Những dấu hiệu rất sớm của đột quỵ: Đi khám ngay dù chỉ thấy 1 triệu chứng
Theo các chuyên gia, dấu hiệu của đột quỵ có thể xuất hiện từ rất sớm và điều quan trọng là bạn phải nhận biết được các dấu hiệu này để cứu sống chính mình.
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi các yếu tố căn nguyên khiến cho dòng máu cung cấp lên não bị gián đoạn. Có 2 nguyên nhân gây ra tình trạng đột quỵ, bao gồm: Mạch máu não bị tắc nghẽn khiến dòng máu không thể lưu thông lên não và nuôi dưỡng các tế bào não; Mạch máu não bị vỡ, khối máu tụ thoát ra khỏi lòng mạch và chèn ép, gây thiếu máu nuôi các nhu mô não.
Phần não bị thiếu máu sẽ bị thiếu dưỡng chất và hoại tử, từ đó gây mất chức năng của tế bào não. Những chức năng bị mất sẽ biểu hiện ra bên ngoài thông qua các triệu chứng.
Hầu hết chúng ta đều nghe tới những dấu hiệu cấp tính của một cơn đột quỵ. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Neurology Neurosurgery & Psychiatry năm 2021, cho thấy các dấu hiệu của đột quỵ có thể xuất hiện từ rất lâu trước khi nó thực sự xảy ra.
Trong một nghiên cứu trên gần 15.000 người, các nhà khoa học Hà Lan đã phát hiện ra rằng những người bị đột quỵ có những dấu hiệu suy giảm nhận thức nhất định lên đến 10 năm trước khi cơn đột quỵ xảy ra.
Sau đột quỵ, thông thường người bệnh sẽ trải qua những thay đổi về sinh lý gây suy giảm kỹ năng nhận thức và khó thực hiện các công việc thường ngày. Những người tham gia nghiên cứu được đánh giá về khả năng nhận thức và các công việc như giặt giũ và mặc quần áo, trong thời gian trung bình 12,5 năm để xác định thời điểm những thay đổi này bắt đầu xảy ra. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân đột quỵ bị suy giảm nhiều hơn về khả năng nhận thức và hoạt động thường ngày, bắt đầu từ khoảng một thập kỷ trước khi họ bị đột quỵ lần đầu tiên, so với những người không bị đột quỵ.
Đột quỵ là tình trạng khá thường gặp. Theo ước tính, tại Vương Quốc Anh, cứ 3 phút 27 giây lại có một người bị đột quỵ. Tại Việt Nam, đột quỵ được coi là “sát thủ giấu mặt”, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 (chỉ sau ung thư và tim mạch) nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Lancet vào năm 2016, cho thấy đột quỵ có thể ngăn ngừa được tới 90%.
Dưới đây là những triệu chứng cảnh báo đột quỵ và yếu tố nguy cơ mà chúng ta cần lưu ý.
Huyết áp cao
Theo Hiệp hội Đột quỵ Vương Quốc Anh, huyết áp cao hay tăng huyết áp, là yếu tố nguy cơ lớn nhất có thể dẫn tới đột quỵ.
GS Peter Rothwell, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Phòng Ngừa Đột quỵ của trường Đại học Oxford, giải thích đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm khoảng 87% tổng số các ca đột quỵ. Đây là tình trạng mạch máu ở cổ, não bị thu hẹp lại, liên quan tới tăng huyết áp.
“Tăng huyết áp cũng ảnh hưởng đến tim và gây ra rung nhĩ. Điều này có thể dẫn đến hình thành cục máu đông trong tim, là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ”, GS Rothwell cho hay.
Cách tốt nhất để kiểm tra rung nhĩ là theo dõi mạch. Thỉnh thoảng nhịp đập của mạch không đều có thể không đáng lo ngại, nhưng nếu tình trạng này diễn ra liên tục, thường xuyên thì hãy báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa và đến các bệnh viện để thăm khám kịp thời.
Bạn có thể kiểm tra huyết áp tại hiệu thuốc hoặc tự đo huyết áp bằng máy đo huyết áp. Nếu bạn thường xuyên có huyết áp trên 140/90, hãy đi khám ngay lập tức.
