A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EU tuyên bố sẽ sống tốt mà không cần khí đốt Nga

Các công ty khí đốt của EU bị cảnh báo về việc tìm kiếm thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga.

EU tuyên bố sẽ sống tốt mà không cần khí đốt Nga

Đường ống dẫn khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraina. Ảnh: Naftogaz

Ủy viên năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson cảnh báo các công ty khí đốt trong khu vực rằng bất kỳ thỏa thuận mới tiềm năng nào để duy trì dòng khí đốt từ Nga qua Ukraina sẽ là một lựa chọn "nguy hiểm" - Bloomberg đưa tin.

"Không có lý do gì để bào chữa, EU có thể sống tốt mà không cần khí đốt của Nga" - bà Simson phát biểu tại họp báo sau cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 15.10. "Đây là một lựa chọn chính trị và là một lựa chọn nguy hiểm" - bà Simson cảnh báo các công ty khí đốt EU.

Thỏa thuận trung chuyển khí đốt quan trọng giữa Mátxcơv và Kiev sẽ hết hạn vào ngày 31.12.2024 và Chính phủ Ukraina tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận.

Bà Simson cho biết Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản không có dòng khí đốt trung chuyển bằng cách sử dụng các tuyến cung cấp thay thế và dựa vào công suất dự trữ khí đốt lớn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh Ukraina sẽ quyết định tương lai của đường ống dẫn khí, trong khi các quan chức EU tuyên bố sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán mới.

Nếu tuyến đường khí đốt này bị mất, nó có thể làm gia tăng cuộc chiến giữa châu Âu và châu Á về nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Tuyến đường trung chuyển qua Ukraina được Nga sử dụng để vận chuyển khoảng 50% tổng lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống của mình sang châu Âu, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, và khoảng 10% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Mátxcơva.

Đường ống dẫn khí bắt đầu từ mỏ khí Urengoy của Nga trước khi vào Ukraina qua trạm đo Sudzha ở tỉnh Kursk. Khí đốt vào EU tại Slovakia trước khi rẽ nhánh sang Áo và Hungary.

Trạm đo khí đốt Sudzha trên biên giới Nga-Ukraina. Ảnh: Gazprom

Trạm đo khí đốt Sudzha trên biên giới Nga - Ukraina. Ảnh: Gazprom

Đường ống trung chuyển qua Ukraina là một trong hai đường ống dẫn khí còn lại nối Nga với châu Âu, đường ống kia đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai tuyến đường khác - đường ống Yamal và Nord Stream - đã bị đóng cửa vào cuối năm 2021 và mùa thu năm 2022.

Theo thỏa thuận hiện tại giữa Gazprom của Nga và Naftogas của Ukraina, Nga bơm 40 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm.

Tuy nhiên, năm 2023, Nga chỉ cung cấp 14,6 tỉ mét khối khí đốt thông qua đường ống quá cảnh của Ukraina.

Các nhà phân tích cho biết các nước EU sẽ chịu tổn thất trực tiếp lớn nhất khi thỏa thuận quá cảnh Nga - Ukraina kết thúc.

EU nhập khẩu 45% khí đốt từ Nga vào năm 2021. Con số này đã giảm xuống còn 15% vào năm 2023.

Tuy nhiên, Hungary, Áo và Slovakia vẫn nhận được phần lớn khí đốt từ Nga.

Cả ba quốc gia này đều không giáp biển và không có quyền tiếp cận trực tiếp đến các cảng LNG, vì từ lâu đã phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga thông qua đường ống. Cả ba nước này đều có ràng buộc với Nga bằng các hợp đồng dài hạn kéo dài đến tận sau năm 2025.

Hungary, quốc gia phụ thuộc vào Nga khoảng 80% lượng khí đốt nhập khẩu, có thể sẽ ứng phó tốt hơn với sự gián đoạn này so với các nước láng giềng. Budapest có thể tiếp tục nhận nguồn cung từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi tuyến đường trung chuyển của Ukraina đóng cửa.

Áo và Slovakia là những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ​​việc đóng cửa đường ống dẫn khí qua Ukraina.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật