A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Shark Nguyễn Hòa Bình – 'Long mạch' trong bể cá: Đầu tư thành công 100% các deal thực giải ngân, riêng Coolmate tăng 7 lần sau 2 năm

Đây là mùa Shark Tank thứ 5 của Shark Bình và ở 4 mùa trước từng tham gia, chiến lược của ông là mỗi mùa xuống tiền cho một startup. Theo đó, Shark Bình đã đầu tư thực cho khoảng 4 startup trên tổng số 29 thương vụ đã cam kết trên sóng truyền hình. Theo ông, 2 thương vụ thành công nhất chính là Bánh Mì Xin Chào và Coolmate. Số tiền đầu tư của ông vào Coolmate đã tăng 7 lần sau 2 năm.

Mới đây, trong buổi họp báo giới thiệu Shark Tank Việt Nam mùa 7, Shark Nguyễn Hòa Bình đã tiết lộ rằng: "Bởi vì tôi khá khó tính khi làm thẩm định (Due Diligence - DD), nên chỉ mới giải ngân được 15% trên tổng số deal đã thỏa thuận trên sóng truyền hình. 85% deal còn lại thì một nửa là startup 'bùng kèo', một nửa là bởi khi chúng tôi thẩm định có những thông tin hoặc số liệu không quá đúng như khi Nhà sáng lập/CEO trình bày trên chương trình.

Tính cho tới thời điểm này, thì những startup mà tôi đã thực đầu tư đều đang phát triển tốt, xem như tỷ lệ thành công là 100%. Hai thương vụ đầu tư thành công nhất là Coolmate và Bánh Mì Xin Chào".

Shark Bình đã có 29 deal cam kết đầu tư trên sóng truyền hình sau 4 mùa ngồi ghế nóng Shark Tank Việt Nam

Shark Bình bắt đầu tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam từ mùa 3 năm 2019 và tiếp tục ngồi ở chiếc ghế nóng cho đến thời điểm này.

Trong mùa đầu tiên tham gia, ông đã chốt deal với 4 startup trên sóng truyền hình. Đầu tiên là thương vụ solo với cam kết đầu tư 1,2 triệu USD cho doanh nghiệp về đồ gia dụng thông minh thương hiệu Perfect.

Tiếp theo là 3 thương vụ đầu tư cùng các Shark khác gồm kết hợp Shark Dũng và Shark Việt đầu tư vào startup y tế eDoctor với giá trị đầu tư là 100.000 USD; Edu2Review được cam kết đầu tư 100.000 USD cho 2,5% cổ phần, 2,5% còn lại được bù dưới dạng ESOP; Printgo được shark Bình cam kết đầu tư 1 tỷ đồng.

Shark Nguyễn Hòa Bình – 'Long mạch' trong bể cá: Đầu tư thành công 100% các deal thực giải ngân, riêng Coolmate tăng 7 lần sau 2 năm- Ảnh 1.

Shark Bình đầu tư vào thương hiệu Perfect

Chỉ sau 48 ngày kể từ khi tập phát sóng có Nhà sáng lập Nguyễn Đình Minh của Perfect lên gọi vốn, Shark Nguyễn Hoà Bình đã ký hợp đồng tài trợ vốn 1,2 triệu USD cho Perfect. Đây là một kỷ lục về tốc độ giải ngân ở chương trình Shark Tank Việt Nam tại thời điểm đó.

Ở mùa thứ hai shark Bình tham gia năm 2021, Shark Nguyễn Hòa Bình đã mạnh dạn hơn trong việc chốt deal trên chương trình Shark Tank Việt Nam, khi ông có tới 9 cam kết rót vốn với các startup.

Shark Bình đã cam kết đầu tư cho eLink Gate số tiền hơn 9,2 tỷ đồng với sản phẩm công nghệ "made in Việt Nam"; giải pháp vận hành cho các nhà kinh doanh online Nobita.pro cũng được cam kết đầu tư 5,7 tỷ đồng; dự án "bếp trên mây" Cloud Kitchen được cam kết đầu tư 3 tỷ đồng; Coolmate là 500.000 USD.

Bên cạnh đó, trong mùa này Shark Bình còn cam kết rót vốn 65.000 USD cho 5% cổ phần của startup Petkix với sản phẩm camera dành cho chó mèo; 2,3 tỷ đồng cho startup thiết bị y tế iCare; 1 tỷ đồng cho VNG Education 21 và startup Woay - nền tảng thiết kế minigame cùng 460 triệu đồng cho startup LMS Academy về mô hình giảm cân chuẩn y khoa.

Shark Nguyễn Hòa Bình – 'Long mạch' trong bể cá: Đầu tư thành công 100% các deal thực giải ngân, riêng Coolmate tăng 7 lần sau 2 năm- Ảnh 2.

Shark Bình xuống tiền nhanh chóng cho Coolmate.

Và chỉ 2 tháng sau khi phát sóng tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa 4, Shark Bình đã hoàn tất thương vụ đầu tư 500.000 USD vào Coolmate, nền tảng mua sắm thời trang nam giới trực tuyến.

Ở mùa thứ ba của mình, Shark Bình cũng có 7 thương vụ cam kết đầu tư trên sóng truyền hình vào các startup sau: Melya, Nerman, Pathland, Hộp Háo Hức, Trường Foods, Sáng chế Vĩnh Sơn, Ohio. Đây là mùa nhiều "drama" nhất với Shark Nguyễn Hòa Bình.

Trong tập 10, Shark Bình đã rút vé vàng giá 200 triệu đồng để đấu với Shark Hùng Anh khi tranh giành startup thịt chua thương hiệu Trường Foods đến từ Phú Thọ. Sau nhiều lần thương thảo với Nhà sáng lập Thu Hoa, Shark Bình đồng ý chi 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần kèm theo điều kiện là startup sẽ phải đạt được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giống như đã trình bày.

Ở trong tập 3, Shark Bình và Shark Phú đã đồng ý đầu tư 1 triệu USD - gấp đôi số vốn Nerman muốn gọi ban đầu, lấy 27% cổ phần của startup về sản phẩm chăm sóc cá nhân dành cho nam giới Nerman.

Tuy nhiên, lùm xùm xuất hiện khi Shark Bình tiết lộ với truyền thông và cho biết ngày 26/6/2022, hơn một tuần sau khi thương vụ được phát sóng, Nerman đã từ chối nhận thẩm định từ Next100 với lý do "thay đổi định hướng gọi vốn nên tạm thời không nhận vốn đầu tư tại thời điểm này". Shark Bình cho rằng: Nerman đã lợi dụng Shark Tank để "đào mỏ" từ hiệu ứng truyền thông lớn của chương trình chứ không có ý định gọi vốn.

Tuy nhiên, trên trang cá nhân, Đặng Thanh Thịnh - một trong 3 Nhà sáng lập Nerman khẳng định "không có chuyện bùng kèo" tại Shark Tank vì họ vẫn tục làm việc với Shark Phú với lần thẩm định gần nhất vào ngày 27/6/2022. Cuối cùng, theo TV Hub, Nerman đã gửi lời xin lỗi Nhà sản xuất và cả Shark Bình vì còn 'thiếu kinh nghiệm' trong chuyện gọi vốn.

Sau khi thương vụ đầu tư vào Nerman đổ bể, Shark Bình đã chuyển sang đầu tư cho Sáng chế Vĩnh Sơn.

Shark Nguyễn Hòa Bình – 'Long mạch' trong bể cá: Đầu tư thành công 100% các deal thực giải ngân, riêng Coolmate tăng 7 lần sau 2 năm- Ảnh 3.

Shark Bình rót vốn cho Nhà sáng chế Nguyễn Vĩnh Sơn.

Hậu Shark Tank mùa 5, NextTech đã công bố khoản đầu tư 10 tỷ đồng – gấp đôi số tiền cam kết trên sóng truyền hình, nhằm hỗ trợ sản xuất hàng loạt và thương mại hóa các sáng chế của kỹ sư Nguyễn Vĩnh Sơn. Sản phẩm đầu tiên được hỗ trợ là Vòng bi cổ xe máy Upsidedown có tác dụng làm giảm tác động rung lắc khi lái xe khiến nắp tráng bi của xe bị mòn, giúp tăng độ bền vòng bi cổ xe lên gấp 3-5 lần (cụ thể từ 5 đến 10 năm).

Tại mùa thứ tư của mình, Shark Bình cũng có 9 deal đầu tư cam kết trên sóng truyền hình, với các startup về túi xách Chaufifth, Thế Giới Giấy, ốp lưng Slimcase, Bánh Mì Xin Chào, Cơm Thố Bách Khoa, Một Buổi Sáng của TikToker Long Chun, Huho Việt Nam… Ông cũng có 2 thương vụ triệu USD là Thế Giới Giấy và Huho Việt Nam, trong đó Huho Việt Nam là deal chung với Shark Hưng.

Shark Nguyễn Hòa Bình – 'Long mạch' trong bể cá: Đầu tư thành công 100% các deal thực giải ngân, riêng Coolmate tăng 7 lần sau 2 năm- Ảnh 4.

Shark Bình chính thức đầu tư vào Bánh Mì Xin Chào sau 2 tháng thẩm định.

Cũng như những mùa trước, Shark Bình cũng là người xuống tiền tốc hành nhất. Ngày 28/11/2023, tại Tokyo (Nhật Bản), quỹ Next100 chính thức đầu tư 500.000 USD vào Bánh Mì Xin Chào. Trước đó, chuỗi bánh mì và thức ăn Việt hoạt động tại thị trường Nhật này đã xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam và thuyết phục được Shark Bình đầu tư 500.000 USD cho 15% cổ phần. Quá trình DD mất khoảng 2 tháng.

Coolmate và Bánh Mì Xin Chào là 2 thương vụ đầu tư thành công nhất của Shark Bình

Shark Bình từng chia sẻ, ông từng muốn đầu tư hơn 500.000 USD vào Coolmate sau khi tiến hành DD nhưng startup này đã không đồng ý. Còn theo tiết lộ mới đây của bà Lê Hạnh – CEO TV Hub – Nhà sản xuất của chương trình Shark Tank Việt Nam, thì số vốn mà Shark Bình đầu tư vào Coolmate đã tăng 7 lần sau 2 năm.

Sau khi nhận vốn đầu tư từ Shark Bình vào năm 2021, Coolmate đã có thêm 2 lần gọi vốn khác. Trong năm 2022, Coolmate thông báo đã huy động thêm 1,1 triệu USD từ 2 nhà đầu tư cũ là STIC Ventures và VIC Partners. Sau đó không lâu, họ công bố là đã huy động được thêm 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A với sự dẫn dắt của Access Ventures cùng sự tham gia của các quỹ Do Ventures, CyberAgent Capital và DSG Consumer Partners.

Trong năm đầu tiên ra mắt 2019, thương hiệu này đã nhận được sự tin tưởng của hơn 12.000 khách hàng với 110.000 sản phẩm bán ra. Tính đến năm 2023, thương hiệu đã chạm mốc 700.000 khách hàng cùng 4.000.000 sản phẩm bán ra.

Năm 2022, startup này đã đạt doanh thu gần 290 tỷ đồng khi bán hàng cho 530.000 khách hàng và hơn 1 triệu đơn hàng được giao thành công. Cuối năm 2023, Coolmate đạt doanh số 363 tỷ đồng, đặt mục tiêu trở thành "kỳ lân" năm 2030. Tháng 3/2024, Coolmate cho biết sau 5 năm phát triển, họ có 147 nhân sự.

Shark Nguyễn Hòa Bình – 'Long mạch' trong bể cá: Đầu tư thành công 100% các deal thực giải ngân, riêng Coolmate tăng 7 lần sau 2 năm- Ảnh 5.

Cửa hàng đầu tiên của Bánh Mì Xin Chào trong chuỗi food court của Aeon Mall tại Nhật khai trương vào tháng 4/2024.

Phần Bánh Mì Xin Chào, vào giữa tháng 11/2023, họ có 14 cửa hàng và 1 xe đẩy, với 1/2 rong đó là nhượng quyền. Sau khi được Shark Bình rót vốn và tính tới thời điểm này, họ đã có 15 cửa hàng và 3 xe đẩy. Vào tháng 4/2024, Bánh Xin Chào đã khai trương 2 cửa hàng – một trong số đó là ở trong AEON Mall ở tỉnh Gunma.

Trên chương trình Shark Tank Việt Nam, Bánh Mì Xin Chào đã đưa ra kế hoạch phát triển 50 cửa hàng trong 2 năm 2024 và 2025 để có cái gật đầu của Shark Bình.

Mặc dù quá trình mở rộng của Bánh Mì Xin Chào có vẻ khá chậm, nhưng điều đó không khiến Shark Bình lo lắng. Cũng trong buổi ra mắt Shark Tank Việt Nam mùa 7, ông đã đưa ra lời khuyên cho một bạn trẻ muốn mở chuỗi thức ăn Việt ở Hàn như thế này: "Sau khi đầu tư vào Bánh Mì Xin Chào và nghiên cứu về thị trường này, tôi cho rằng đây là một 'đại dương xanh', nên bạn cứ mạnh dạng triển khai".

Trên danh mục đầu tư của Next100, cũng chỉ có tên Coolmate và Bánh Mì Xin Chào, không thấy xuất hiện Perfect và Nhà sáng chế Vĩnh Sơn. Perfect hiện vẫn đang hoạt động bình thường, họ có gian hàng trên Shopee và Lazada, nhưng có vẻ không hoạt động quá sôi nổi.

Ở ngoài bể, Shark Bình cũng có rất nhiều thương vụ đầu tư thông qua Tập đoàn Nexttech và quỹ Next100. Một vài startup mà ông đầu tư đang hoạt động tốt như TopCV, NextPay (mPOS - Boxme - Payon), Ladipage, Tienngay.vn… và có một vài dự án đang kinh doanh không tốt như Fastgo, HeyU…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật