A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải tiến toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính

Quán triệt quan điểm lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, Hà Nội đang nỗ lực cải cách hành chính bằng việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). TP cũng hướng đến mục tiêu cao hơn là giải quyết TTHC phi địa giới hành chính 24/7 với Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội.

Chủ động triển khai các mô hình giải quyết TTHC

Xác định triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính, thời gian qua, một loạt mô hình giải quyết TTHC mới đã được triển khai trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại quận Bắc Từ Liêm, 36 mô hình “Tổ dân phố điện tử” dưới hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đã giúp tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3 tại quận luôn đạt 100%, trong đó với cấp quận đạt 100% và cấp phường đạt trên 96% hồ sơ công dân nộp tại nhà.

Đặc biệt, quận đang thực hiện hiệu quả 2 mô hình “Số hóa nộp hồ sơ cấp giấy phép xây dựng tại cấp phường” và “Ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 trong xử lý kiến nghị phản ánh của người dân, tổ chức, doanhnghiệp liên quan TTHC”- mô hình giải đáp nhanh phản ánh, kiến nghị của người dân 24/7 qua hotline.

Trong đó, nội dung về số hóa tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân thông qua số điện thoại đường dây nóng của Chủ tịch UBND quận sử dụng gói VCC Call Center, gồm 1 máy chủ và 30 nhánh máy lẻ thuộc các phòng, ngành, đơn vị có TTHC và UBND 13 phường.

Cải tiến toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính

Trung tâm Phục vụ hành chính công số 1 tại phường Trần Hưng Đạo là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của các UBND phường Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm)

Tại quận Long Biên, từ đầu năm đến nay, quận tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả mô hình điểm tại Đề án 06/CP trên địa bàn Hà Nội và mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp phường của quận giai đoạn 2023-2024, đáp ứng những yêu cầu về chuyển đổi số theo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của TP.

Tại các phường đã lựa chọn đăng ký thực hiện những mô hình điểm và tổ chức ra mắt một số mô hình chuyển đổi số, đồng thời bố trí cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện tại các khu dân cư.

Trên toàn quận triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Đặc biệt, quận tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn, vận động người dân sử dụng công nghệ số, thực hiện các giao dịch giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và dịch vụ công TP;

Cùng đó, chủ động triển khai thanh toán trực tuyến đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận, phường; tại bộ phận “một cửa” quận và 14 phường tạo mã QR phục vụ thanh toán cho Nhân dân, tổ chức khi giải quyết TTHC tại đơn vị.

Trong khi đó, từ năm 2023, UBND quận Hoàn Kiếm đã thí điểm thành lập 3 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp phường, gồm: Trung tâm Phục vụ hành chính công số 1 tại phường Trần Hưng Đạo là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của các UBND phường Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Hàng Trống; Trung tâm Phục vụ hành chính công số 2 tại phường Hàng Mã là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của các UBND phường Hàng Mã, Hàng Bồ, Cửa Đông; Trung tâm Phục vụ hành chính công số 3 tại phường Chương Dương là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các UBND phường Chương Dương, Phúc Tân.

Sau một thời gian hoạt động, 3 Trung tâm Phục vụ hành chính công của quận Hoàn Kiếm đã đạt nhiều kết quả nổi bật, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của việc thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Sự cải tiến toàn diện

Tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ đã giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, TP: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính.

Riêng TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ có kết luận chỉ đạo tại Thông báo số 323/TB-VPCP ngày 15/7/2024 của Văn phòng Chính phủ: "UBND TP Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND TP là cơ quan hành chính, thí điểm thực hiện từ tháng 9 năm 2024 đến ngày 30 tháng 11 năm 2025".

Cải tiến toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính

Đặc điểm nổi trội của mô hình này là Trung tâm sẽ tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận "một cửa"; đổi mới cách thức tiếp nhận TTHC

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo trên, TP Hà Nội là địa phương đi đầu trong xây dựng Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh với Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội dự kiến sẽ được HĐND TP Hà Nội thông qua vào kỳ họp chuyên đề cuối tháng 9 này.

Việc triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ "Mô hình Bộ phận Một cửa hiện đại" của Thành phố nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội sẽ vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung.

Đặc điểm nổi trội của mô hình này là Trung tâm sẽ tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận "một cửa"; đổi mới cách thức tiếp nhận TTHC.

Cụ thể, mô hình giải quyết TTHC này bảo đảm mỗi người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5km, tiếp nhận và giải quyết 24/7 (tính từ địa điểm của người dân và doanh nghiệp đến điểm thực hiện TTHC).

Với những đặc thù trên, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cũng sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình Bộ phận Một cửa “truyền thống” như: Thiếu tính độc lập; chưa có cơ quan chuyên trách cấp TP với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch; tỷ lệ số hóa hồ sơ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa còn hạn chế, mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân chưa cao;…

Việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn là minh chứng cho “Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh” của TP trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp; khẳng định “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội” trong nỗ lực chung nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của một đô thị đặc biệt...

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật