Đà Nẵng quyết tâm lấy lại vị thế đầu tàu vùng kinh tế động lực miền Trung
Lần đầu tiên sau 3 năm, kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội với những con số hết sức ấn tượng.
Riêng thu ngân sách của Đà Nẵng vượt dự toán hơn 120% trở thành một trong những điểm sáng nhất của cả nước trong phục hồi tăng trưởng sau đại dịch COVID-19 khẳng định vị thế đầu tàu tại vùng kinh tế động lực miền Trung.
Các chỉ tiêu năm 2022 của Đà Nẵng đều đạt và vượt kế hoạch, xếp thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng; quy mô nền kinh tế đạt tăng trưởng vượt so với năm 2019 - thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát; thu ngân sách đạt hơn 120% so với dự toán; an sinh xã hội được đảm bảo.
Ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng cho biết: "Năm 2022 quy mô nền kinh tế tăng so với năm 2021 là khoảng17.000 tỷ và so với năm 2019 là hơn 14.000 tỷ. Điều này cho thấy Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ".
Đà Nẵng đang quyết tâm lấy lại vị thế đầu tàu vùng kinh tế động lực miền Trung.
Các chuyên gia cho rằng những con số trên chưa thể hiện được thước đo về hiệu quả quản lý, điều hành nền kinh tế của thành phố bởi tăng trưởng 14,05% chỉ là so với thời điểm có xuất phát điểm thấp của năm 2021, nếu so với năm 2019 con số này còn ở mức thấp.
Sự phục hồi nhanh của Đà Nẵng chủ yếu đến từ mũi nhọn dịch vụ du lịch với khoảng 68%, trong khi đó công nghiệp xây dựng ở mức dưới 20%. Sự mất cân đối về cơ cấu như hiện nay của Đà Nẵng đang đi chệch hướng của Nghị quyết 43 Bộ Chính trị về phát triển bền vững của Đà Nẵng.
Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tăng trưởng chưa đồng đều giữa các ngành nghề, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn FDI, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để đón đầu các chủ trương, dự án lớn đang trở thành cản lực đối với sự phát triển thành phố.
Năm 2023 Đà Nẵng xác định là năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, năm bản lề tiếp tục thực hiện các nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kì 2021 - 2026.