Chính quyền địa phương 2 cấp sau 15 ngày vận hành ở Hà Nội, TPHCM, Lâm Đồng
Sau hai tuần thực hiện, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại Hà Nội, TPHCM, Lâm Đồng, Quảng Ninh... được vận hành thông suốt, hiệu quả.
Hà Nội vận hành chính quyền địa phương 2 cấp thông suốt, hiệu quả. Trong ảnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Đông
Qua nửa tháng thực hiện (từ ngày 1.7), nhiều địa phương đã bước đầu đánh giá tình hình triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn.
Tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công các ủy viên trực tiếp bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát việc tổ chức bộ máy, vận hành hoạt động của Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã.
Thành phố đã tổ chức 126 đội hình với gần 4.000 thanh niên hỗ trợ thủ tục hành chính tại cơ sở, góp phần nâng cao hình ảnh chính quyền phục vụ.
Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được triển khai đồng bộ, bài bản. Thành ủy đã chỉ định hơn 2.500 người tham gia Ban Chấp hành, hơn 1.000 người vào Ban Thường vụ; các xã, phường đã thành lập gần 400 cơ quan tham mưu, giúp việc.
100% Đảng ủy, UBND xã, phường ban hành Quy chế làm việc, bảo đảm hoạt động không bị gián đoạn.
Đáng chú ý, cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Số thủ tục hành chính cấp xã tăng lên 559 thủ tục, gần 67.000 hồ sơ được tiếp nhận trong 15 ngày đầu.
Tại TPHCM, ghi nhận sau gần 2 tuần chính thức triển khai mô hình mới cho thấy hoạt động của các phường, xã từng bước ổn định. Hầu hết cán bộ, công chức nhập cuộc với tinh thần sẵn sàng, ý thức trách nhiệm cao, không để ách tắc hồ sơ hành chính.
Chỉ trong 9 ngày đầu vận hành (1-9.7), thành phố đã tiếp nhận gần 80.000 hồ sơ hành chính, trong đó hơn 48.000 hồ sơ thuộc cấp xã, theo báo cáo chính thức từ Sở Nội vụ TPHCM.
100% dịch vụ công của thành phố đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Điều đó cho thấy mô hình đang vận hành không chỉ trên giấy tờ, mà đi vào thực tế một cách mạnh mẽ.
Tại Quảng Ninh, sau 2 tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ cơ sở. Các cơ quan, tổ chức hành chính của 54 xã, phường, đặc khu trên địa bàn toàn tỉnh đều bảo đảm duy trì hoạt động liên tục, thông suốt trong thực thi nhiệm vụ và phục vụ nhân dân.
Tương tự, sau hai tuần thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Lâm Đồng cơ bản hoàn tất việc kiện toàn bộ máy, đảm bảo hoạt động thông suốt, không phát sinh vướng mắc lớn.
Đồng thời, toàn tỉnh đã tiếp nhận và bố trí hơn 1.300 công chức, viên chức từ hai tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận (cũ) và đang rà soát sắp xếp lại hơn 8.000 người đang làm việc tại địa bàn cũ.
Đáng chú ý, hơn 2.000 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã được giải quyết chế độ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP.
Sự thay đổi lớn nhất đến từ việc phân cấp và rút ngắn quy trình. Những thủ tục vốn thuộc thẩm quyền cấp quận - như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, xác nhận cư trú, chứng thực sao y… nay được tiếp nhận, xử lý trực tiếp tại phường, xã, qua hệ thống phần mềm kết nối đến sở, ban, ngành.
Tại hội nghị ngày 13.7 ở Cần Thơ về chính quyền 2 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, sau hai tuần vận hành, các địa phương cơ bản đã quán triệt đầy đủ chủ trương, triển khai kịp thời, tích cực và đúng tiến độ.
"Nhận định ban đầu của Bộ Nội vụ, đến thời điểm này cơ bản ổn định, bước đầu vận hành tích cực, có thể khẳng định kết quả bước đầu là khá hanh thông, suôn sẻ, không có trục trặc, vướng mắc phát sinh lớn cho việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp", Bộ trưởng nói.
Về hạ tầng, bộ trưởng cho rằng, đây là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Nhiều nơi chưa đảm bảo hệ thống dùng chung, dẫn đến nghẽn kết nối, thậm chí phải xử lý thủ công, gây chậm trễ.
Bộ trưởng đề xuất cần rà soát tổng thể hạ tầng quốc gia từ Trung ương tới cấp xã để đảm bảo liên thông đồng bộ, phục vụ vận hành trơn tru.