Vì sao khách quốc tế ít đến Việt Nam?
Mùa cao điểm du lịch hè sắp kết thúc nhưng dòng khách quốc tế vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" để phát triển trở lại. Điều đó cũng đồng nghĩa các hệ thống lưu trú, điểm đến vẫn còn vô vàn khó khăn.
Trong khuôn khổ chương trình Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam năm 2022 được tổ chức ngày 8-8, các doanh nghiệp cho rằng mục tiêu 5 triệu du khách quốc tế sẽ rất khó khăn nếu các nút thắt về visa, hạ tầng, nhân lực không được giải quyết rốt ráo.
Dù Việt Nam tuyên bố mở cửa hoàn toàn nhưng việc đi vào của khách quốc tế vô cùng khó khăn.
Bà Cao Tuyết Lan (giám đốc kinh doanh Viettours)
Phục hồi không trọn vẹn
Bà Cao Tuyết Lan, giám đốc kinh doanh lữ hành Viettours, cho biết dù Việt Nam tuyên bố mở cửa hoàn toàn nhưng việc đi vào của khách quốc tế vô cùng khó khăn.
"Chưa nói khách nước ngoài, ngay cả khách đối tác của doanh nghiệp khi làm visa cũng nhọc nhằn vô cùng. Chúng tôi phải lên đăng ký lấy số thứ tự trên Cục Xuất nhập cảnh rồi chờ một tuần sau mới được lên nộp hồ sơ. Đó là khách hàng doanh nhân, có chức vụ rõ ràng. Khách thông thường sẽ còn khó khăn đến mức nào, khách đến Việt Nam kiểu gì? Mùa cao điểm cuối năm là của khách quốc tế, nếu không nhanh chóng giải quyết những "điểm nghẽn" này thì sẽ không thể có lượng khách cao", bà Lan nói.
Dẫn chứng cơ cấu doanh thu của 18 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019 còn lớn so với doanh thu của 85 triệu khách nội địa, ông Phùng Quang Thắng, giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, nhấn mạnh thị trường quốc tế cần được nhìn nhận đúng để có giải pháp kịp thời.
Theo ông Võ Anh Tài - phó giám đốc Saigontourist Group, với con số du khách quốc tế ít ỏi hiện nay, khó có thể đánh giá du lịch đã phục hồi. Bởi thông thường 80% công suất phòng tại các cơ sở lưu trú thuộc hệ thống Saigontourist phụ thuộc vào khách quốc tế.
Phải thay đổi cách xúc tiến
Trong bối cảnh đó, hạ tầng du lịch nhiều nơi vẫn chưa thực sự phục hồi, các hoạt động xúc tiến ì ạch làm cho doanh nghiệp hết sức lo lắng.
Ông Võ Anh Tài đề xuất các địa phương cần có kế hoạch xây dựng những sản phẩm, chương trình hội nghị, hội thảo không chỉ về du lịch mà cần có thêm các chương trình, sự kiện về ngoại giao, văn hóa, thể thao... nhằm tạo điều kiện để Việt Nam đón được các dòng khách đoàn (du lịch MICE) của các thị trường chính.
Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận định: với những khó khăn hiện nay, mục tiêu 2 triệu khách quốc tế trong năm 2022 cũng là một thách thức, chưa nói đến mục tiêu 5 triệu. Visa là câu chuyện đau đầu của du lịch miền Trung. Nhưng lúc này, du lịch Việt Nam phải xây dựng được các nền tảng số về cơ sở dữ liệu lớn, sử dụng các nền tảng công để tiếp cận trực tiếp người dùng, thay đổi cách quảng bá.
"Bên cạnh hoạt động xúc tiến truyền thống là tổ chức roadshow, tham gia hội chợ quốc tế... cần đẩy mạnh xúc tiến qua kênh chuyển đổi số. Khách quốc tế đang chê Bali cũ kỹ, nhưng họ không thể tìm điểm đến nào mới hơn thay thế. Nhiều sản phẩm du lịch của Việt Nam đang làm rất tốt nhưng làm sao để những thông tin này đến với du khách?", ông Dũng đặt vấn đề.
Sẽ tháo gỡ các nút thắt visa
Ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, xác nhận 7 tháng đầu năm cả nước mới đón được 733.400 lượt khách quốc tế, đạt gần 15% mục tiêu 5 triệu khách. Ngoài nguyên nhân khách quan các tháng đầu năm chưa phải là cao điểm của du lịch Việt Nam, theo ông Khánh, chính sách phòng chống dịch của các nước khác nhau... thì vẫn còn những tồn tại trong nỗ lực làm mới sản phẩm của các doanh nghiệp, tình trạng thiếu nhân sự...
Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói thẳng: dù Việt Nam tuyên bố mở cửa nhưng trong thực tế nhiều bộ phận vẫn chưa như vậy. Khách quốc tế vẫn chưa được tạo điều kiện thuận lợi để vào Việt Nam. Do đó, thời gian tới, hiệp hội tiếp tục kiến nghị kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, thậm chí 60 ngày, thay vì 15 ngày hiện nay.
"Phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ sống dựa vào ngành du lịch", ông Bình khẳng định.
Đối thoại với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng khách quốc tế chưa đạt như mong muốn nhưng tại thời điểm này đã có 2 con số thống kê đáng chú ý. Con số thống kê của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đạt 950.000 lượt, tăng gấp 10 lần năm 2021. Con số của ngành du lịch đo đếm chi tiết cho thấy lượng khách quốc tế tăng 15%.
Dù mong muốn mở cửa nhưng du lịch Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào chính sách, sự mở cửa của các quốc gia. Hiện nay, các cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã khiến một trong những thị trường lớn, quen thuộc bị ảnh hưởng. Thị trường Nhật, Hàn Quốc cũng tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh. "Chúng ta không phải muốn đón khách là đón được nhưng vẫn đang rất nỗ lực thu hút khách trở lại, tính toán về visa, các chính sách thuận lợi để mở cửa", bộ trưởng khẳng định.
Khách quốc tế đến TP.HCM còn rất "khiêm tốn"
Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết 7 tháng đầu năm 2022, du lịch TP đã ghi dấu ấn đáng khích lệ khi đã đón khoảng 13,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng hơn 765.000 lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch ước đạt 60.379 tỉ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế nêu trên vẫn còn rất "khiêm tốn" so với trước đại dịch.
Nhiều địa phương khác cũng ghi nhận bùng nổ khách nội nhưng lại "đìu hiu" khách quốc tế. Tại Khánh Hòa, trong hơn 1,45 triệu khách của 7 tháng đầu năm thì hơn 1,38 triệu là khách nội địa, chỉ có khoảng 70.000 là khách quốc tế. So với năm 2019, khách nội địa phục hồi 57% trong khi khách quốc tế chỉ mới bằng 5%.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng: Vướng mắc visa chắc chắn sẽ được khơi thông
Về đề xuất chính sách visa thông thoáng, thuận tiện hơn, vừa qua các bộ liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao... cũng có cuộc họp do Thủ tướng chủ trì để tìm cách tháo gỡ các vướng mắc nhập cảnh cho khách quốc tế. Trong thời gian tới, việc này chắc chắn sẽ được khơi thông. Nhưng khi mở cửa thì doanh nghiệp phải sẵn sàng, từ nguồn nhân lực đến hạ tầng du lịch, có chất lượng sản phẩm tốt hơn... Nếu không bạn bè cũng đến một lần rồi đi.