Loạt tài khoản các chủ doanh nghiệp bị call margin
Thời gian qua, hàng loạt các lãnh đạo doanh nghiệp bị các Công ty Chứng khoán “call margin” (bán giải chấp cổ phiếu). Nhà đầu tư cần phải làm gì để tránh tình trạng này?
Mới đây, ông Đinh Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa bị Công ty Chứng khoán VPS bán giải chấp 24.500 cổ phiếu HBC.Ước tính công ty chứng khoán thu về khoảng 283 triệu đồng. Lượng cổ phiếu HBC ông Thanh sở hữu đạt 87.850 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 0,03% vốn). Sau giao dịch trên, tỉ lệ sở hữu của ông Thanh tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bị giảm từ 0,04% xuống 0,03% (tương đương 87.850 cổ phiếu).
Cổ phiếu bị bán giải chấp là tình huống không một nhà đầu tư nào mong muốn, khi tổng tài sản sụt giảm quá mức quản lý rủi ro của mình dẫn đến sự can thiệp của công ty chứng khoán
Ông Nguyễn Tuấn Anh - thành viên HĐQT độc lập của Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) vừa bị công ty chứng khoán bán giải chấp 73.000 cổ phiếu, giảm tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp xuống còn 0,13% vốn điều lệ (139.115 cổ phiếu).
Một tổ chức khác có liên quan đến HDC là Công ty cổ phần Đầu tư Thiên Anh Minh cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp 68.600 cổ phiếu HDC, tỉ lệ sở hữu giảm còn 0,14% (148.500 cổ phiếu.
Được biết, ông Tuấn Anh và Công ty cổ phần Đầu tư Thiên Anh Minh đều từng bị bán giải chấp. Sau khi tiếp tục bị bán giải cả ông Tuấn Anh và công ty trên đều đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phần HDC còn lại đang nắm giữ, giảm tỉ lệ sở hữu về 0%, giao dịch dự kiến thực hiện từ 28-10 đến 25-11. Có thể nói,sau chuỗi ngày giảm liên tiếp, HDC đã tăng trần lêngiá 30.1500 đồng/cổ phiếu. Không chỉ các nhà đầu tư, mà các lãnh đạo của doanh nghiệp cũng liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu.
Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), đã đăng ký mua vào 10.000 cổ phiếu DRC. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/10 đến 8/11/2022. Bà Thu đăng ký mua vào cổ phiếu DRC ngay sau khi bị Chứng khoán SHS thực hiện bán giải chấp đúng 10.000 cổ phiếu DRC của bà Thu trong phiên 5/10.
Tháng 5/2022, Công ty chứng khoán VNDIRECT công bố thông tin về việc ông Lê Thống Nhất, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Danh Khôi (NRC) bị bán giải chấp 2.576.400 cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 6/5.
Tháng 4/2022, Chứng khoán VPS đưa ra thông báo về việc bán giải chấp chứng khoán ký quỹ của khách hàng là người nội bộ của Công ty cổ phần LICOGI 14 (L14).
Theo đó, VPS thực hiện bán giải chấp 200 cổ phiếu L14 do ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Thành viên HĐQT L14 sở hữu, dự kiến thời gian giao dịch từ phiên 28/3/2022.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, việc lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp niêm yết bị bán giải chấp cổ phiếu cho thấy, dù là lãnh đạo các doanh nghiệp nhưng vi phạm các quy chế đều bị xử lý như các nhà đầu tư thông thường trên thị trường.
Cẩn trọng khi đầu tư cổ phiếu
Bán giải chấp cổ phiếu là việc công ty chứng khoán thực hiện bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định.
Bán giải chấp cổ phiếu thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) và giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền. Trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán thường có thông báo tới khách hàng của mình biết trước 1-2 ngày. Nếu không muốn bị bán giải chấp, nhà đầu tư phải nộp thêm tiền vào tài khoản ký quỹ để đạt ngưỡng an toàn tối thiểu do công ty chứng khoán quy định.
Thông thường, một nhà đầu tư có một tỷ đồng, muốn mua 40.000 cổ phiếu XYZ trị giá 2 tỷ đồng (giá 50.000 đồng một cổ phiếu) với gói vay 3:7 của công ty chứng khoán. Tức là, công ty chứng khoán cho khách hàng vay: 2 tỷ x 70% = 1,4 tỷ đồng. Nhà đầu tư bỏ vốn: 2 tỷ x 30% = 600 triệu đồng. Khi thị trường xuống dốc không phanh nếu nhà đầu tư không nộp đủ số tiền vay công ty chứng khoán sẽ bán giái chấp.
Có thể nói, cổ phiếu bị bán giải chấp là tình huống không một nhà đầu tư nào mong muốn, khi tổng tài sản sụt giảm quá mức quản lý rủi ro của mình dẫn đến sự can thiệp của công ty chứng khoán. Mỗi lần cổ phiếu bị bán giải chấp, nhà đầu tư bị thiệt hại rất nhiều.
Để cổ phiếu không bị bán giải chấp và sử dụng margin có hiệu quả, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ tỷ lệ ký quỹ tài khoản trước những biến động của cổ phiếu đang nắm giữ.
Mặc dù các chuyên gia không khuyến cáo nhà đầu tư nên xem xét danh mục đầu tư quá thường xuyên, nhưng nếu nhà đầu tư có số dư ký quỹ đáng kể, họ cần theo dõi hằng ngày. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư biết được danh mục đầu tư của mình đang ở đâu và liệu có gần đến mức ký quỹ duy trì hay không.
Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng margin khi đã có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu thị trường và doanh nghiệp, không nên margin vào những cổ phiếu có tính đầu cơ, chỉ sử dụng margin khi thị trường có xu hướng tăng rõ ràng, nhưng ở mức độ vừa phải, tạo một biên độ an toàn cho tài khoản. Phân tích cổ phiếu kỹ lưỡng và tìm hiểu tỷ lệ ký quỹ của các công ty chứng khoán giúp nhà đầu tư có được kế hoạch đầu tư chắc chắn hơn. Nhà đầu tư có thể sử dụng các ứng dụng chứng khoán để hỗ trợ tìm điểm mua/bán.
Đầu tư chứng khoán vốn đòi hỏi tính kỷ luật cao, khi nhà đầu tư ký quỹ càng phải xây dựng tính kỷ luật chặt chẽ hơn khi ra quyết định đầu tư. Một thị trường chứng khoán phát triển tốt và bền vững cần dựa trên nhân tố cốt lõi là niềm tin của giới đầu tư niềm tin này đó chính là sự minh bạch. Nếu lãnh đạo các doanh nghiệp không chú trọng những điều này, việc mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường và doanh nghiệp sẽ là điều tất yếu. Do vậy cần có chế tài quản lý chặt chẽ và thông tin của chủ doanh nghiệp khi bán giải chấp cổ phiếu…