A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

8 thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Có cả những điều bạn cho rằng là tốt

Bạn có thể đang làm những điều khiến cho tim mình bị tổn thương nhưng bạn không hề hay biết điều đó.

 

Ai cũng biết rằng một số thói quen như hút thuốc hoặc uống quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể khiến tim bị tổn thương. Tuy nhiên, có rất nhiều các thói quen hàng ngày khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà bạn không thể ngờ tới.

Những gì chúng ta làm, ăn và uống có thể ảnh hưởng đáng kể đến huyết áp, mức cholesterol và nhịp tim, và cuối cùng ảnh hưởng đến chức năng của tim.

Dưới đây là một số thói quen hàng ngày có thể góp phần gây ra các vấn đề về tim.

Ăn kiêng

Tiến sĩ Daniel Edmundowicz, Trưởng Khoa Tim mạch của Bệnh viện Đại học Temple, cho biết mọi người thường nghĩ rằng họ đang có một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều người đang có một chế độ ăn uống ‘thúc đẩy’ bệnh tim.

Tiến sĩ Edmundowicz đưa ra ví dụ, có những người ăn theo chế độ ăn ít cholesterol, do đó họ cũng vô tình ‘tránh’ tiêu thụ chất béo lành mạnh, một chất dinh dưỡng đa lượng quan trọng đối với cơ thể. Sau đó, họ lại tiêu thụ quá nhiều carbohydrate. Theo tiến sĩ Edmundowicz, mặc dù kiểu ăn kiêng này sẽ không làm tăng mức cholesterol, nhưng có thể dẫn đến tăng cân, tăng đường huyết.

Chế độ ăn kiêng có thể gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Một nghiên cứu của Đại học Oxford đã chỉ ra rằng sự thay đổi đột ngột và quá mức trong các thói quen ăn uống có thể dẫn đến suy giảm chức năng tim.

Sự cô đơn

Theo tiến sĩ Rigved Tadwalkar, một bác sĩ tim mạch tại California (Mỹ), sự cô đơn có thể có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe tim mạch.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 27% nếu họ thường xuyên cảm thấy cô đơn và bị cô lập về mặt xã hội. Theo tiến sĩ Edmundowicz, cô lập với xã hội cũng góp phần gây ra trầm cảm, và trầm cảm có thể dẫn đến các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như tăng huyết áp.

Tiến sĩ Edmundowicz nói: “Sự cô lập với xã hội là một vấn đề lớn và nó góp phần làm cho sức khỏe tim mạch kém đi”.

7 thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Có cả những điều bạn cho rằng là tốt - Ảnh 1.

Các mối quan hệ xã hội có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Ảnh: Getty

Vệ sinh răng miệng kém

Các vấn đề về răng - như nướu và sâu răng - có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết. Theo tiến sĩ Tadwalkar, vi khuẩn trong miệng rất dễ di chuyển vào các cơ quan khác trong cơ thể theo đường máu.

Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng vệ sinh răng miệng tốt hơn sẽ có lợi cho sức khoẻ tim mạch. Tiến sĩ Edmundowicz cho biết viêm lợi và vệ sinh răng miệng kém có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tim.

“Vệ sinh răng miệng rất quan trọng. Chúng tôi không thể khẳng định 100% rằng đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày sẽ ngăn ngừa được các cơn đau tim, nhưng vệ sinh răng miệng kém có thể tăng khả năng bị tổn thương tim mạch ở những người có các yếu tố nguy cơ”, tiến sĩ Edmundowicz nói.

Dùng một số loại thuốc

Một số loại thuốc đã được phát hiện có thể gây ra các vấn đề tim mạch. Ví dụ, thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể làm rối loạn hệ thần kinh, gây tăng nhịp tim và huyết áp. Các thuốc có tác dụng lợi tiểu có thể làm giảm huyết áp ở những người có huyết áp thấp tự nhiên, dẫn đến các triệu chứng như choáng váng và chóng mặt.

Tiến sĩ Tadwalkar nhấn mạnh việc sử dụng thuốc cần phải cẩn trọng, phải có sự tư vấn của bác sĩ để phù hợp với điều kiện sức khỏe của bệnh nhân, nhất là đối với những người dễ mắc các vấn đề về huyết áp hoặc nhịp tim.

Các loại chế phẩm bổ sung cũng có thể ảnh hưởng tới tim, đặc biệt là ở những người dùng vitamin và thảo dược bổ sung khi cơ thể không thực sự cần. Tiến sĩ Tadwalkar, cho biết các chất bổ sung có thể tương tác với các loại thuốc được kê đơn và cũng có tác động tới tim mạch. Theo đó, vị chuyên gia này khuyên rằng mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các chế phẩm bổ sung.

Tiêu thụ quá nhiều caffeine

Caffeine trong cà phê nhìn chung là an toàn và có thể bảo vệ tim mạch. Một nghiên cứu của Hội Tim mạch học Hoa Kỳ cho thấy uống 2 tách cà phê mỗi ngày có tác dụng bảo vệ tim mạch đáng kể.

Nhưng tiêu thụ quá nhiều cà phê có thể “làm tăng nhịp tim, gây co mạch, tăng huyết áp, đặc biệt ở những người dễ bị rối loạn nhịp tim”, tiến sĩ Tadwalkar nói. Theo đó, lượng caffeine an toàn để tiêu thụ là từ 300-400mg/ngày.

Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc cũng chỉ ra rằng cà phê đã được lọc có thể có lợi hơn với sức khỏe tim mạch vì ít cholesterol hơn. Tiến sĩ Tadwalkar nói: “Cà phê đã lọc có ít hàm lượng cholesterol ‘xấu’ hơn cà phê chưa được lọc”.

7 thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Có cả những điều bạn cho rằng là tốt - Ảnh 2.

Uống cà phê với lượng vừa phải có thể có lợi cho tim. Ảnh: Getty

Căng thẳng

Căng thẳng có thể phát triển tình trạng viêm trong cơ thể, từ đó có thể gây ra những thay đổi sinh lý trong cơ thể, bao gồm tăng huyết áp, tăng cholesterol, béo phì, kháng insulin và rối loạn nhịp tim, tiến sĩ Tadwalkar cho hay.

Căng thẳng mạn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ đông máu. Nếu cục máu đông hình thành trong động mạch vốn đang bị hẹp sẵn, có thể gây ra đau tim. “Đây là lý do tại sao những người thường xuyên bị căng thẳng có nguy cơ bị đau tim cao hơn”, tiến sĩ Tadwalkar nói.

Các nguyên nhân gây căng thẳng luôn hiện hữu xung quanh chúng ta. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải biết cách quản lý căng thẳng. Tiến sĩ Tadwalkar khuyên rằng mọi người có thể thực hiện các hoạt động như thiền, yoga, tập thể dục và các hoạt động yêu thích khác để giảm thiểu căng thẳng.

Ngủ quá nhiều hoặc quá ít

Con người cần ngủ khoảng 7-8 tiếng mỗi đêm. Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây ra các vấn đề về tim mạch bao gồm đau tim và đột quỵ. Bên cạnh ngủ đủ giấc, chất lượng giấc ngủ cũng là điều quan trọng cần lưu tâm để có một trái tim khỏe mạnh. Giấc ngủ kém chất lượng có thể có liên quan tới bệnh huyết áp cao, tăng cholesterol trong máu và xơ vữa động mạch.

Ngồi quá nhiều

Những người ít vận động và thường ngồi từ 5 tiếng trở lên mỗi ngày có nguy cơ suy tim cao gấp đôi những người có lối sống năng động. Đây là kết luận của một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Tim mạch hoa Kỳ.

Các nhà khoa học của Đại học Indiana khuyên rằng nếu công việc của bạn thường xuyên phải ngồi nhiều, hãy cố gắng đứng dậy để đi bộ khoảng 5 phút mỗi giờ. Thói quen nhỏ này có thể giúp cho mạch máu của bạn thư giãn hơn, máu lưu thông tốt hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật