A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xén vỉa hè, thu hẹp lô cốt để mở rộng đường, tránh ùn tắc tại Hà Nội

Một trong những giải pháp được đưa ra để tránh tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội được đưa ra đó là xén vỉa hè, dải phân cách, mở rộng tối đa mặt đường, tăng khả năng thông hành cho các phương tiện.

Xén vỉa hè, thu hẹp lô cốt để mở rộng đường, tránh ùn tắc tại Hà Nội

Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Hơn 30 điểm ùn tắc giờ cao điểm

Làm việc tại một văn phòng ở quận Ba Đình, mỗi buổi sáng hàng ngày, chị Nguyễn Thị Liên (26 tuổi) phải mất hàng giờ đồng hồ để nhúc nhích từng bước trên tuyến đường Nhổn - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy đi làm. Dù khoảng cách từ nơi ở (chung cư Hateco Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến nơi làm việc chỉ khoảng 8km. 

Khói bụi, tắc đường, giao thông như kiểu "điền vào chỗ trống" là tình cảnh ngày nào chị Liên cũng gặp phải. 

Chị Liên chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp gặp cảnh giao thông hỗn loạn trên các tuyến đường của Thủ đô Hà Nội. Nhiều đoạn các công trình đang thi công, quây rào chắn nên phần đường bị thu hẹp. Giao thông đã tắc càng thêm tắc. Ôtô đi cả vào làn xe máy, xe máy lao lên cả vỉa hè…

Càng những ngày Tết cận kề, nhiều cung đường của Thủ đô ken đặc xe cộ, nối đuôi nhau di chuyển. Hình ảnh hàng dài ôtô nối đuôi nhau chờ lên Vành đai 3 đã không còn xa lạ, kể cả những ngày bình thường.

Tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ dành riêng 1/3 dành riêng để ưu tiên cho xe buýt nhanh BRT nhưng nhiều phương tiện đã phải tràn vào tranh làn của xe buýt nhanh, thậm chí lao cả lên vỉa hè để có thể lưu thông. 

Tuyến đường song song bên cạnh đó là đường Nguyễn Trãi - Tây Sơn và Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh vốn đã đông đúc lại đón thêm một lượng lớn phương tiện nên cũng trong tình trạng đông nghẹt không kém.

Tình trạng ùn tắc này cũng xảy ra trên nhiều tuyến đường khác của Thủ đô như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Kim Mã, Đào Tấn, Cầu Giấy, Xuân Thủy,...

 

Hà Nội còn khoảng 30 điểm đen ùn tắc giao thông. Ảnh: Tùng Giang 

Báo cáo của Sở GTVT Hà Nội mới đây nêu rõ, đến nay, địa bàn thành phố có hơn 30 điểm ùn tắc vào giờ cao điểm, chủ yếu trong khu vực nội thành.

Đáng chú ý, trong năm 2022, đơn vị này đã xử lý được 8 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng lại dự báo có thêm 10 điểm ùn tắc thường xuyên mới phát sinh.

Trao đổi với Lao Động, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho rằng, để giải quyết vấn đề giao thông ở thành phố là vấn đề tổng thể, không phải giải quyết từng chỗ một.

Thành phố và các cơ quan chuyên môn phải có dự báo, nghiên cứu trước để chống ùn tắc giao thông. Bởi khi giải quyết ùn tắc ở một chỗ nghiêm trọng thì có thể xuất hiện ùn tắc giao thông ở một số chỗ khác lân cận, nhưng tính chất có thể giảm đi hoặc không nghiêm trọng bằng.

"Do đó, nếu chúng ta có sự nghiên cứu, dự báo đầy đủ từ trước thì nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông sẽ giảm bớt. Nếu như gặp khó khăn thì ta phải nghiên cứu điều chỉnh lại cơ sở hạ tầng sao cho đáp ứng được nhu cầu, ví dụ như xây cầu vượt, hầm chui, mở rộng đường, xén vỉa hè, dải phân cách, thu hẹp lô cốt các công trình đang thi công..." - TS Khương Kim Tạo cho hay.

Xén hè, mở đường, giảm xung đột giao thông

Về giải pháp chống ùn tắc tại các điểm đen, TS Khương Kim Tạo cho rằng cần tập trung công tác quy hoạch giao thông, sao cho số lượng và quãng đường đi lại của mọi người giảm đi.

Tiếp đó, là phát triển hạ tầng để nâng cao việc thông hành của các phương tiện và tổ chức giao thông hợp lý. Đặc biệt, phải phát triển phương tiện giao thông công cộng, giảm bớt phương tiện cá nhân, từ đó hạn chế ùn tắc giao thông.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, để giải quyết hơn 30 điểm ùn tắc trên, Sở GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột, bố trí các lực lượng hướng dẫn giao thông, nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc.

Ngành giao thông vận tải sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải, xử lý tình trạng các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi xe lên vỉa hè...

Sở GTVT coi đây là giải pháp tích cực nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, tạo hiệu quả răn đe các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Sở GTVT cũng đưa ra giải pháp xén vỉa hè, dải phân cách, mở rộng tối đa mặt đường, tăng khả năng thông hành cho các phương tiện. Đồng thời, xén mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan