A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ vướng trong khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án Vành đai 4

Sáng 13/4, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội làm việc với UBND các tỉnh và Sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Gỡ vướng trong khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án Vành đai 4
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, để đảm bảo khởi công đồng loạt các Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trong tháng 6/2023 đúng tiến độ, trong đó việc khảo sát các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ thi công dự án là công việc hết sức quan trọng, quyết định sự thành công.

Qua khảo sát tình hình thực tế, hiện nay các mỏ vật liệu để phục vụ thi công dự án nằm trên địa bàn 9 tỉnh, TP. Mặc dù Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết triển khai với một số cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác vật liệu thông thường. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả cần có sự vào cuộc trực tiếp của các địa phương trong vùng. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của các địa phương với việc triển khai dự án, cơ chế phối hợp, điều phối chung giữa các địa phương.

Từ đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu bàn kỹ, bàn sâu, trao đổi thẳng thắn để cùng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những giải pháp tối ưu để thực hiện khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, theo hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án thành phần 2.1, 2.2, 2.3 và dự án thành phần 3 (dự kiến đắp nền K95 bằng cát trên địa bàn TP Hà Nội), nhu cầu vật liệu toàn dự án trên địa bàn 3 tỉnh (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) là rất lớn.

Cụ thể, đất đắp K98, K95, đắp bao là 12,012 triệu mét khối; Cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu 10,467 triệu mét khối; Cát xây dựng 3,401 triệu mét khối; đá 7,512 triệu mét khối. Đối với chất thải, đất đổ đi, đất đào 3,051 triệu mét khối; Chất thải rắn xây dựng (gạch, bê tông phá dỡ…) 1,731 triệu mét khối.

Tổng số mỏ đã khảo sát phục vụ thi công dự án là 102 mỏ. Trong đó, đối với mỏ đất đắp phục vụ thi công dự án, đến thời điểm hiện nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng cộng 31 mỏ đất đắp trên địa bàn 7 tỉnh, TP với tổng trữ lượng khoảng 114 triệu mét khối (thực tế nhu cầu sử dụng khoảng 12,012 triệu mét khối). Tuy nhiên, qua điều tra các mỏ có thể khai thác có khoảng cách khá xa so với vị trí thi công dự án.

Trên cơ sở bình đồ tuyến đường và khả năng cung cấp cho dự án, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội lựa chọn và sắp xếp các mỏ theo 3 khu vực để có thể cung cấp cho dự án tương ứng với hướng tuyến Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn 3 tỉnh.

Đối với mỏ cát, bãi tập kết cát, đến nay tư vấn đã khảo sát tổng cộng 32 mỏ trên địa bàn 5 tỉnh, TP, với tổng trữ lượng khoảng 56 triệu mét khối (thực tế nhu cầu dự kiến 10,467 triệu mét khối). Đối với mỏ đá, đến nay tư vấn khảo sát 39 mỏ đá trên địa bàn 6 tỉnh, TP với trữ lượng khoảng 280 triệu mét khối (nhu cầu thực tế khoảng 7,512 triệu mét khối).

Gỡ vướng trong khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án Vành đai 4
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Để đảm bảo cung ứng vật liệu và bãi đổ thải phục vụ thi công Dự án đường Vành đai 4, UBND TP Hà Nội đề nghị Ban chỉ đạo thống nhất chỉ đạo cho phép thực hiện phương án đắp K98 và đắp bao bằng đất và đắp K95 bằng cát; Cho phép đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án để các nhà thầu thi công thực hiện đăng ký khối lượng khai thác theo cơ chế đặc thù.

Giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội và liên ngành của TP Hà Nội cùng với các cơ quan có chức năng của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thực hiện khảo sát, làm việc với các đơn vị có giấy phép khai thác mỏ đất, mỏ cát tại các tỉnh lân cận khu vực dự án, để công bố giá vật liệu xây dựng theo từng tháng, từng quý đảm bảo sát giá thị trường.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 5 điểm mỏ đã được UBND TP phê duyệt Kế hoạch đấu giá trong năm 2023; Phối hợp với Ban Qaunr lý dự án hướng dẫn nhà thầu thi công dự án đăng ký khối lượng khai thác theo cơ chế đặc thù.

Đề nghị UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thống nhất về việc san lấp, đắp tận dụng đất đào nền, đào khuôn đường vào vị trí nút giao, giải phân cách giữa đường cao tốc, phần đất thu hồi 30m dự trữ đường sắt và phần hè của đường song hành để san phẳng tạo mặt bằng thi công hè giai đoạn hoàn thiện; Giao UBND các huyện khảo sát có các vị trí tập kết đất đào thực hiện kiểm tra, thống nhất để đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng của dự án…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Giang… đã trao đổi, làm rõ thêm về tình hình các mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khẳng định quyết tâm sẽ đảm bảo về nhu cầu vật liệu xây dựng về đất, cát, đá xây dựng phục vụ thi công dự án.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật