A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho người lao động

Sáng 7/11, tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Thanh Xuân, Báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân phối hợp tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho người lao động”.

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng thành công Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028; đồng thời, nhằm mang đến cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn quận những thông tin liên quan về chế độ, chính sách và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho người lao động

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi đối thoại

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Chế độ chính sách và sức khỏe là hai nội dung đặc biệt quan trọng gắn liền với quyền lợi thiết thực của người lao động; luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan, đơn vị và người lao động ở các ngành nghề khác nhau. Trên thực tế, trong mối quan hệ lao động, người lao động nói chung luôn ở vị trị yếu thế hơn, phụ thuộc và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động nên luôn tiềm ẩn mâu thuẫn về lợi ích.

Chính vì thế, việc nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động là một nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục của tổ chức Công đoàn, chức năng của cơ quan báo chí truyền thông nhằm giúp người lao động có thể trang bị đủ kiến thức, giải quyết hài hòa các mối quan hệ lao động, xã hội theo pháp luật; hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Chỉ khi nắm rõ pháp luật thì người lao động mới có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và người sử dụng lao động không vi phạm pháp luật, không xâm hại các quyền lợi hợp pháp của người lao động, từ đó tạo môi trường hoạt động ổn định phát triển doanh nghiệp.

Tại chương trình, nhiều công nhân, lao động đã trực tiếp trao đổi về những băn khoăn, thắc mắc liên quan đến chính sách lao động. Chị Nguyễn Thị Hà (Công ty cổ phần Ffintech) hỏi: "Hiện tại công ty tôi số lượng lao động đông, mùa du lịch người lao động hay xin nghỉ không lương. Xin cho biết, trong 1 tháng người lao động được nghỉ không lương tối thiểu và tối đa bao nhiêu ngày. Những ngày nghỉ không lương có phải đóng BHXH không?".

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho người lao động
Công nhân đặt câu hỏi

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp: Trong quy định của Bộ luật Lao động không có quy định cụ thể nghỉ không hưởng lương tối đa bao nhiêu ngày/tháng mà căn cứ vào thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Nếu là nghỉ phép mới có quy định tối đa là nghỉ bao nhiêu ngày trong năm.

Về việc đóng bảo hiểm, nếu bạn đi làm, hưởng lương và tiền công thì mới đóng BHXH. Nếu không đi làm, không hưởng tiền lương, tiền công thì không cần đóng BHXH. Tuy nhiên, bạn lưu ý, nếu 1 tháng mà nghỉ 14 ngày không lương thì không cần đóng BHXH.

Anh Đinh Minh Quyền (Công ty cổ phần đầu tư phát triển thương mại Nhất Tín) hỏi: "Xin chuyên gia thông tin cụ thể thêm về chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần tại dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tại công ty tôi, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ làm đơn gửi các phòng, ban xin xác nhận ngày nhận đơn. Thời gian gần đây, nhiều đoàn viên đã nghỉ việc rồi nhưng quay lại hỏi Công đoàn rằng cơ quan chi trả bảo hiểm thất nghiệp không chấp nhận nội dung đó? Vậy trong trường hợp này đang vướng ở chỗ nào?".

Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho người lao động
Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội

Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp: Về chi trả bảo hiểm thất nghiệp, nếu người lao động thôi việc theo đúng quy định của pháp luật thì vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thành phần hồ sơ giải quyết gồm: Sổ Bảo hiểm xã hội, đơn xin nghỉ việc và quyết định thôi việc.

Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động chưa có việc làm trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động muốn nhận trợ cấp. Khi Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận hồ sơ và chuyển sang Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành quyết định thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp.

Về hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần, đây là chính sách an sinh xã hội với mong muốn để người lao động ở lại trong hệ thống an sinh. Khi người lao động mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp mất việc làm.

Khi người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, người lao động đóng 8%, chủ sử dụng lao động đóng 14%. Nhà nước khuyến khích người lao động không thanh toán bảo hiểm một lần. Bởi vậy dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được xây dựng cũng xây dựng kế hoạch để người lao động không rời khỏi hệ thống an sinh, nhằm không tạo gánh nặng cho Nhà nước về các vấn đề an sinh, trợ cấp…

Ban tổ chức tặng hoa chuyên gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến
Ban tổ chức tặng hoa chuyên gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Chị Hồng Anh (Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung): Giáo viên đủ điều kiện chuẩn giáo dục thì có phải đợi 9 năm để thăng hạng không? Trường tôi có giáo viên chuyển ngạch từ huấn luyện viên sang giáo viên thể dục đến nay đã gần 2 năm nhưng vẫn chưa chuyển được. Vậy xin chuyên gia cho biết thời gian chuyển ngạch tối đa phải đợi bao lâu, khi chuyển ngạch giáo viên đó có được truy thu 35% lương đứng lớp không?

Bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội trả lời: Theo Thông tư 08/2023, thầy, cô giáo phải đạt trình độ chuẩn của giáo viên, tức là phải có bằng Đại học. Khi xem xét thăng hạng phải có thời gian công tác đủ 9 năm theo tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo Luật Giáo dục.

Với giáo viên hạng 2, phải đảm bảo cơ bản thực hiện được các nhiệm vụ của giáo viên hạng 2, khi đủ các điều kiện thì được xem xét thăng hạng, khi thăng hạng căn cứ theo chỉ tiêu được giao của Bộ Nội vụ.

Đối với Huấn luyện viên khi được tiếp nhận điều động về làm giáo viên, trong quá trình giảng dạy đều được đánh giá từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên thì được xem xét việc chuyển ngạch chức danh nghề nghiệp. Khi chuyển ngạch chức danh nghề nghiệp phải xem xét từng thời điểm, nếu đủ điều kiện, việc hưởng phụ cấp 35% đứng lớp thầy, cô sẽ được hưởng.

Phát biểu bế mạc chương trình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân Cao Đắc Tiến nhấn mạnh, buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tiếp hôm nay đã thành công tốt đẹp, thông qua đây, các cán bộ Công đoàn cơ sở và các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đã được trang bị những kiến thức về chế độ chính sách từ đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa đồng thời cũng được trang bị những kiến thức để có thể tự chăm sóc và nâng cao sức khỏe bản thân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật