A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

90 vùng cả nước cảnh báo cháy rừng cấp độ cao

Trước tình trạng khô hạn kéo dài, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã liên tục phát cảnh báo cháy rừng cấp độ nguy hiểm (IV) và cực kỳ nguy hiểm (V) tại 90 vùng trên cả nước.

90 vùng cả nước cảnh báo cháy rừng cấp độ cao

Hiện trường cháy rừng tại Hải Phòng xảy ra ngày 14.4. Ảnh: UBND quận Kiến An, Hải Phòng

Liên tiếp cháy rừng từ đầu năm 2025

Từ đầu năm 2025 đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng trên cả nước gây thiệt hại không nhỏ về diện tích rừng.

Tại Bắc Giang chỉ riêng hơn 1 từ ngày 12.4 đến đêm 13.4 đã xảy ra 9 vụ cháy rừng liên tiếp trên địa bàn huyện Sơn Động và Lục Nam. Mặc dù các đám cháy được phát hiện và dập tắt nhanh chóng nhưng tổng diện tích rừng bị cháy vẫn lên tới 52,3ha.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng tại các địa phương: Đông Triều, Bình Liêu, Tiên Yên với tổng diện tích rừng bị thiệt hại gần 49ha. Trên toàn tỉnh còn xảy ra 59 điểm cháy liên quan đến cây gãy đổ sau bão, cháy thực bì và diện tích sau khai thác, với tổng diện tích thiệt hại lên tới hơn 600ha.

Đặc biệt trong vụ cháy rừng xảy ra ngày 21.3 tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã gây thiệt hại trên 20ha rừng và khiến 1 người tử vong. Loạt vụ cháy rừng khác cũng xảy ra tại Hải Phòng, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Kiên Giang...

Trong ngày 15.4, Cục Lâm nghiệp và Kiểm Lâm đã phát thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng đối với 90 vùng. Trong đó, 55 vùng cảnh báo cấp độ IV (cấp độ nguy hiểm) thuộc các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau. Đồng thời có 35 vùng cảnh báo cấp độ V (cấp độ cực kỳ nguy hiểm) thuộc các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau... Các khu vực này đều có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài.

Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, nguyên nhân cháy rừng liên tiếp gần đây chủ yếu do thời tiết hanh khô kéo dài bất thường, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. Đợt hanh khô năm nay kéo dài hơn chục ngày, khiến vật liệu dễ bắt lửa, kết hợp với gió làm lửa bùng phát và lan nhanh.

Ảnh hưởng từ bão số 3 (Yagi) năm 2024 khiến nhiều cây gãy đổ, tạo nguồn vật liệu cháy lớn. Cùng thời điểm, người dân miền núi vào mùa đốt nương làm rẫy...

Cần chủ động cập nhật về cảnh báo cháy rừng

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Mạnh Long - Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho biết, Cục đang ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS phát triển hệ thống dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Hệ thống này đưa ra các thông báo về cấp độ nguy hiểm có thể xảy ra theo từng phân vùng rừng địa phương, gắn với bản đồ hiện trạng rừng, qua đó cảnh báo cho địa phương nguy cơ cháy rừng. Hệ thống được xây dựng trên cơ sở dựa vào các yếu tố chính để dự báo là nhiệt độ, độ ẩm và địa phương. Phía Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cũng chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành các văn bản chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Ông Trần Mạnh Long cho rằng, để phòng chống cháy rừng hiệu quả, các địa phương cần phát dọn sạch thảm thực bì tại các đai rừng - khu vực dễ bắt lửa, đồng thời kiểm soát chặt người ra vào rừng trong cao điểm mùa khô.

"Việc phát hiện sớm đám cháy là điều vô cùng quan trọng. Các địa phương cần chủ động cập nhật thường xuyên thông tin về cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng và điểm cháy từ ảnh vệ tinh để kiểm tra, xác minh, từ đó kịp thời ứng phó và tổ chức phương án chữa cháy nếu có đám cháy rừng xảy ra", ông Long nhấn mạnh.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trong cộng đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật