Chiến thắng phút chót của ông Biden
Trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc thi hành sắc lệnh nhằm ngăn chặn cuộc đình công ảnh hưởng tới hệ thống tàu hỏa quốc gia.
Tổng thống Mỹ John Biden đã phải gắng sức để không xảy ra tình trạng nhân viên đường sắt đình công. Chính quyền của ông đã phải làm trung gian đàm phán để phía công ty và phía công đoàn đường sắt lớn có thể đạt thành thỏa thuận trước hạn chót vào ngày 16/9.
Mâu thuẫn giữa công ty đường sắt và công nhân xuất phát từ việc hai bên đối đầu nhau về vấn đề lịch làm việc và xin nghỉ ốm. Các công đoàn yêu cầu công nhân đường sắt được phép nghỉ không lương để đi khám bác sĩ, nhưng phía công ty không chấp nhận yêu cầu trên.
Nếu xảy ra, cuộc đình công này sẽ có tác động mạnh mẽ tới không chỉ hành khách, người dân, doanh nghiệp, mà còn làm trầm trọng hơn tình hình lạm phát tại Mỹ. Gần một phần ba lượng hàng hóa của Mỹ di chuyển bằng đường sắt, chỉ đứng sau vận tải đường bộ.
Hiệp hội Đường sắt Mỹ, đại diện cho các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa lớn của Mỹ, Mexico và Canada, ước tính sự gián đoạn dịch vụ đường sắt trên toàn quốc có thể khiến hơn 7.000 chuyến tàu không thể hoạt động mỗi ngày và gây thiệt hại cho nền kinh tế hơn 2 tỷ USD/ngày.
Sau hơn 20 tiếng thương lượng với Nhà Trắng làm trung gian, các hãng đường sắt và công đoàn công nhân lớn ở Mỹ đã đạt thành thỏa thuận bước đầu. Dù phía trước vẫn có rủi ro, ông Biden khẳng định thỏa thuận này là một "chiến thắng lớn cho Mỹ" và cho hàng chục nghìn công nhân đường sắt.
Chính quyền Tổng thống Biden đã tham gia đàm phán cùng các công đoàn và các công ty đường sắt lớn. Ảnh: New York Times.
Thế khó của ông Biden
Các cuộc đàm phán đã sa lầy về vấn đề điều kiện làm việc của nhân viên vận hành đường sắt. Các công đoàn đường sắt đưa ra ví dụ như việc công nhân phải nhận ca trực kéo dài nhiều giờ nhưng chỉ được báo trước vào phút chót, hoặc việc họ bị phạt vì xin nghỉ ốm hoặc đi khám.
Nhà Trắng ban đầu đã cử bộ trưởng Lao động tới để giải quyết thế bế tắc giữa công ty và công đoàn đường sắt nhưng không có tác dụng.
Viễn cảnh về một cuộc đình công quy mô lớn đẩy ông Biden vào thế khó khi cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ sẽ quyết định liệu đảng Dân chủ có kiểm soát Quốc hội hay không. Tốc độ tăng nhanh của lạm phát cũng đang làm giảm đi sự ủng hộ dành cho tổng thống.
Do đó, ông Biden rất cẩn trọng. Ông cố gắng thuyết phục các công đoàn và các công ty rằng họ có nghĩa vụ duy trì đường sắt hoạt động để phục vụ công chúng.
Dù ông Biden luôn thúc đẩy quyền lợi của người lao động trong suốt nhiệm kỳ, ông cũng không muốn làm tổn thương người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ khi hai đối tượng này có thể sẽ chứng kiến sự sụt giảm và giá cả tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc đình công.
Các trợ lý của ông Biden đã thảo luận về việc liệu tổng thống có nên tung ra sắc lệnh hành pháp để đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân đường sắt hay không. Quan chức Nhà Trắng không tiết lộ các trợ lý này đã trao đổi về những biện pháp gì.
Ông Biden cũng có thể thúc đẩy các lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội thông qua luật giúp kéo dài thời gian bắt buộc đàm phán hoặc buộc cả công đoàn lẫn công ty đường sắt phải chấp nhận cách giải quyết do cơ quan chức năng đưa ra hồi tháng 8.
Nhưng Tổng thống Biden không muốn dùng tới biện pháp cứng rắn như vậy vì ông muốn thể hiện mình là "tổng thống thân thiết nhất với công đoàn trong lịch sử Mỹ".
"Đây là vấn đề chỉ có thể và nên được giải quyết giữa công ty đường sắt và công đoàn, không phải thông qua Quốc hội", New York Times dẫn lời Karine Jean-Pierre, Thư ký báo chí Nhà Trắng, hôm thứ tư.
Một công nhân tại hãng tàu hỏa BNSF. Ảnh: AP.
John Drake, Phó chủ tịch chính sách về giao thông, cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng tại Phòng Thương mại Mỹ, cho biết tổng thống có rất ít lựa chọn.
"Các công cụ mà chính quyền ông Biden có thể dùng để làm giảm bớt tác động tiêu cực sẽ không đủ hiệu quả", ông Drake nói.
Michael K. Friedberg, một luật sư chuyên về ngành giao thông vận tải, cho biết các nhà lãnh đạo công đoàn nhận thức được khó khăn chính trị mà tình hình này đem lại cho ông Biden và nghị sĩ Dân chủ. Nhưng thành viên các công đoàn này "không quan tâm đến chính trị. Họ chỉ muốn được quyền nghỉ ốm và họ muốn điều đó ngay bây giờ", ông nói.
Tuần trước, các công ty đường sắt đã bắt đầu cảnh báo hành khách rằng họ sẽ chuẩn bị một số phương án đề phòng rủi ro xảy ra đình công, bằng cách cắt giảm một số dịch vụ.
Union Pacific, CSX và BNSF đều cho biết họ sẽ cố gắng đảm bảo hàng hóa độc hại sẽ không bị bỏ lại trong trường hợp có đình công. Norfolk Southern đã đóng cửa các container vận chuyển từ xe tải và tàu thủy vào ngày 13/9, đồng thời cho biết họ có kế hoạch ngừng hoạt động hoàn toàn đường sắt của họ vào nửa đêm 15/9.
Bà Kristen South, phát ngôn viên của công đoàn Union Pacific, nói những biện pháp trên là cần thiết, nhưng không có nghĩa là đường sắt chắc chắn sẽ ngừng hoạt động.
"Điều chúng tôi muốn và tiếp tục thúc đẩy là một giải pháp nhanh gọn để công nhân được tăng lương ở mức chưa từng có và để các tuyến đường sắt có thể khôi phục dịch vụ càng sớm càng tốt, từ đó ngăn chặn sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng vốn đã gặp khó khăn", bà South nói.
Tuy nhiên đến sáng ngày 15/9, hai trong số các công đoàn lớn vẫn chưa chịu xuống nước.
"Hai công đoàn chúng tôi đã đưa cho phía hãng vận tải một bản đề xuất mà chúng tôi sẽ sẵn sàng đệ trình lên thành viên để phê chuẩn, nhưng họ đã từ chối", công đoàn Đơn vị Vận tải SMART và Brotherhood of Locomotive Engineers and Trainmen nói trong một tuyên bố chung.
Bất kỳ sự ngừng trệ nào sẽ khiến nông dân và các nhà bán lẻ đổ xô yêu cầu xe tải chuyển hàng hóa của họ, khiến cho giá giao hàng và làm tăng chi phí lạm phát cho các ngành phụ thuộc vào vận tải đường bộ. Ảnh: ABC.
Hôm 15/9, Hiệp hội Thợ máy và Công nhân Hàng không Vũ trụ Quốc tế, đại diện cho 4.900 thợ máy đầu máy, thợ máy thiết bị đường ray và các nhân viên bảo trì khác, cho biết họ cũng đã từ chối thỏa thuận với phía hãng và đồng ý cho đình công.
Tuy nhiên, công đoàn này nói sẽ trì hoãn hành động cho đến ngày 29/9 để có thêm thời gian đàm phán.
Tác động tiềm tàng
Tranh chấp này rất phức tạp vì nó liên quan đến hàng chục công đoàn, hơn 30 công ty đường sắt và khoảng 115.000 nhân viên. Mỗi công đoàn lại có bộ quy trình riêng để phê chuẩn các thỏa thuận đã đạt được với các công ty đường sắt.
Sự gián đoạn có thể ảnh hưởng đến hàng loạt ngành công nghiệp ở Mỹ đang phải dựa vào vận tải đường sắt để kịp thời vận chuyển hàng hóa.
Đơn cử, ngành bán lẻ đang gấp rút chuyển đồ chơi, quần áo và đồ điện tử từ tàu chở hàng đến các kho hàng và trung tâm phân phối trước mùa mua sắm nghỉ lễ. Trong khi đó, mùa thu hoạch sắp tới và nhiều nông dân Mỹ sẽ cần đường sắt để chuyển mùa màng đã thu hoạch tới nơi chế biến.
Đường sắt Mỹ chịu trách nhiệm vận chuyển phần lớn hóa chất, ôtô, kim loại, ngũ cốc và dầu mỏ di chuyển khắp châu Mỹ, ngoài việc vận chuyển các container đầy giày dép, dầu gội đầu và đồ đạc.
Priyesh Ranjan, Giám đốc điều hành của Vorto, cho biết bất kỳ sự đình trệ nào cũng sẽ khiến nông dân và các nhà bán lẻ tranh nhau tìm xe tải vận chuyển hàng hóa. Điều này nhiều khả năng sẽ làm tăng giá giao hàng và chi phí lạm phát cho các ngành phụ thuộc vào vận tải đường bộ.
Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Freightos, một nền tảng vận chuyển hàng hóa quốc tế, cho biết đường sắt đình công cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn tại các cảng Bờ Đông vì các công ty cố chuyển sang dùng tàu để chở hàng hóa tới tay người tiêu dùng.
Trái ngọt dành cho những người công nhân
Sau nhiều cố gắng, đàm phán cuối cùng cũng đã có kết quả.
Ngày 15/9, Tổng thống Joe Biden cho biết các công ty và công đoàn đường sắt lớn của Mỹ đại diện cho 115.000 công nhân đã đạt được một thỏa thuận đảm bảo "trả lương tốt hơn, cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo chi phí chăm sóc sức khỏe của người lao động".
"Đây là một chiến thắng đối với hàng chục nghìn công nhân đường sắt đã làm việc không mệt mỏi trong đại dịch để đảm bảo các gia đình và cộng đồng Mỹ được phục vụ đầy đủ", ông Biden nói.
Theo Washington Post, thỏa thuận dự kiến vẫn còn phải trải qua một số bước nữa trước khi chính thức được phê chuẩn. Các công đoàn vẫn phải bỏ phiếu về thỏa thuận, nhưng sự ủng hộ của Nhà Trắng đối với các điều khoản mới cho thấy rằng các nhóm công nhân đã tham gia rất nghiêm túc.
Thông thường, bước tiếp theo có thể mất vài tuần. Nhưng trong thời gian đó, thành viên của các công đoàn đã nhất trí không đình công. Hiện chưa rõ liệu thỏa thuận mới có đảm bảo quyền được nghỉ ốm của các công nhân hay không. Các tuyên bố sáng 15/9 từ các công ty đường sắt và Nhà Trắng không đề cập đến vấn đề này.