A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án hạt nhân Nga ở châu Âu bùng nổ trở lại

Dự án nhà máy điện hạt nhân tại Hungary do Nga thực hiện sắp bước vào giai đoạn xây dựng quy mô lớn sau khi Mỹ chính thức dỡ bỏ trừng phạt.

Dự án hạt nhân Nga ở châu Âu bùng nổ trở lại

Nga xây nhà máy điện hạt nhân Paks-2 ở Hungary. Ảnh: Paks-2

Chính phủ Hungary đang thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks-2, sau khi Mỹ chính thức dỡ trừng phạt đối với ngân hàng Gazprombank, đơn vị tài chính chủ chốt trong dự án do Tập đoàn hạt nhân quốc gia Nga Rosatom đảm trách.

Tổng giám đốc Rosatom, ông Alexey Likhachev, ngày 3.7 cho biết: “Chính phủ Hungary đang thể hiện rõ mong muốn tham gia vào quá trình xây dựng quy mô lớn của dự án Paks-2 trong thời gian sớm nhất. Đợt đổ bê tông đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng 10 hoặc 11 năm nay”.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary, ông Peter Szijjarto, xác nhận rằng kể từ tháng 7.2025, không còn bất kỳ hạn chế nào liên quan đến hoạt động của Gazprombank trong khuôn khổ dự án Paks-2.

Trước đó, vào cuối tháng 11.2024, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Gazprombank - kênh thanh toán chính cho hợp tác năng lượng giữa Nga và Hungary, bao gồm cả dự án Paks-2. Việc này khiến Mátxcơva và Budapest phải tìm các phương án thanh toán thay thế, làm đình trệ tiến độ thi công.

Công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks-2, tháng 12.2024. Ảnh: Paks-2
Công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks-2, tháng 9.2024. Ảnh: Paks-2

Tuy nhiên, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, con đường tài chính của dự án đã được khai thông. “Việc dỡ bỏ trừng phạt đã mở ra cơ hội tiếp cận hoàn toàn khác cho dự án so với trước đây” - ông Likhachev nói thêm.

Paks-2 là giai đoạn mở rộng của nhà máy điện hạt nhân Paks, nằm cách thủ đô Budapest khoảng 100km về phía nam, bên bờ sông Danube. Nhà máy hiện tại được xây dựng với công nghệ của Liên Xô, sử dụng nhiên liệu hạt nhân từ Nga và đang vận hành bốn tổ máy VVER-440. Nhà máy này cung cấp khoảng 50% tổng sản lượng điện phát ra và 1/3 điện năng tiêu thụ tại Hungary.

Vào cuối năm 2014, Nga và Hungary đã ký kết thỏa thuận xây dựng thêm hai tổ máy mới (tổ máy số 5 và 6) thuộc dự án Paks-2, sử dụng lò phản ứng tiên tiến VVER-1200. Tổng vốn đầu tư ước tính vượt 12,5 tỉ euro, trong đó phía Nga cung cấp khoản vay nhà nước lên tới 10 tỉ euro.

Theo kế hoạch, khi hai lò phản ứng mới được đưa vào vận hành, tổng công suất của nhà máy sẽ tăng từ 2.000 megawatt lên 4.400 megawatt, giúp Hungary đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Dự án Paks-2 không chỉ mang ý nghĩa chiến lược đối với Hungary mà còn là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác năng lượng sâu sắc giữa Mátxcơva và Budapest trong bối cảnh châu Âu đang chuyển dịch cấu trúc năng lượng và định hình lại các liên kết địa chính trị.

Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Gazprombank đã tạo điều kiện để Paks-2 khởi động trở lại sau nhiều tháng đình trệ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật