A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh doanh online, offline đều khó: Heineken "bốc hơi" hàng tỷ đồng lợi nhuận, doanh số "lao dốc" hơn 60% trên Shopee, Lazada, Tiki

Không chỉ giảm lợi nhuận trong năm 2023, phải tạm dừng hoạt động nhà máy bia tại Quảng Nam gần đây, doanh số 5 tháng đầu năm 2024 của ông lớn ngành bia cũng lao dốc không phanh trên Shopee, Lazada, Tiki, theo báo cáo của Metric.

Theo thông tin Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp này sẽ tạm dừng sản xuất nhà máy tại Quảng Nam do lượng tiêu thụ sụt giảm sau Covid-19 và Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn.

Lượng tiêu thụ giảm không chỉ được thể hiện qua kênh offline, trên các sàn thương mại điện tử, doanh số thương hiệu này cũng lao dốc.

Kênh online giảm hơn nửa doanh số

Theo thống kê của Metric – công ty dữ liệu thương mại điện tử, có hơn 60.274 đơn hàng Heineken được giao thành công từ 194 gian hàng, trên 3 sàn thương mại Shopee, Lazada và Tiki. 5 tháng đầu năm nay, doanh thu bia Heineken trên kênh này chỉ đạt chưa đầy 32 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2023.

Kinh doanh online, offline đều khó: Heineken

Đại diện Metric cho biết, xu hướng giảm doanh thu được ghi nhận từ đầu năm nay. Sau Nghị định 100 sửa đổi về mức nồng độ cồn tối thiểu, mức tiêu thụ bia dù tăng ở dịp Tết 2024 nhưng vẫn giảm rõ rệt so với cùng kỳ 2023

Cụ thể, Shopee vẫn chiếm "ngôi vương" về doanh thu của hãng này với 63%, tiếp đó là Lazada và Tiki lần lượt chiếm 31 và 2%.

Trên Lazada, thương hiệu này mở gian hàng chính hãng với hơn 71.000 người theo dõi, thường xuyên tung voucher để kích cầu tiêu dùng. Mức chiết khấu trên sàn thương mại điện tử này khá sâu, trên dưới 30% với các sản phẩm thùng bia Tiger, Heineken Silver.

Còn gian hàng của Heineken trên Shopee Mall được thành lập từ 3 năm nay, đang bán 73 sản phẩm với gần 161.000 người theo dõi. Trong đó, các sản phẩm bia lon Tiger, Heineken Sliver hay bia lon truyền thống đứng đầu danh sách tiêu thụ với hàng chục nghìn lượt bán. Tuy nhiên, các sản phẩm mới như bia 0 cồn chỉ ghi nhận lượng tiêu thụ hạn chế.

Kinh doanh online, offline đều khó: Heineken

Khó khăn bủa vây

Không chỉ kênh online gặp khó, các kênh truyền thống kinh doanh qua nhà hàng, đại lý đang không dễ tiêu thụ các loại đồ uống có cồn.

"Nhiều nhà hàng, các khu du lịch vắng khách không kinh doanh được kéo theo lao động, doanh thu, lợi nhuận, ngân sách đều giảm", đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) nói.

Số liệu toàn ngành bia giảm 11% doanh thu và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, ngành này cũng chịu tăng trưởng âm 7%, theo thống kê của VBA.

Trong đó, báo cáo tài chính Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), doanh nghiệp liên doanh của Heineken Việt Nam, ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 9.791 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022, nhưng lãi gộp giảm tới 25%, còn 1.069 tỷ đồng.

Lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm gần 2.400 tỷ đồng tức 47%, xuống còn còn 2.734 tỷ đồng. Lợi nhuận ghi nhận từ công ty liên kết này phụ thuộc lớn vào lợi nhuận của Heineken tại Việt Nam. 

Theo đó, Satra hiện đang sở hữu 40% vốn của công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và 40% vốn của công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading). Phần vốn còn lại do các công ty con của tập đoàn Heineken tại Singapore và Australia nắm giữ.

Trong báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken (Hà Lan) cũng chỉ ra, sản lượng bia toàn cầu của hãng đã giảm 4,7%, chủ yếu do thị trường Việt Nam và Nigeria. Bên cạnh đó, sự suy giảm của thị trường Việt Nam cũng là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của hãng.

Liên doanh Heineken Việt Nam hoạt động từ năm 1991 với nhà máy đầu tiên tại TPHCM. Đến nay công ty có 6 nhà máy với hơn 3.000 nhân viên. Tại Việt Nam, doanh nghiệp này sản xuất và phân phối các nhãn hiệu Heineken, Tiger, Larue, Bia Việt, Strongbow…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật