A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Giữ tiền" hỗ trợ, chủ tịch xã luân chuyển làm chủ tịch xã khác

Liên quan đến việc “giữ tiền” hỗ trợ của người dân thôn Đăk Bối, ông Lê Bá Thế, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong đã được luân chuyển qua làm Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum).

Kon Tum: “Ém tiền” hỗ trợ, chủ tịch xã này được điều chuyển qua xã khác

UBND xã Mường Hoong, nơi ông Lê Bá Thế từng công tác và bị tố "giữ" tiền hỗ trợ của người dân thôn Đăk Bối với số tiền 568 triệu đồng (Ảnh: Trần Nghĩa)

Theo nguồn tin của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, UBND huyện Đăk Glei đã có báo cáo 716/BC-UBND về kết quả xử lý thông tin phản ánh liên quan đến việc giữ tiền hỗ trợ của người dân trên địa bàn huyện.

“Giữ” tiền hỗ trợ của người dân

Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại quyết định 741/QĐ-UBND ngày 18/7/2019 có tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng để xây dựng 4 điểm tái định cư tập trung và 2 điểm tái định cư tại chỗ.

Dự án này đã được UBND huyện Đăk Glei giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng (QLDA ĐTXD) huyện làm chủ đầu tư.

Theo đó, đối với 2 điểm tái định cư tại chỗ, hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai, nguy cơ ngập lụt, sạt lở không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển thì được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, để nâng cấp nhà ở hoặc mua vật dụng phòng chống thiên tai khác.

Tại thôn Đăk Bối, xã Mường Hoong có 71 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ tái định cư tại chỗ theo đề nghị của UBND xã Mường Hoong.

Kon Tum: “Ém tiền” hỗ trợ, chủ tịch xã này được điều chuyển qua xã khác

Người dân thôn Đăk Bối bức xúc vì được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ nhưng lại bị "giữ" lại 8 triệu đồng (Ảnh: Trần Nghĩa)

Ngày 10/10/2019, Ban QLDA ĐTXD huyện (chủ đầu tư) đã phối hợp với UBND xã Mường Hoong chi tiền hỗ trợ cho các hộ gia đình trên với số tiền 710 triệu đồng (10 triệu đồng/hộ) để nâng cấp nhà ở, hoặc mua vật dụng phòng chống thiên tai khác ổn định cuộc sống tại chỗ.

Tuy nhiên, chủ tịch UBND xã Mường Hoong (ông Lê Bá Thế - PV) và đại diện ban, ngành thôn Đăk Bối đã “giữ" lại số tiền 568 triệu (71 hộ x 8 triệu đồng/hộ) sử dụng hỗ trợ tiền cây cối, hoa màu cho các hộ dân đã hiến đất làm khu tái định cư và thuê máy san ủi mặt bằng khu tái định cư.

Nội dung báo cáo về kết quả xử lý thông tin phản ánh của UBND huyện Đăk Glei cho biết, việc thực hiện san ủi mặt bằng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật đất đai, đầu tư xây dựng và không đúng với quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum (giai đoạn 2015 – 2020) định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh.

Kon Tum: “Ém tiền” hỗ trợ, chủ tịch xã này được luân chuyển qua xã khác

71 hộ dân thôn Đăk Bối đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ nhưng đã bị xã Mường Hoong "giữ" lại 568 triệu đồng (Ảnh: Trần Nghĩa)

Đáng chú ý, sau khi Ban QLDA ĐTXD báo cáo về kết quả kiểm tra các khu tái định cư tại chỗ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND xã Mường Hoong đã không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei (bà Y Thanh – PV) để có biện pháp xử lý kịp thời, dẫn đến gây dư luận xấu kéo dài trong nhân dân.

Kết quả kiểm tra xác định, phòng NN&PTNT huyện có 3 cá nhân liên quan. Trong đó, 1 cá nhân là công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, bà Đinh Thị Y Ngọc (Phòng NN&PTNT) và ông Phan Thanh Hòa (Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện). Cả 3 cá nhân này bị yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm; tập thể lãnh đạo xã Mường Hoong cũng bị yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Trường hợp ông Lê Bá Thế, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong, sau khi UBND huyện ban hành thông báo số 172, ông Thế đã lấy “tiền cá nhân” hoàn trả lại số tiền 568 triệu đồng cho nhân dân thôn Đăk Bối.

Bên cạnh đó, UBND xã Mường Hoong đã chỉ đạo hoàn trả lại hiện trạng mặt bằng ban đầu và phối hợp các ngành đoàn thể tuyên truyền cho người dân tiếp tục sản xuất, canh tác, chăn nuôi tại vị trí đã san ủi trước đó.

Đối với Ban QLDA ĐTXD huyện, ông Nguyễn Văn Hiềng, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD được xác định có liên quan đến khuyết điểm, tồn tại nêu trên và tự nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm.

“Dính” sai phạm được luân chuyển qua làm chủ tịch xã khác

Theo kết luận của bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, tập thể lãnh đạo các đơn vị, các cá nhân liên quan trong vụ việc đã thực hiện không đầy đủ các nhiệm vụ được giao, không thực hiện đúng mục đích ban đầu của Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei đối với điểm tái định cư tại chỗ thôn Đăk Bối, xã Mường Hoong, dẫn đến làm giảm sút uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, gây dư luận xấu trong nhân dân.

Kon Tum: “Ém tiền” hỗ trợ, chủ tịch xã này được điều chuyển qua xã khác

Mặc dù "dính" sai phạm làm giảm sút uy tín của cá nhân, cơ quan và gây dư luận xấu kéo dài trong nhân dân nhưng ông Lê Bá Thế lại được điều động qua làm Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong (Ảnh: Trần Nghĩa)

Nguồn tin của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết, ông Lê Bá Thế đã được Huyện ủy Đăk Glei điều động, luân chuyển và giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum).

Ông Lê Bá Thế, xác nhận với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô: “Ngày 10 thì mình về và đến, ngày 13/10 thì có quyết định. Theo điều động, luân chuyển sẽ giữ chức vụ Chủ tịch xã Đăk Kroong".

Dư luận cho rằng, những sai phạm đã làm giảm sút uy tín của cá nhân, cơ quan và gây dư luận xấu kéo dài trong nhân dân, nhưng các cá nhân, tập thể lại chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, đặc biệt ông Lê Bá Thế lại được điều động, luân chuyển qua làm chủ tịch UBND xã khác thì việc xử lý đã đúng tính chất, mức độ vi phạm hay không?


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan