A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Loạt "ông lớn" Sun Group, BRG, Bitexco… đổ về, bất động sản Hà Nam đón "sóng" mới

Những năm gần đây, tỉnh Hà Nam liên tục dẩy mạnh thu hút hàng loạt “ông lớn” bất động sản như Sun Group, Bitexco, BRG Group, T&T hay Icon4…. Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, đây còn là nơi quy tụ các nhà đầu tư tầm cỡ để định hình “cuộc chơi” đô thị.

Toàn cảnh thị trường bất động sản Hà Nam nửa đầu năm

Tại Tọa đàm “Thị trường bất động sản Hà Nam sẵn sàng cho một chu kỳ mới” diễn ra vào ngày 28/7, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARs IRE) - bà Phạm Thị Miền cho biết, từ đầu năm đến 31/5/2024, toàn tỉnh Hà Nam thu hút 29 dự án (bằng 223% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh vốn 22 dự án (bằng 200% so với cùng kỳ năm 2023).

Bình quân mỗi năm tỉnh Hà Nam có 10 dự án bất động sản mới được hình thành (trừ những năm Covid). Tính đến hiện tại, toàn tỉnh hiện có khoảng 43 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở cơ bản hoàn thành.

Đối với phân khúc nhà ở, trong nửa đầu năm 2024, có 7 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng, 3 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng quý 2, toàn tỉnh chỉ có 1 dự án.

Theo khảo sát của VARs IRE, giá đất Hà Nam ở đô thị mặt đường lớn, nội thành hiện ở mức 100 triệu đồng/m2; trong ngõ 3,5m, nội thành dao động 30-40 triệu đồng/m2; mặt đường lớn, áp biên nội thành khoảng 38-42 triệu đồng/m2; khu vực Liêm Chính, Liêm Chung khoảng 31-31 triệu đồng/m2.

Đối với đất thổ cư, giá lô đất có chỗ cho ô tô đỗ trước cửa (10-15 triệu đồng/m2), xa trung tâm thành phố (5-7 triệu đồng/m2); Thanh Liêm, Thanh Hà, Lý Nhân, Bình Lục (15-20 triệu đồng/m2). Đất nông nghiệp khoảng 90 triệu/sào. Đất nền quanh khu công nghiệp khoảng 16-25 triệu đồng/m2..

Về thanh khoản, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 6.134 giao dịch với giá trị hơn 3.000 tỷ đồng. Riêng quý 2/2024, giao dịch bùng nổ với 4.314 giao dịch, tổng giá trị gần 2.564 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với quý 1/2024.

Loạt

Tọa đàm “Thị trường bất động sản Hà Nam sẵn sàng cho một chu kỳ mới”.

Phó viện trưởng VARs IRE nhìn nhận giá bất động sản Hà Nam chỉ bằng 1/3-2/3 giá đất tại các địa phương có vị trí và tiềm năng tương đương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. “Mặt bằng giá bất động sản Hà Nam vẫn ở mức rất cạnh tranh, còn rất nhiều dư địa và tăng trưởng trong tương lai. Hơn nữa, Hà Nam là thị trường mới, là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư biết đi tắt đón đầu”, bà Miền nhận định.

Theo Phó viện trưởng VARs IRE, Hà Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển bất động sản nhờ vị trí gần Thủ đô, mạng lưới giao thông đồng bộ, vốn đầu tư trong và ngoài nước gia tăng.… Tuy nhiên, bất động sản Hà Nam chưa “bật lên” được do các dự án phát triển vào khoảng thời gian trước có chất lượng và quy mô chưa tương xứng.

Ngoài ra, thị trường bất động sản Hà Nam chưa phát triển nhiều loại hình sản phẩm đa dạng, chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản nhà ở chủ yếu là đất nền và bất động sản công nghiệp, trong khi chưa có các khu đô thị quy mô cao cấp.

“Do vậy, các dự án quy mô lớn triển khai trong bối cảnh thị trường bất động sản hồi phục tích cực với hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện sẽ giúp thị trường bất động sản Hà Nam đứng trước cơ hội tỏa sáng. Hơn nữa, quy hoạch chung của Hà Nam đã được xây dựng, có chất lượng được đánh giá tốt, cơ hội tăng giá trị sau đầu tư hấp dẫn”, Phó viện trưởng VARs IRE nhìn nhận.

Bất động sản Hà Nam sở hữu nhiều dư địa để tăng trưởng 

Thực tế, những năm gần đây, Hà Nam đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án bất động sản, trong đó có hàng loạt “ông lớn” đổ về như: Sun Group, Bitexco, BRG Group, T&T hay Icon4…

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, toàn bộ Đồng bằng sông Hồng có 11 tỉnh và triển vọng của thị trường bất động sản Hà Nam thể hiện ở chỗ, đây là một trong những tỉnh được ưu tiên đầu tư và phát triển, bởi sự bùng nổ phát triển sẽ tập trung vào những vùng trọng điểm quốc gia.

Đặc biệt, Hà Nam là 1 trong 4 tỉnh thuộc vị trí phía nam sông Hồng, có vai trò dẫn dắt, có đà và thế để phát triển mạnh, bùng nổ về công nghiệp, du lịch, ông Thiên nhấn mạnh.

Hơn nữa, đây là tỉnh tuy có quy mô dân số nhỏ nhưng đi đầu về đô thị hóa, có đà phát triển mạnh mẽ trong số 4 tỉnh thành với tỷ lệ đô thị hóa ở mức khoảng 30,7% vào năm 2020. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tỷ lệ đô thị hóa có thể cao hơn so với các địa phương nhưng chất lượng đô thị hóa chưa cao. 

“Đẳng cấp đô thị hóa của Hà Nam chưa cao, nhưng chúng ta có không gian đô thị tương đối tốt đồng nghĩa chúng ta có dư địa, đây là lợi thế cho các nhà đầu tư vào đây”, ông Thiên nhận định.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh hai điểm đặc biệt quan trọng của Hà Nam từ năm 2021 đến nay. Một là, kết nối phát triển du lịch với khu du lịch tâm linh Tam Chúc. Thứ hai, Hà Nam đã "mời" được các nhà đầu tư tầm cỡ để định hình "cuộc chơi" đô thị. Với những lợi thế này, Hà Nam là vùng đất đang có dư địa rất tốt để "bùng nổ".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho rằng Hà Nam là vùng đất “vàng”, còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh giá bất động sản các tỉnh miền Bắc không còn nhiều dư địa tăng trưởng, đây là thị trường tiềm năng cho dòng vốn đầu tư bất động sản ven đô.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan