A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi: 'Tôi hâm mộ Apple'

Huawei được cho là đang có những bước đi sao chép Apple trong việc tự phát triển bộ vi xử lý điện thoại của mình.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi: 'Tôi hâm mộ Apple' - Ảnh 1.

Tờ SCMP cho hay nhà sáng lập tập đoàn Huawei Technologies là ông Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) mới đây đã thừa nhận bản thân là “một người hâm mộ” của Apple bất chấp đây là đối thủ của công ty mình trên thị trường điện thoại di động Trung Quốc.

Trong bài phát biểu vào tháng trước, nhà sáng lập này cho biết ông phản đối quan điểm bài ngoại với bất kỳ thương hiệu nước ngoài nào, đồng thời coi Apple như một người hướng dẫn đầy giá trị cho những công ty như Huawei.

“Chúng tôi thường tìm hiểu tại sao sản phẩm của Apple lại tốt đến như vậy, qua đó để thấy được khoảng cách chênh lệch của bản thân với họ... Tôi rất vui mừng vì có được một người hướng dẫn như thế, qua đó cho phép công ty có cơ hội được học hỏi và đối chiếu. Với góc nhìn này thì không có gì phải bàn cãi khi coi tôi là một người hâm mộ của Apple”, nhà sáng lập Ren Zhengfei thừa nhận.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi: 'Tôi hâm mộ Apple' - Ảnh 2.

Nhà sáng lập Huawei cũng cho biết con gái mình đã sử dụng sản phẩm của Apple kể từ khi du học ở Mỹ, qua đó bản thân ông cũng như gia đình không có sự thù hằn gì với nhà táo khuyết bất chấp bối cảnh doanh số của Huawei đã bị Apple vượt mặt từ năm 2020 do lệnh cấm vận công nghệ từ Phương Tây.

Thậm chí vào tháng 5/2019, vị tỷ phú này còn bày tỏ sự ngưỡng mộ với Apple khi coi đây là hình mẫu lý tưởng để Huawei noi theo trong mảng bảo vệ quyền thông tin cá nhân người dùng.

Cùng năm đó, ông Rei cũng nói rằng Huawei cần học hỏi chiến lược về giá của nhà táo khuyết nếu các đối thủ của Apple muốn tồn tại trên thị trường.

Học hỏi từ đối thủ

Theo SCMP, những tuyên bố của nhà sáng lập Ren diễn ra trong bối cảnh Huawei mới ra mắt các dòng sản phẩm mới trước thềm lễ công bố iPhone 15 của Apple.

Tờ Financial Times (FT) thì nhận định những diễn biến mới nhất của Huawei cho thấy tập đoàn này đang theo đuổi chiến lược tương tự như Apple cách đây hơn 10 năm khi tự cải tiến các thiết kế cơ bản nhằm gia tăng hiệu suất cho iPhone lẫn Mac, qua đó đem lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Thông thường, sự phức tạp, chi phí lớn và nguồn lực kỹ thuật khan hiếm trong công cuộc phát triển công nghệ bán dẫn của các doanh nghiệp khiến chỉ một số tập đoàn lớn có thể thực hiện cách tiếp cận như của Apple hay Huawei.

Thay vào đó, phần lớn các công ty sẽ thuê ngoài hoặc hợp tác để cắt giảm chi phí, ra mắt sản phẩm nhanh chóng cũng như chuyên biệt hóa từng khâu cung ứng.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi: 'Tôi hâm mộ Apple' - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, nguồn tin của FT cũng cho biết Huawei đã điều chỉnh các thiết kế vi xử lý CPU dùng cho những máy chủ trung tâm dữ liệu của mình để phát triển chip điện tử cho smartphone thế hệ mới.

Chiến lược này lại khá giống với Apple từng làm trước đây khi biến bộ vi xử lý iPhone thành chip có khă năng cung ứng cho máy tính Mac.

“Chưa có ai từng làm được điều này trước đây”, chuyên gia phân tích Brady Wang của Counterpoint Research

“Huawei đã có bước đột phá để tự chủ về mảng thiết kế chip cũng như hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ nước ngoài”, giám đốc phân tích Dylan Patel của SemiAnalysis đồng quan điểm.

Thêm nữa, chuyên gia phân tích Brady Wang cho rằng việc Huawei tự phát triển được chip điện tử sẽ cắt giảm được chi phí bản quyền cũng như tạo được những khác biệt trong sản phẩm so với đối thủ.

Đây là lợi thế rất lớn so với những hãng điện thoại phải phụ thuộc vào công nghệ chip thuê ngoài khác.

Đòi lại ngôi vương

Việc tập đoàn điện thoại Trung Quốc này tự phát triển được con chip nội địa trong bộ vi xử lý Kirin 9000 đã làm bất ngờ giới truyền thông cũng như dấy lên đồn đoán về việc nền kinh tế Châu Á vượt qua được lệnh cấm vận công nghệ của Phương Tây.

Tờ FT nhận định bộ chip dùng cho sản phẩm Mate 60 Pro mới nhất từ Huawei cho thấy tập đoàn này đã gia nhập nhóm Big Tech có khả năng phát triển kỹ thuật bán dẫn cho riêng mình.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi: 'Tôi hâm mộ Apple' - Ảnh 4.

Nguồn tin thân cận từ FT cho hay một nửa số linh kiện trong bộ vi xử lý CPU của Mate 60 Pro là được thiết kế cũng như sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc.

Đây được coi là bước tiến đột phá khi hãng điện thoại từng lớn nhất Trung Quốc này bắt đầu xuống dốc từ năm 2019 sau lệnh cấm vận công nghệ của Phương Tây.

Việc không tiếp cận được với chip điện tử, thiết bị cũng như phần mềm nước ngoài đã khiến Huawei từ bỏ mảng phát triển điện thoại 5G thế hệ mới để chuyển về dòng 4G, đồng thời thu mình tập trung cho thị trường nội địa.

Ngay cả như vậy, Huawei cũng bị Apple vượt mặt và mất ngôi vương vào tay các đối thủ khác tại chính sân nhà. Phải đến khi các dòng điện thoại gập 5G mới ra mắt thì Huawei mới dần lấy lại được sự chú ý của thị trường.

Trong quý II/2023, Huawei đã quay trở lại trong top 5 hãng điện thoại có doanh số lớn nhất Trung Quốc. Đồng thời tập đoàn điện thoại này cũng đã nâng mức doanh số mục tiêu trong nửa cuối năm 2023 lên thêm 20%.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật