Bí mật lịch sử 'động trời' của núi Độc Tôn bên bờ hồ Gươm
Trong con mắt của hầu hết du khách ghé thăm đền Ngọc Sơn ngày nay, núi Độc Tôn chỉ là một "gò đất vô danh" làm nền cho tháp Bút...
Nằm bên bờ hồ Hoàn Kiếm, sát lối vào đền Ngọc Sơn, tháp Bút là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng về thủ đô Hà Nội. Tháp được đặt trên núi Độc Tôn, một công trình có lịch sử khá đặc biệt gắn với thời các chúa Trịnh.
Ngược dòng lịch sử, vào khoảng năm 1735 – 1739, chúa Trịnh Giang cho xây trên đảo Ngọc ở hồ Hoàn Kiếm một cung điện gọi là cung Khánh Thuỵ làm nơi yến ẩm, vui chơi ngày hè. Sau khi Trịnh Giang bị dòng họ phế bỏ, người em là Trịnh Doanh lên ngôi chúa và kế thừa cung điện này.
Trái với người anh ăn chơi trác táng, chúa Trịnh Doanh là người tài, cầm quân dẹp được nhiều cuộc nổi loạn ở Bắc Bộ. Ở cạnh lối vào cung Khánh Thuỵ, ông cho đắp gò bằng đá, gọi là núi Độc Tôn, nhằm kỷ niệm việc đập tan cuộc nổi dậy của quận Hẻo - Nguyễn Danh Phương ở vùng Tam Đảo.
Năm 1786, thời Lê Chiêu Thống, cung Khánh Thuỵ bị binh lính nổi loạn đốt phá. Sang thế kỷ 19, một ngôi chùa thờ Phật được dựng trên nền cũ của cung điện, rồi chùa lại chuyển thành đền thờ (đền Ngọc Sơn). Núi Độc Tôn vẫn đứng đó sau các đổi thay của thời cuộc.
Đến năm 1865, Nguyễn Văn Siêu, danh sĩ nổi tiếng của Hà Nội, đã đứng ra sửa sang lại toàn bộ khu đền Ngọc Sơn. Trên núi Độc Tôn, ông cho xây dựng một tháp đá có đỉnh hình ngọn bút lông. Trên thân tháp có tạc ba chữ "Tả Thanh Thiên" có nghĩa là "viết lên trời xanh".
Không rõ là vô tình hay hữu ý mà cái thế đứng "chống trời" của tháp Bút trên núi Độc Tôn lại trùng hợp với một câu chú ngữ trong giới tu luyện của đạo Lão: "Đỉnh thiên độc tôn", nghĩa là "đỉnh đầu đội trời, một mình oai vệ" – thể hiện thần thái phóng khoáng của người tu.
Trong bài "Bút Tháp chí" do Nguyễn Văn Siêu soạn năm 1865, được khắc ngay trên thân tháp Bút, có đoạn: "Trên đỉnh núi Độc Tôn có tháp Bút năm tầng. Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ tháp mà truyền mãi (…)".
"...Từ ấy Núi là biểu tượng của võ công mà Tháp là biểu tượng của văn vật, cả hai dựa vào nhau mà tồn tại, lưu truyền".
Dù là một "bộ đôi" không thể tách rời theo dụng ý của Nguyễn Siêu, nhưng theo dòng thời gian, người ta chỉ còn nhắc đến tháp Bút, còn lịch sử 4 thế kỷ của núi Độc Tôn hầu như rơi vào quên lãng.