A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách Trung Quốc trừng phạt người có nợ xấu

Qin Huangsheng từng mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở thành phố khi cô rời quê để trở thành công nhân nhà máy ở tuổi 16.

Cách Trung Quốc trừng phạt người có nợ xấu- Ảnh 1.

Một tuyến tàu cao tốc ở TP. Thiên Tân, Trung Quốc. (Ảnh: Zuma Press)

Giờ đây, ở độ tuổi ngoài 40, cô đang gánh khoản nợ cá nhân tương đương 40.000 USD, trong khi mức lương cơ bản là 400 USD/tháng. Các chủ nợ đang săn lùng cô. Cô không được quyền mua vé tàu cao tốc của Trung Quốc. Đây là một trong những hình phạt mà chính phủ áp dụng với những người không trả nợ.

Trên những chuyến tàu chậm chạp cũ kỹ mà cô được phép đi, Qin thỉnh thoảng nhìn những hành khách khác và nghĩ: “Không biết họ có phải đều là những con nợ khó đòi như mình?”.

Nhiều người dân khắp Trung Quốc đang phải chịu các biện pháp trừng phạt vì không trả tiền. Bắc Kinh xử lý những con nợ quá hạn bằng cách tịch thu tiền lương của họ, không nhận họ vào làm các vị trí trong chính phủ, hạn chế cơ hội đi tàu cao tốc và máy bay. Nhiều người bị cấm mua hợp đồng bảo hiểm đắt tiền và nghỉ trong khách sạn sang trọng. Chính quyền có thể giam giữ họ nếu họ không tuân thủ.

Số người nằm trong "danh sách đen" mà chính phủ công khai tăng gần 50% từ cuối năm 2019 lên 8,3 triệu hiện nay. Tòa án có thể đưa người nào đó vào "danh sách đen" khi họ không thi hành quyết định phải trả tiền hoặc không hợp tác trong quá trình tố tụng.

Khác với ở Mỹ, Trung Quốc không cho phép người dân, kể cả những người gặp vận rủi, tuyên bố phá sản để xóa nợ khó đòi và tiếp tục cuộc sống.

Tổng mức nợ hộ gia đình ở Trung Quốc tăng 50% trong 5 năm qua lên khoảng 11 nghìn tỷ USD hiện nay. Dù con số này thấp hơn mức 17,5 nghìn tỷ USD mà người Mỹ nợ nhưng đó vẫn là khoản tiền khổng lồ ở đất nước mà người dân kiếm được ít tiền hơn nhiều.

Khi giá nhà giảm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao dai dẳng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn. Nhưng nỗi lo bị trừng phạt vì nợ nần khiến nhiều gia đình trở nên thận trọng hơn trong việc quản lý tiền bạc của mình.

Đầu tuần này, Chính phủ Trung Quốc cho biết doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong quý I năm nay tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng GDP 5,3%. Trong khi nhiều người Trung Quốc cắt giảm chi tiêu, chính phủ ưu tiên tăng cường sản xuất và xuất khẩu, một chiến lược đang làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại với phương Tây.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật