩy nhanh tiến độ đầu tư thực hiện các dự án.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật