Nova F&B: Đến như vũ bão rồi đi trong chớp mắt, chủ mới sẽ thay ông Bùi Thành Nhơn viết tiếp giấc mơ trên thị trường F&B tỷ đô?
"Rất nhanh rất nguy hiểm” như cách công ty mẹ làm bất động sản, các thương hiệu Nova F&B lần lượt xuất hiện tại các vị trí vàng, và nhanh chóng trở thành điểm đến của người tiêu dùng.
Dự báo năm 2023, giá trị thị trường dự kiến sẽ tăng 18% so với năm 2022 và đạt 720 nghìn tỷ đồng. Sau khi hồi phục, thị trường F&B sẽ tiếp tục phát triển cùng tốc độ ổn định, dự kiến đến năm 2026 sẽ đạt giá trị lên đến 938,3 nghìn tỷ đồng.
Và trong sân chơi ấy, có một đối thủ đáng gờm sắp trở lại: Nova F&B với tên gọi mới IN Dining sau khi “bán mình” cho đối tác Singapore.
Nova F&B trước khi bán mình: Đến đi như vũ bão
Thuộc hệ sinh thái của tập đoàn NovaGroup, Nova F&B đã có bước phát triển thực sự mạnh mẽ và rầm rộ ra mắt đầu năm 2022. Chỉ trong 3 năm phát triển, Nova F&B được biết đã sở hữu 46 cửa hàng đang hoạt động với 18 thương hiệu.
Trong đó, NovaGroup đã rất đầu tư chọn lọc các thương hiệu lớn, phổ biến ở mỗi vùng ẩm thực khác nhau để đánh diện rộng. Nova F&B được biết đã thông qua nhượng quyền và hợp tác với quốc tế để đưa về nước JUMBO Seafood, Sushi Tei, Crystal Jade Palace (Singapore), Gloria Jean’s Coffees (Úc), Pizza Maru (Hàn Quốc), Mango Tree (Thái Lan), Yakiniku BBQ (Nhật Bản)…
Ngoài ra, Nova F&B còn tự phát triển các thương hiệu Marina Club, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House, Phindeli, Mojo Boutique Coffee, Carpaccio, Shri Restaurant & Lounge, Tib…
Cũng “rất nhanh rất nguy hiểm” như cách công ty mẹ làm bất động sản, các thương hiệu Nova F&B lần lượt xuất hiện tại các vị trí vàng, và nhanh chóng trở thành điểm đến của người tiêu dùng. Đơn cử, từng có quán Saigon Casa Café tại góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa giao với Lý Chính Thắng (đã trả mặt bằng), hay hệ thống Saigon Casa Café – Phin Deli Café tại khu vực hồ Con Rùa (quận 1) rất hút khách (cũng vừa đóng cửa).
Sau sự cố trên thị trường bất động sản và đặc biệt là áp lực trái phiếu dồn lên Nova Land, Nova F&B đang tăng tốc bị “phanh gấp”. Nhiều cửa hàng tại các vị trí đắc địa dần trả mặt bằng. Và có lẽ, nhiều người không khỏi chạnh lòng khi đi ngang Novaland Gallery (2 Bis, Nguyễn Thị Minh Khai) sầm uất một thời nay vắng vẻ, đìu hiu.
Điều gì xảy ra sau khi về tay chủ mới?
Trong thông báo mới nhất, Nova F&B chính thức được bán lại cho đối tác tại Singapore, ký kết vận hành với IN Hospitality. Nova F&B theo đó cũng sẽ đổi tên thành In Dining, và tiếp tục giấc mơ của mình.
Phía In Hospitality nhận định ngành F&B tuy rất hấp dẫn nhưng tính cạnh tranh đang ngày càng gia tăng. Trong khi, có rất nhiều nhà hàng, chuỗi nhà hàng vẫn đang được mở ra, nhưng các chủ nhà hàng đa số kinh doanh ở góc độ đơn lẻ, tự phát chứ chưa có chiến lược lâu dài nên khó thành công…
IN Dining với nền tảng theo chuỗi sẵn có, sẽ hướng đến khai thác khách hàng ở phân khúc cao và fine-dining, “đối trọng” với đại gia hiện nay là Golden Gate.
Golden Gate được biết đến là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Khởi đầu với thương hiệu lẩu nấm Ashima, đến nay Golden Gate sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm. Doanh thu lợi nhuận cũng tăng trưởng mạnh, từ mức 40 tỷ (năm 2009) gấp hơn 100 lần lên 4.800 tỷ đồng (năm 2019).
Một số chuỗi nhà hàng tiêu biểu của Golden Gate có thể kể đến như lẩu băng chuyền Kichi Kichi (lẩu tự chọn giá rẻ cho khách hàng trẻ), nhà hàng Nhật (iSushi, Durama, Icook), nướng (Gogi House, Sumo BBQ), pizza cho giới trẻ (Cowboy Jack's), chuỗi nhà hàng bia (Vuvuzela, Citybeer Station)...
“Nếu Golden Gates tập trung vào các thương hiệu trung cấp thì IN Dining hướng tới khách hàng ở phân khúc cao và fine-dining nhiều hơn”, một người trong cuộc khẳng định tham vọng của IN Dining.
Đề mục tiêu cao là vậy, IN Dining có thành công hay không là câu chuyện của tương lai. Tuy nhiên, với nguồn lực lớn, cùng kinh nghiệm và những thành tích của IN Holdings, IN Dining dự sẽ tăng tốc mở rộng quy mô trong 2 năm tới.
IN Hospitality - trước đây là CTCP PQC Convention - là đơn vị thành viên của IN Holdings do 2 anh em doanh nhân Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý đã thành lập. Hiện, IN Holdings sở hữu và vận hành các thương hiệu như GEM Center, White Palace Hoàng Văn Thụ, White Palace Phạm Văn Đồng, The Log và W Gourmet.