A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi nào các lò cao của Tập đoàn Hòa Phát sẽ hoạt động trở lại?

Trước những khó khăn của ngành thép, tháng 11/2022, Hòa Phát đã dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Dung Quất và 2 lò cao ở Hải Dương.

Khi nào các lò cao của Tập đoàn Hòa Phát sẽ hoạt động trở lại?

Thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam đã hạ nhiệt kể từ quý 2/2022. Điều này đã gây không ít khó khăn cho thị trường thép trong nước.

Theo dữ liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam (bao gồm thép xây dựng, ống thép và tôn mạ) đã giảm mạnh xuống mức 3,7 triệu tấn trong quý 4/2022, tương đương mức giảm 21% so với cùng kỳ và giảm 8,3% so với quý trước đó.

Là một trong những doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) do tỷ phú Trần Đình Long làm chủ tịch cũng không tránh khỏi xu hướng bị ảnh hưởng này.

Quý 4/2022, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 26.212 tỷ đồng, giảm 18.836 tỷ đồng, tương ứng giảm 42% so với QIV/2021 là 45.048 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là -1.999 tỷ đồng, giảm 9.418 tỷ đồng, tương ứng giảm 127% so với cùng kỳ năm trước (7.419 tỷ đồng).

Biên lợi nhuận gộp quý 4 của HPG chỉ đạt mức -3,4%. Đây là quý thứ 2 trong lịch sử và là lần đầu tiên công ty ghi nhận mức âm biên lợi nhuận gộp kể từ quý 4/2008.

Kết quả kinh doanh ảm đạm này đến chủ yếu do công ty tiếp tục chịu ảnh hưởng của chi phí giá nguyên vật liệu đầu vào cao (bao gồm giá quặng sắt, than cốc). Bên cạnh đó, HPG trích lập giảm giá hàng tồn kho quý 4/2022 là 433 tỷ đồng và cuối cùng là do hiệu suất vận hành thấp của các nhà máy khiến tăng chi phí khấu hao trên mỗi đơn vị sản xuất.

Cả năm 2022, doanh thu hợp nhất đạt 142.771 tỷ đồng, giảm 8.095 tỷ đồng, tương ứng giảm 5% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ đồng, giảm 26.077 tỷ đồng, tương ứng giảm 76% so với năm 2021.

Năm 2022 là năm đầu tiên sau 10 năm, HPG không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế được Đại hội cổ đông giao. Trong giai đoạn 2012 - 2021, HPG thường xuyên vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế với mức trung bình là 47%.

Khi nào các lò cao của Tập đoàn Hòa Phát sẽ hoạt động trở lại? - Ảnh 1.

Đặc biệt, trước những khó khăn của ngành thép, tháng 11/2022, Hòa Phát đã dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Dung Quất và 2 lò cao ở Hải Dương.

Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn. Dù thị trường đang gặp khó nhưng tồn kho của HPG vẫn ở mức khá cao. Cuối quý 2/2022, hàng tồn kho của HPG tăng vọt lên 57.600 tỷ đồng. Quý 3/2022, HPG lỗ lịch sử 1.800 tỷ đồng, lỗ lớn nhất trong toàn ngành thép.

Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp vừa được công ty chứng khoán VnDirert công bố, VnDirert cho hay, tới thời điểm hiện tại, HPG mới chỉ vận hành trở lại 1/4 lò cao tại Hải Dương từ 27/12/2022. Mặc dù vậy, sản lượng sản xuất của công ty vẫn ghi nhận mức thấp trong 2 tháng đầu năm 2023 với tổng sản lượng chỉ đạt 809 nghìn tấn (giảm 42% so với cùng kỳ).

Thời điểm hiện tại, công ty hiện vẫn còn 3 lò cao đang đóng và chưa có kế hoạch cụ thể cho việc vận hành trở lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu kỳ vọng trong ngắn hạn đối với các sản phẩm thép vẫn thấp.

"Chúng tôi kỳ vọng 3 lò cao còn lại sẽ bắt đầu hoạt động trở lại từ tháng 5/2023 và tăng dần hiệu suất hoạt động lên 90% kể từ tháng 9/2023. Do đó, sản lượng sản xuất thép thô của HPG năm 2023 sẽ đạt 7,16 triệu tấn (giảm 5% so với cùng kỳ), theo dự phóng của chúng tôi", VnDirert thông tin.

Liên quan đến kế hoạch kinh doanh, theo kế hoạch của ban lãnh đạo, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HPG năm 2023 sẽ lần lượt là 150.000 tỷ đồng (tăng 6,1% so với cùng kỳ) và 8.000 tỷ đồng (giảm 5,7% so với cùng kỳ), thấp hơn 42,3% so với dự phóng trước đó của công ty chứng khoán VnDirect.

Kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2022 và chi phí đầu tư lớn trong năm 2023 - 2024 cho Khu liên hợp gang thép Dung Quất giai đoạn 2, HPG cũng sẽ không trả cổ tức tiến mặt trong năm 2023.

Khi nào các lò cao của Tập đoàn Hòa Phát sẽ hoạt động trở lại? - Ảnh 2.

Giá cổ phiếu HPG đã tăng mạnh 67% trong 4 tháng gần nhất, vượt trội so với VnIndex (tăng 12,4%) nhờ giá bán thép tăng và Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế. Kể từ giữa tháng 12/2022, HPG đã có 6 lần điều chỉnh tăng giá bán thép xây dựng, với tổng mức tăng 9,1% (1.360 đồng/kg). Những yếu tố tích cực đó đã tạo điều kiện cho giá cổ phiếu tăng cao. VnDirect cho biết, giá mục tiêu của cổ phiếu này có thể lên đến 24.400 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/3, cổ phiếu HPG dừng lại ở mức 21.200 đồng/cổ phiếu, tăng 0,47% so với phiên trước đó. Đây cũng là phiên thứ 4 liên tiếp HPG tăng giá.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật