A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đức đóng cửa gần như hoàn toàn với hàng hóa Nga

Đức gần như dừng nhập khẩu hàng hóa Nga. Trong nỗ lực thoát khí đốt Nga, nước này đang thúc đẩy xây các kho cảng để tiếp nhận LNG.

Đức đóng cửa gần như hoàn toàn với hàng hóa Nga

Lượng hàng hóa Đức nhập khẩu từ Nga đã giảm tới 95% trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2024. Trong ảnh là một siêu thị ở Berlin, Đức. Ảnh: Xinhua

Lượng hàng hóa Đức nhập khẩu từ Nga đã giảm tới 95% trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2024, trong khi hàng hóa xuất khẩu sang Nga cũng giảm 72%, báo cáo của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 11.6.

Đức, giống như những nước khác trên khắp châu Âu, đang xây dựng thêm nhiều cơ sở để xử lý lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu ngày càng tăng, phần lớn là từ Mỹ.

Khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra năm 2022, Đức nhận thấy nước này không có kho cảng nào để đưa những nguồn năng lượng thay thế cần thiết để duy trì hoạt động của các nhà máy và sưởi ấm. Ba năm sau, Đức đã có 4 kho cảng LNG.

Kho cảng gần đây nhất bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 5 ở Wilhelmshaven. Kho cảng ở Wilhelmshaven là một trong nhiều nỗ lực tương tự trên khắp châu Âu, nhằm thiết lập các cơ sở cho LNG để loại bỏ ảnh hưởng của khí đốt Nga. LNG có thể được đưa đến từ bất kỳ quốc gia nào, Mỹ, Qatar, Australia.

Laura Page - nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Kpler - cho biết, kể từ mùa hè năm 2022, châu Âu tăng khả năng tiếp nhận LNG lên khoảng 30% một năm, tương đương 60 triệu tấn. Phần lớn sự gia tăng này diễn ra ở Đức.

LNG chiếm khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu vào năm 2024, gần gấp đôi so với năm 2020. Gần một nửa lượng nhập khẩu đến từ Mỹ.

Truyền thông nhận định, xung đột ở Ukraina đã thay đổi cách Đức, cũng như nhiều nơi khác ở châu Âu nhìn nhận về năng lượng. Kết quả là, Wilhelmshaven đang nổi lên trong kế hoạch của các nhà phát triển năng lượng. Ngoài kho cảng LNG tại Wilhelmshaven, 2 cơ sở khác cũng đã được xây dựng tại Brunsbuttel và Stade, những nơi cách Wilhelmshaven khoảng 130 km về phía đông.

Tính chung toàn EU, nhập khẩu từ Nga giảm 78% và xuất khẩu giảm 65% trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2024, dẫn đến thâm hụt thương mại 4,5 tỉ euro vào năm 2024, so với con số 147,5 tỉ euro vào năm 2022, Destatis cho biết thêm.

“Nguyên nhân chính khiến thâm hụt nhập khẩu của EU vẫn tồn tại trong năm 2024 là do EU vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga với khối lượng đáng kể" - Destatis viết trong báo cáo.

Theo Ủy ban châu Âu, năm 2020, Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 36,5% tổng kim ngạch nhập khẩu và 37,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu đề xuất gói trừng phạt thứ 18 với Nga do xung đột ở Ukraina, nhắm đến nguồn thu từ năng lượng, hệ thống ngân hàng và ngành công nghiệp quân sự của Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết ngày 10.6.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật