Trong khi lợi nhuận TGDĐ, FPT Shop giảm mạnh, Chủ tịch DGW tự tin tuyên bố "từ ngày thành lập đến giờ chưa có quý nào bị Lỗ"
Giữa thời điểm ngành hàng điện máy giảm sức mua, những "ông lớn" bán lẻ như TGDĐ, FPT Shop giảm mạnh lợi nhuận khi lao vào cuộc chiến giảm giá, thì DGW lại tự tin khẳng định kiểm soát chi phí rất tốt và chưa có một quý nào bị Lỗ
Nguyên nhân được lý giải là vì mặt bằng lãi suất cao (trong nước và quốc tế) khiến doanh nghiệp không thể mở rộng mạnh tay hoạt động kinh doanh, không có nhiều công việc được tạo ra, sức mua tiêu dùng kém.
Ông Việt cho biết, trong bối cảnh như vậy, DGW lại càng thấy triết lý kinh doanh của mình là chỉ tập trung vào những công việc cốt lõi mà mình có thể làm tốt nhất, không đầu tư dàn trải, không đầu tư vào bất động sản cũng như không đầu tư vào tài sản cố định.
"Chúng tôi kiểm soát chi phí cố định rất tốt, và hầu hết tất cả sẽ là những chi phí biến động, nghĩa là doanh thu giảm thì chi phí cũng giảm. Và tôi có thể khẳng định rằng, từ ngày thành lập đến giờ, DGW chưa có một quý nào bị Lỗ" Ông Việt tự tin nói.
Trên thực tế, tại ngày 31/12/2022, giá trị TSCĐ của DGW là 96 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,5% trong tổng tài sản của doanh nghiệp.
Chi phí khấu hao TSCĐ của DGW trong năm 2022 chưa đến 9 tỷ đồng, rất thấp so với FRT (115 tỷ đồng) hay MWG (3.540 tỷ đồng). Tất nhiên, với đặc thù bán buôn và phân phối, DGW không cần đầu tư nhiều về TSCĐ như các doanh nghiệp bán lẻ, tuy nhiên với quy mô doanh thu như DGW (22.107 tỷ đồng năm 2022), phải thừa nhận quy trình vận hành và quản trị chi phí cố định của DGW tốt.
Về kết quả kinh doanh, theo số liệu thống kê quá khứ, DGW luôn hoạt động có lãi kể từ khi lên sàn đến nay. Tuy nhiên, năm 2023 là một năm nhiều thách thức và khó khăn với các doanh nghiệp trong nền kinh tế, không ngoại trừ các nhà bán lẻ.
Trước đó, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với khoản lỗ ròng 5 tỷ đồng. Đây cũng là quý ảm đạm nhất của ông lớn bán lẻ này kể từ quý 2/2020.
Theo lý giải từ FPT Retail, chuỗi FPTShop liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ áp lực giảm cầu, sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ dẫn đến FRT đã đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple. Điều này khiến doanh thu của chuỗi giảm 20%.
Bên cạnh bối cảnh sức cầu kém, biên lợi nhuận gộp giảm, FPT Retail còn chịu gánh nặng chi phí lớn hơn dẫn đến lợi nhuận âm.
Với CTCP đầu tư Thế giới di động (MWG) , quý 1 vừa qua có kết quả kinh doanh kém nhất kể từ khi niêm yết. Là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với hơn 5.700 cửa hàng trên cả nước, 3 tháng đầu năm, MWG lãi vỏn vẹn 21 tỷ đồng (trung bình 7 tỷ/tháng). Con số này chỉ bằng 1/3 nếu so sánh với lợi nhuận trung bình một quý cách đây 10 năm của MWG.
Biên lợi nhuận gộp MWG trong quý 1 chỉ còn 19,2% trong khi mức bình quân của năm ngoái là 23% (quý I năm ngoái là 22,2%)
Mặc dù mới hoàn thành được 19,8% kế hoạch cả về doanh thu và lợi nhuận của năm 2023 nhưng ít nhất DGW cũng đang giữ được mốc lợi nhuận quý trên 50 tỷ đồng đã thiết lập được từ năm 2019 tới nay.
Năm 2023, DGW đặt kế hoạch đạt 20.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so với thực hiện năm 2022 và 400 tỷ đồng LNST, giảm 42% so với cùng kỳ.
DGW đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi so với cùng kỳ do lo ngại khó khăn chung của nền kinh tế năm 2023 sẽ khiến sức mua của người tiêu dùng suy giảm đối với mảng ICT - mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với nền tảng sẵn có, DGW vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cho một số mảng, cụ thể:
- Thiết bị văn phòng: Tăng trưởng 15%; chiếm 15% doanh thu
- Thiết bị gia dụng: Tăng trưởng 65%; chiếm 2% doanh thu
- Hàng tiêu dùng: Tăng trưởng 157%; chiếm 2% doanh thu
Cuối năm 2022, DGW đã hoàn thành việc ký kết với nhãn hàng thiết bị gia dụng Westinghouse đến từ Mỹ và Lotte Chilsung beverage – một trong những nhà sản xuất đồ uống lớn nhất tại Hàn Quốc. Dự kiến 2 nhãn hàng mới sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu cho DGW từ quý 2/2023.