Chủ tịch Quốc hội: Đã có 11,5 triệu lượt ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai
Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện nghiêm túc, đến nay có khoảng 11,5 triệu lượt ý kiến đóng góp.
Sáng 5/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, thời gian qua, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện nghiêm túc, nhận được sự hưởng ứng tích cực, rộng khắp của các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân.
" Sơ bộ thì cho đến nay có khoảng 11,5 triệu lượt ý kiến góp ý ", Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Ông Vương Đình Huệ nêu rõ, tại hội nghị này, dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo với đại biểu Quốc hội chuyên trách tóm tắt một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Sau hội nghị, căn cứ kết quả lấy ý kiến, tại phiên họp chuyên đề pháp luật hoặc tổ chức phiên họp riêng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về dự án luật quan trọng này.
Cùng với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này tập trung vào 6 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua gồm: Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự.
Đối với 6 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã được cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra tích cực tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên sâu, lấy ý kiến thêm các đối tượng bị tác động.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận trong quá trình này không có sự phân biệt vai giữa cơ quan chủ trì với cơ quan thẩm tra mà thực chất là “hai trong một” để phối hợp rất chặt chẽ. Với cách làm này thì mặc dù dự án luật đang trong giai đoạn nào, vai nào chủ trì thì cũng đều được xem xét kỹ lưỡng với chất lượng cao, nhận được sự đồng thuận lớn.
" Tại phiên họp thứ 20 và 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng đối với 6 dự án luật này, nhất là những vấn đề lớn quan trọng hoặc những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Cho đến nay, về cơ bản những vấn đề lớn đã được cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất ", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông Vương Đình Huệ, tại kỳ họp thứ 5 tới, công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm với việc xem xét cho ý kiến và thông qua nhiều dự án luật lớn và quan trọng. Trong đó, số lượng dự án luật trình xem xét thông qua hoặc xem xét lần đầu dự kiến gấp đôi so với các kỳ họp khác. Số lượng các dự án luật dự kiến đưa vào chương trình là rất lớn do yêu cầu bức thiết của thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết với việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm tiếp tục thảo luận một cách tập trung các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Điều này một mặt nâng cao được chất lượng của các dự án luật, mặt khác rút được ngắn thời gian của kỳ họp chính thức.
Nêu rõ, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra trong 3 ngày, đồng thời có sự linh động trong điều phối chương trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham dự đầy đủ các phiên họp, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa lý luận với thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của cử tri, nhân dân với các quyết sách, trình Quốc hội xem xét và thông qua; nghiên cứu kỹ lưỡng, trao đổi, tranh luận, phản biện với các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hội nghị thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).