A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mẹ đừng buồn, nếu con thi trượt…

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội đã chính thức khép lại. Bên cạnh niềm vui khi làm bài tốt thì có không ít thí sinh chưa tự tin vào bài làm của mình và có tâm lý sợ bố mẹ thất vọng nếu kết quả thi không được như ý.

Áp lực hậu kỳ thi

Những ngày qua, trên các diễn đàn ngập tràn lời chúc mừng các thí sinh đã hoàn thành kỳ thi vào lớp 10. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng không ít những chia sẻ đầy buồn bã, trĩu nặng về việc con đã không làm được bài như mong muốn.

Không ít thí sinh chưa tự tin vào bài thi của mình (Ảnh minh hoạ)

Không ít thí sinh lo lắng chờ đến ngày công bố kết quả thi (Ảnh minh hoạ)

Nguyễn Ngọc Ánh, học sinh lớp 9, trường THCS Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, em đang thấp thỏm từng giờ để đợi điểm thi. Ánh lo kết quả bài thi chuyên của mình sẽ không được như kỳ vọng của bố mẹ. "Em hơi sợ, vì sau khi em nói mình đã làm sai tầm 3 hay 4 câu trong bài thi chuyên thì mẹ đã nói rằng: "Chán không. Bao nhiều tiền học, bao nhiêu công, giờ chắc đổ xuống sông rồi". Khi đó, em cảm thấy rất buồn, xấu hổ và vô cùng áp lực”.

Trần Đức Huy, học sinh lớp 9 ở quận Long Biên chia sẻ: “Em vẫn nói với bố mẹ là làm bài ở mức bình thường nhưng thực sự em lo với điểm 5 ở mỗi môn sẽ không thể vào được các trường công lập tại quận Long Biên như kỳ vọng của bố mẹ. Em muốn mở lời với bố mẹ, rằng họ đừng kỳ vọng quá nhiều vào kết quả thi của em nhưng thực sự nhìn họ nói về trường này, trường kia mà em không biết nói gì. Em sợ nghe thấy tiếng thở dài của mẹ hay ánh mắt thất vọng của bố. Em thực sự thấy lo lắng và chán nản, mỗi ngày qua đi em lại thấy nỗi lo nhiều hơn một chút”…

Không chỉ có học sinh, dù thở phào vì con đã hoàn thành một kỳ thi quan trọng trong cuộc đời nhưng nhiều cha mẹ vẫn “nín thở” chờ điểm thi.

Phụ huynh “đội nắng” chờ con tại các điểm thi

Phụ huynh “đội nắng” chờ con tại các điểm thi

Chị Phạm Thu Hiền (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: "Con đi thi thấy đề dễ, làm bài tốt thì phụ huynh nào cũng mừng nhưng cũng có những lo lắng. Đề dễ đồng nghĩa với việc điểm đầu vào các trường sẽ cao và con nhà mình làm được thì con nhà người khác cũng làm được bài, thậm chí có thể làm tốt hơn con mình. Dù sao tôi cũng vẫn thấy lo lắng".

Anh Đinh Ngọc Đăng ở quận Long Biên chia sẻ: “Trước kỳ thi hay sau kỳ thi tôi cũng đều lo lắng. Lo rằng con không đỗ vào lớp 10 trường công lập. Trong quá trình ôn thi, dù sốt ruột, dù kỳ vọng nhưng tôi cũng không dám nói với con vì sợ con áp lực. Năm nay tỉ lệ chọi cao, chưa chắc con đã thi đỗ, vì thế tâm trang đợi kết quả thi của tôi cũng đang lo lắng không kém gì lúc con chưa thi”.

Hãy dạy cho đứa trẻ biết đứng lên

Nhiều ý kiến cho rằng, vào đời có nhiều con đường, nếu cánh cửa này đóng sẽ có cánh cửa khác mở ra. Vì thế thi vào lớp 10, dù điểm thấp nhưng đó chỉ là một kỳ thi và không phải là thước đo để đánh giá năng lực hay phẩm chất một con người. Điều quan trọng là chúng ta phải biết vượt qua những thử thách để tiến đến thành công.

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Kỳ thi vào lớp 10 là một cuộc thử sức đối với các con nhưng sự thử sức đó phải căn cứ vào năng lực thực sự của mỗi đứa trẻ. Năng lực thực sự đó là năng lực mà bản thân được di truyền lại, cũng như do rèn luyện mà nên. Sự rèn luyện đó là do bản thân, gia đình, nhà trường cũng như môi trường giáo dục. Vì thế đừng quy tội vào một đứa trẻ khi con thi không đạt. Cha mẹ cần nhìn lại xem cuộc thi đó có vừa sức với con mình không, nếu kỳ thi cao hơn sức con mình mà nó đạt được điểm đó đã là cố gắng lắm rồi”.

Các thí sinh trao đổi sau giờ thi

Các thí sinh trao đổi sau giờ thi

Cũng theo TS. Hòa, kỳ thi vào lớp 10 xét cho cùng chỉ là cuộc thi thôi, các em học sinh được học rất nhiều nội dung nhưng chỉ thi 3 môn, chính vì thế, không thể nhìn vào kết quả kỳ thi này mà đánh giá năng lực và phẩm chất con người một cách thực sự. Có những đứa trẻ không đỗ vào trường công nhưng sau nó đã trưởng thành. Vì thế phụ huynh hãy coi đó là một cuộc chơi thử sức của con. Cuộc chơi này chưa thành thì cuộc chơi sau sẽ thành. Nếu nặng nề quá vì kỳ thi sẽ gây căng thẳng cho bản thân cha mẹ và học sinh.

“Cuộc đời của các con còn nhiều cái thử thách, có những lúc thành công và cũng có lúc vấp ngã. Cha mẹ phải chấp nhận rằng con sẽ có lúc vấp ngã, hãy dạy cho đứa trẻ phải biết đứng lên thì cuộc đời nó sẽ tự lực đứng lên. Nếu mình không dạy con cách đứng lên mà lúc nào cũng gây áp lực cho trẻ thì sẽ có nhiều hậu quả không lường trước được vì trẻ em tuổi này có thể có những hành động mà chúng ta không thể ngờ, thực tế đã từng xảy ra.

Lúc này cha mẹ cần bình tĩnh, cùng con rút kinh nghiệm từ thất bại, đừng dùng chữ “thi trượt”. Nên dùng biện pháp tâm lý, tạo điều kiện cho con bước đi tiếp, đầu óc ta nên nghĩ thoáng một chút để đỡ áp lực cho bản thân mình và đỡ áp lực cho con, tránh điều không mong muốn xảy ra.

Việc chọn một trường phù hợp với con lúc này là bài toán quan trọng nhất. Phụ huynh nên động viên con tiếp tục rèn luyện, tiếp cho con một ý chí, nghị lực, để con sẽ làm tốt hơn lần sau.

Cánh cổng THPT công lập đôi khi không phải là duy nhất, cánh cổng trường tư thục, trường nghề đều ngang bằng với cổng trường công lập, miễn là phù hợp với mỗi đứa trẻ. Có em không đỗ trường công nhưng mà vào trường tư lại là cái cơ hội để phát triển tốt và trưởng thành vì trường tư có một cái mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục khác. Trường nghề cũng rất tốt, bởi vì có những em học nghề rất giỏi.”, TS. Hoà chia sẻ.

Nếu con thi trượt…

Dưới góc độ một chuyên gia tâm lý, theo TS. Giáp Văn Dương, việc đầu tiên phụ huynh nên làm là thông cảm và chia sẻ nỗi buồn với các sĩ tử. Buồn vì thi trượt là một sự thật, không nên trốn tránh. Nhưng cũng không nên để nó nhấn chìm. Bố mẹ cần phân tích cho con thấy, với số lượng học sinh và chỉ tiêu vào 10 công lập như vậy, năm nào cũng sẽ có học sinh thi trượt vào 10 THPT công lập. Với các em và gia đình lúc này, điều quan trọng nhất không phải là thi trượt rồi thì buồn chán và đay nghiến nhau, mà là cùng nhau vượt qua sự cố đó như thế nào, nhìn về phía trước để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Với các em học sinh chưa hoàn thành tốt kỳ thi lần này, TS. Nguyễn Văn Hòa gửi gắm: “Kỳ thi vào lớp 10 chỉ là một thử thách trong rất nhiều thử thách mà các con sẽ phải vượt qua trong cuộc đời. Đây là một cuộc chơi thôi. Nếu cuộc chơi này mình chưa thắng thì cuộc chơi sau mình sẽ thắng. Qua kỳ thi này, các con biết được năng lực thực sự của mình, từ đây, mình tìm cách khắc phục những nhược điểm đó để học tập, phấn đấu. Biết đâu đó lại là cơ hội của mình. Hãy tin vào tương lai!”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan