A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội tự đề xuất dự luật về công nhận quyền chuyển giới tính của công dân

Sáng 10/4, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình xây dựng Luật Bản dạng giới, một sáng kiến lập pháp của cá nhân, trong đó nhấn mạnh quyền được chuyển đổi giới tính của công dân.

Sáng 10-4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp lần thứ 22. Đáng chú ý, tại phiên họp này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã trình bày tờ trình xây dựng Luật Bản dạng giới, một sáng kiến lập pháp của cá nhân đại biểu, trong đó nhấn mạnh quyền được chuyển đổi giới tính của công dân.

Đề nghị công nhận quyền chuyển đổi giới tính của công dân - Ảnh 1.

Ngày 28/2, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã có Tờ trình số 22/TTr-ĐBQH về đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về khái niệm Bản dạng giới, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bản dạng giới là một cảm nhận bền vững tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống, không phụ thuộc vào giới tính bên ngoài khi mới sinh ra của họ .

Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật quy định cụ thể về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới; chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.

Việc đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới nhằm khẳng định các dạng giới khác là một cấu phần tất yếu của xã hội bên cạnh 2 giới tính truyền thống là nam và nữ; đảm bảo những người không hợp giới được sống bình đẳng trong xã hội; khẳng định, tôn trọng quyền chuyển đổi giới tính của công dân.

Bên cạnh đó hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới. Nội luật hóa các quy định, nguyên tắc quốc tế về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính bằng đạo luật của Quốc hội.

Cùng với đó thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống…; phải được tôn trọng bằng pháp luật như một phạm trù về nhân quyền trong xã hội văn minh; khuyến khích người chuyển giới có thái độ và hành vi tích cực, hòa đồng với xã hội. Thể hiện giá trị nhân bản, nhân văn và nhân đạo cao cả của nhà nước; bảo vệ cộng đồng yếu thế và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đề nghị công nhận quyền chuyển đổi giới tính của công dân - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đưa ra 3 chính sách trong đề xuất xây dựng Luật:

Thứ nhất, là quyền chuyển đổi giới tính của công dân. Theo đó, cần khẳng định công dân có quyền chuyển đổi giới tính, đồng thời đưa ra những tiêu chí để công dân thực hiện quyền này, như: công dân đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; có tình trạng hôn nhân độc thân; không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Thứ hai, là quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân. Công dân đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi; có quyền đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện thủ tục công nhận giới tính mới thông qua việc đăng ký thay đổi hộ tịch.

Thứ ba, là quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân. Trong đó quy định công dân có quyền lựa chọn hình thức can thiệp y học; điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện can thiệp y học; các nguyên tắc bắt buộc khi thực hiện can thiệp y học.

Về tiến độ, theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024); trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).

Rất đáng trân trọng và khuyến khích

Ngày 9/4, Chính phủ có văn bản số 113/CP-PL tham gia ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới của đại biểu Quốc hội.

Chính phủ cho rằng việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản luật về chuyển đổi giới tính là cần thiết để góp phần thể chế hóa một số nội dung liên quan đến quyền con người đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính, tuy nhiên đây là vấn đề khó, cần có sự tập trung về thời gian và nguồn lực.

Việc đại biểu Quốc hội thực hiện quyền đề nghị xây dựng luật là rất đáng trân trọng và khuyến khích. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Y tế cung cấp kết quả nghiên cứu để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò của mình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật