A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội đã sẵn sàng triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hôm nay (28/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Với nhiều đột phá ở các khía cạnh khác nhau về quy mô, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển, Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới cho Hà Nội; đồng thời lan tỏa cho cả vùng xung quanh Thủ đô.

Sau khi được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 6 và tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, các cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện, tiếp thu chỉnh lý tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật với bố cục gồm 7 chương, 54 điều.

Một số điểm nổi bật tại dự thảo Luật như: Quy định việc giao quyền chủ động cho TP trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền TP và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn; tăng nhiệm vụ cho HĐND TP; có những chính sách đặc thù, ưu đãi cho lĩnh vực văn hoá; ...

Hà Nội đã sẵn sàng triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi)
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) vào sáng nay (28/6)

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, xây dựng Luật Thủ đô phải tạo ra khả năng để thu hút được những điều kiện, những tinh túy của cả nước về Thủ đô, để tạo ra hình ảnh đại diện cho cả nước. Dự thảo Luật cơ bản đã hoàn thiện tốt, đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội, phải thực hiện các sứ mệnh để tạo ra bước phát triển vượt trội, bứt phá vượt trội.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian qua, như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội... Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp TP có thể khắc phục các bất cập hiện nay về cảnh quan, kiến thiết đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường.

Tại Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Phó Bí thư thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, ngành của TP chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) ngay sau khi được Quốc hội thông qua; chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng khẳng định Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã dày công nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét.

Đây là dự thảo Luật vô cùng quan trọng, khắc phục toàn bộ các quy định “luật khung, luật ống” trước đây. Dự thảo Luật đến thời điểm này được quy định rất cụ thể, gắn với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Về công tác triển khai Luật sau khi được Quốc hội thông qua, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, với dự kiến hơn 80 nội dung giao TP Hà Nội triển khai, TP đã có sự chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Đến khi Luật được thông qua, TP sẽ triển khai ngay các nội dung thi hành luật, tránh xảy ra tình trạng Luật có hiệu lực thi hành nhưng chưa ban hành kịp văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống (Ảnh minh hoạ)

Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết: Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua cũng là kỳ vọng vào cơ chế chính sách cho Thủ đô rất lớn. Trung ương giao quyền cho Thủ đô rất lớn, riêng HĐND TP tăng khoảng hơn 80 nhiệm vụ cần cụ thể hóa để phát huy vai trò của cơ quan quyền lực.

Khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, cùng với HĐND thì UBND cũng đã chuẩn bị kế hoạch để sau khi thông qua có lộ trình để những cơ chế chính sách khi có hiệu lực thì triển khai ngay.

Liên quan đến cơ chế tổ chức bộ máy vì tăng nhiệm vụ cho HĐND phải có tăng bộ máy (có đại biểu chuyên trách, các Ban HĐND), Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP cho rằng: Chúng ta đang thí điểm về không tổ chức HĐND phường ở các quận, thị xã nên khi Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức thông qua, TP sẽ thực hiện chính thức mô hình này. Hiện mô hình được đánh giá rất phù hợp.

Hiện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP cùng Văn phòng HĐND TP đang tích cực triển khai các công việc liên quan để sẵn sàng đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống. Luật đã tăng nhiệm vụ cho HĐND, Thương trực HĐND, tăng số lượng đại biểu chuyên trách; tăng Phó Chủ tịch HĐND quận, huyện để bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ khi bỏ HĐND cấp phường...

Chưa bao giờ Thủ đô Hà Nội đứng trước cơ hội, tiềm năng và lợi thế như bây giờ. Và với Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua Hà Nội sẽ có thêm cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực...

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan