Nhà thiết kế Việt lọt top Forbes Under 30 châu Á: Giấu bố mẹ suốt 2 năm đi học thiết kế, từ bỏ công việc hàng đầu để nghiên cứu vải thân thiện với môi trường
Con đường theo đuổi thời trang bền vững và hành trình trở thành gương mặt lọt top Forbes Under 30 châu Á của nhà thiết kế Uyên Trần.
Mới đây, tạp chí Forbes công bố danh sách những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2022 lần thứ 7 (The Forbes Under 30 Asia Class of 2022), trong đó có nhà thiết kế, nhà nghiên cứu vật liệu Uyên Trần - đồng sáng lập TômTex là 1 trong 5 đại diện tiêu biểu của Việt Nam góp mặt trong danh sách này.
Chloe Uyên Trần (29 tuổi) được biết đến là nhà nghiên cứu vật liệu và thiết kế thời trang, từng làm việc tại các hãng thời trang như Ralph Lauren, Alexander Wang và Peter Do. Cô tốt nghiệp thạc sĩ ngành thiết kế thời trang tại Parsons The New School of Design, trường đại học chuyên về nghệ thuật và thiết kế lớn nhất tại New York, Mỹ.
Uyên Trần thành lập TômTex với ý tưởng tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra loại vật liệu sinh học thay thế da, hướng tới sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường. TômTex là vật liệu 100% sinh học, được tạo ra từ chất thải vỏ hải sản hoặc nấm.
TômTex cùng Uyên Trần đã liên tục đem về nhiều “chiến tích” ấn tượng, trong đó có CFDA K11 Innovation, Forbes Under 30 Việt Nam, Giải thưởng Phát triển Ý tưởng và huy động được 1,7 triệu USD và gần đây nhất là Forbes Under 30 châu Á. Tháng 2 năm nay, cô cũng có mặt trong danh sách 25 người trẻ lọt top Under 30 năm 2022, do Forbes Việt Nam công bố.
Nhà sáng chế Uyên Trần
Mặc đồ “second-hand” suốt thời niên thiếu và hành trình theo đuổi thời trang bền vững
Niềm yêu thích và khởi nguồn theo đuổi con đường kinh doanh thời trang bền vững của Uyên Trần đến từ những điều thân thuộc mà cô gắn bó với quê nhà. Chính những gì mà nhà sáng lập TômTex luôn mỗi nỗi “đau đáu” trong lòng với quê hương đã thúc đẩy cô bắt đầu hành trình nghiên cứu vật liệu thân thiện với môi trường.
“Mình sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Nẵng - nơi có rất nhiều rác thải dệt may cũng như quần áo cũ. Mình đã mặc đồ “second-hand” trong suốt quãng thời gian trưởng thành và hầu như tất cả những món đồ đó đều đến từ các quốc gia châu Âu và Mỹ”.
Tuy nhiên, chứng kiến việc những món đồ cũ đôi khi sẽ không được xử lý đúng cách hoặc không ai muốn mua lại, dẫn tới việc ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải của ngành dệt may đã khiến Uyên Trần có những trải nghiệm “không mấy vui vẻ".
“Một trong những lý do việc xử lý những 'chất thải' này trở nên quá sức với đất nước đang phát triển thời điểm đó chính là sợi vải tổng hợp - chất liệu nền phổ biến không thể tự phân huỷ sinh học”, nhà sáng lập TômTex nói thêm.
Uyên Trần quyết định trở thành nhà nghiên cứu chất liệu thời trang bền vững
Chính vì thế mà để theo đuổi con đường thời trang bền vững, thân thiện với môi trường, năm 2012, Uyên Trần chuyển đến sinh sống và học tập tại Mỹ. Ở đây, cô làm việc như một nhà thiết kế tự do cho những cái tên lớn như Alexander Wang và Peter Do.
Tuy nhiên, niềm đau đáu về chất liệu vải thân thiện với môi trường vẫn luôn nhen nhóm trong lòng khiến Uyên Trần tạm dừng công việc thiết kế thời trang và bước vào con đường nghiên cứu, theo học Thạc sĩ ngành Thiết kế vật liệu. Sau đó, cô lấy được tấm bằng tốt nghiệp tại học viện học viện Thiết kế Parsons – một trong những ngôi trường danh giá nhất trong lĩnh vực thời trang ở Mỹ.
Uyên Trần bộc bạch: “Mình đã chung sống và trải nghiệm chất liệu vải tổng hợp trong suốt những năm làm việc cho loạt nhà mốt danh tiếng, tuy nhiên, mình chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về Đà Nẵng và những chất độc, rác thải mà quê nhà sẽ phải hứng chịu. Và tất cả thôi thúc mình bắt đầu dự án thiết kế với chất liệu sinh học”.
“Mình nghĩ về tất cả những gì gợi nhắc đến quê hương như nhà máy hải sản gần ngôi nhà cũ hay thậm chí bã cà phê mà chính bản thân đã từng vứt bỏ mỗi buổi sáng”, cô nói thêm.
"Mình bắt đầu dự án thiết kế với chất liệu sinh học"
Là một nhà nghiên cứu vật liệu, Uyên Trần cho biết, chất thải của ngày hôm nay hoàn toàn có thể trở thành nguồn tài nguyên thô cho tương lai. Bên cạnh đó, hành tinh của chúng ta đang được vận hành với nhiều điểm bất cập. Nguồn tài nguyên tạo hóa ban tặng có giới hạn và thật đáng buồn khi chúng ta đang dần chạm tới thời điểm những món quà thiên nhiên ấy bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt.
Uyên Trần chia sẻ: “Sự tiêu thụ tài nguyên quá mức khuyến khích mình tìm cách lấy lại những gì chúng ta còn có thể từ chất thải. Song song với việc cung cấp những lợi ích nhất định cho môi trường, mình thành lập TômTex như một dấu hiệu cho sự thay đổi trong “mối quan hệ” của chúng ta đối với chất liệu của thời trang, tránh xa những nguồn cung cấp một chiều với quy trình sản xuất và vứt bỏ sản phẩm mà thay vào đó, tạo ra sự xoay vòng trong việc tìm kiếm chất liệu.
Việc thu hoạch những nguyên liệu thay thế như vỏ thuỷ, hải sản và bã cà phê từ dòng chất thải sinh hoạt trở nên hợp lí hơn bao giờ hết, nhất là khi chúng sẽ cung cấp chức năng tự phân huỷ”.
Giấu bố mẹ đi học thiết kế thời trang trong suốt 2 năm đầu Đại học
Thành công trên con đường thiết kế thời trang và nghiên cứu vật liệu là vậy, nhưng không phải ngay từ đầu, nhà sáng lập lọt top Forbes Under 30 châu Á đã nhận được sự ủng hộ và công nhận tuyệt đối từ gia đình. Năm 2012, khi Uyên Trần sang Mỹ du học, trong suốt 2 năm đầu học Đại học, cô giấu bố mẹ đi học thiết kế thời trang.
Uyên Trần chia sẻ: “Bố mẹ nào cũng quan tâm đến nghề nghiệp hướng đi của con cái. Họ luôn mong muốn con mình có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Chính vì thế mà ba mẹ mình ngăn cản việc chọn nghề nghệ thuật vì sợ sau này chị sẽ không đảm bảo được kinh tế.
Mình đam mê với nghề thời trang, cảm nhận nghề đó sẽ là nguồn sống. Mình khao khát được theo đuổi và thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu vì thế cho nên mình đã giấu bố mẹ trong suốt 2 năm. Khi ông bà phát hiện ra thì cũng rất phiền lòng”.
"Ba mẹ mình ngăn cản việc chọn nghề nghệ thuật vì sợ sau này chị sẽ không đảm bảo được kinh tế"
Nhưng sau đó, nhà thiết kế lọt top Forbes Under 30 châu Á đã thuyết phục được bố mẹ khi được tuyển chọn vào làm thực tập sinh ở Ralph Lauren (một công ty thời trang nổi tiếng) vào năm thứ 2 đại học và đảm bảo có việc ở Ralph sau khi ra trường. Từ đó thì bố mẹ của Uyên Trần cảm thấy an tâm hơn và ủng hộ cô theo đuổi ngành này. Đến khi lập nghiệp và theo đuổi con đường công nghệ vật liệu bền vững, Uyên Trần đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ bố mẹ.
Câu chuyện khởi nghiệp của nhà thiết kế lọt top Forbes Under 30 châu Á chỉ mới bắt đầu…
Sự nghiệp của Uyên Trần chỉ mới bắt đầu với TômTex. Công ty của cô tập trung sản xuất thế hệ chất liệu sinh học mới đến từ hai nguồn nghiên cứu chính là Chitin (được dẫn xuất từ vỏ thuỷ/hải sản và sợi nấm) song song với bã cà phê. Với hai vật liệu này, TômTex sẽ tồn tại dưới hình thức một nhà cung cấp sản phẩm da thân thiện với môi trường cho thời trang, thay thế da động vật và da tổng hợp.
Ý tưởng độc đáo khiến Uyên Trần tìm ra phương pháp tái sử dụng phụ phẩm vỏ tôm kết hợp bã cafe thành chất liệu thay thế cho da bắt nguồn từ sự quan sát tỉ mỉ của cô với môi trường.
“Nếu chúng ta dành thời gian nhìn vào những số liệu thống kê, mỗi năm, 17 triệu tấn rác từ hải sản và bã cà phê sẽ bị đẩy ra những bãi đất trống và vô tình, chúng trở thành những bãi rác khổng lồ. Cách chúng ta xử lý chất thải vẫn rất vụng về và thiếu sự tổ chức. Mặt khác, thiên nhiên lại có khả năng trả lại những thứ con người nghĩ là 'rác thải' cho hệ sinh thái, mang đến một 'sự sống' mới cho một nguồn nguyên liệu hữu cơ mà từ trước đến nay luôn bị coi là rác thải”, nhà thiết kế lọt top Forbes Under 30 châu Á bộc bạch.
Việc nghiên cứu ra chất liệu vải thân thiện với môi trường hay thành lập doanh nghiệp với Uyên Trần không chỉ vì thành công cá nhân mà còn là trách nhiệm với môi trường, với xã hội.
“Mình nghĩ khát vọng thành công trong khởi nghiệp là điều tốt đẹp, luôn song hành với tính mục đích. Tuy nhiên, nó phải gắn liền với các vấn đề về năng lực quản trị. Bên cạnh sự sáng tạo, đột phá với hoài bão to lớn, mình có nền tảng kiến thức cơ bản và am hiểu về thị trường.
Ngoài ra, mình luôn tự hỏi có điều gì còn thiếu sót trong nỗ lực và năng lực của bản thân cần bổ sung, hoàn thiện để nắm bắt cơ hội dẫn đến thành công. Trong tiến trình kiến tạo những giá trị chung trên lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và lợi ích về môi trường, chúng ta luôn có thể lựa chọn. Mình muốn tạo dựng được doanh nghiệp đề cao giá trị con người và đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên hàng đầu”, nhà nghiên cứu vật liệu Uyên Trần nói.
Ảnh: NVCC