Đối với huyết áp cao, thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc là có thể giảm được chỉ số.
Thiếu máu não cục bộ thoáng qua
Đôi khi, những người trải qua một cơn đột quỵ sẽ có một loạt các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) trước đó. Tình trạng này gây ra các dấu hiệu cảnh báo tương tự như đột quỵ.
“Thiếu máu não cục bộ thoáng qua là sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng thần kinh, gây ra bởi một cục máu đông nhỏ làm tắc nghẽn mạch máu. Thay vì có cảm giác ngứa ran trong lòng bàn tay trong vài giờ thì ở những bệnh nhân thiếu máu não cục bộ thoáng qua, dấu hiệu này có thể xuất hiện đột ngột”, GS Rothwell cho biết.
Các triệu chứng thiếu máu não cục bộ thoáng qua khá giống với đột quỵ. Bạn có thể bị tê một bên chân, 1 bên mặt hoặc mất khả năng nói hoặc giảm thị lực 1 bên mắt.
GS Rothwell giải thích, sau một cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, cục máu đông có thể tự tan ra hoặc não đã thích nghi để không bị tổn thương do tắc nghẽn. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tăng nguy cơ mắc đột quỵ với biến chứng nghiêm trọng hơn trong vài ngày sau đó. Chính vì vậy, khi có các dấu hiệu thiếu máu não cục bộ thoáng qua, điều quan trọng là cần tới khám ngay tại các cơ sở y tế.
Mỡ máu cao
Mỡ máu cao làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Điều này là do sự tích tụ chất béo trong mạch máu, khiến máu khó lưu thông qua động mạch và có thể vỡ ra, tạo thành cục máu đông nguy hiểm.
Nếu gia đình bạn có người bị bệnh tim hoặc đột quỵ, tốt hơn hết bạn nên xét nghiệm máu để kiểm tra cholesterol trong máu có ở mức cao bất thường hay không.
Tuy nhiên, các yếu tố về lối sống như ăn uống thiếu chất, béo phì, hoặc lười vận động cũng có thể làm tăng cholesterol xấu trong máu.
Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ
Mặc dù bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ bị đột quỵ, nhưng tiền sử gia đình cũng là một trong số các yếu tố cần lưu ý.
Một nghiên cứu năm 2003 của Trường Y, Bệnh viện St. George (Vương Quốc Anh), cho thấy số lượng bệnh nhân bị đột quỵ dưới 65 tuổi và có bố mẹ hoặc anh chị em cũng đã từng bị đột quỵ cao gấp 3 lần số bệnh nhân không có tiền sử gia đình về bệnh.
“Tiền sử gia đình là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn. Nguy cơ của bạn có thể cao gấp đôi mức trung bình nếu bạn có anh chị em hoặc cha mẹ bị đột quỵ, đặc biệt nếu họ bị đột quỵ khi còn trẻ,” GS Rothwell nói.
Nhìn chung, khả năng bị đột quỵ của bạn tăng lên khi bạn già đi. Sau độ tuổi 55, nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ.
Lối sống
Những thói quen, lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như hút thuốc, uống nhiều rượu, chế độ ăn nhiều muối và chất béo, ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ sau này của bạn. Theo Hiệp hội Đột quỵ Vương Quốc Anh, hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong khi bạn bị đột quỵ. Nếu mỗi ngày bạn hút 20 điếu thuốc, bạn có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 6 lần so với những người không hút thuốc.
Một chế độ ăn uống không hợp lý có thể dẫn đến tăng huyết áp và cholesterol. Một nghiên cứu của Mỹ được công bố trên Tạp chí Neurology cho thấy độ tuổi bị đột quỵ trung bình của một người ngày càng trẻ hoá. Theo đó, năm 1993-1994, độ tuổi đột quỵ trung bình là 71 thì tới năm 2005, độ tuổi này là 69.
Để phòng tránh đột quỵ, Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh khuyến nghị mọi người nên có một chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, nhiều trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
Theo các chuyên gia, đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai và vào bất cứ thời điểm nào. Do đó, hãy có những hiểu biết về bệnh và thay đổi lối sống ngay từ hôm nay. Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Nguồn: Telegraph, WebMD