Gặp đủ rào cản, doanh nghiệp Đà Nẵng đề xuất tháo gỡ
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước ở Đà Nẵng đồng loạt chỉ ra một số khó khăn, cản trở khi đầu tư và phát triển tại thành phố này, như: Thủ tục đất đai, hạ tầng công nghiệp, nguồn nhân lực, tiếp cận vốn vay…
Nhiều rào cản làm khó doanh nghiệp
Nói với lãnh đạo TP. Đà Nẵng tại chương trình gặp mặt doanh nghiệp xuân Quý Mão 2023 (Ngày 17/2), ông Nakaya Yoichi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng cho rằng, đảm bảo nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp. Vì vậy rất mong các cấp lãnh đạo thành phố xem xét mở rộng các tổ chức giáo dục như vậy hoặc xây dựng nội dung đào tạo đáp ứng nhu cầu của các công ty và tăng cường hợp tác giữa các công ty và tổ chức giáo dục, trường học.
Bên cạnh nguồn lao động, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng cũng nêu những khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai mà công ty đang gặp phải.
"Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư các thiết bị cần thiết để sản xuất các sản phẩm mới, tuy nhiên nếu việc mở rộng sản xuất cứ tiếp tục như hiện tại thì có thể trong tương lai chúng tôi phải đối mặt với vấn đề về không đảm bảo không gian sản xuất", ông Nakaya Yoichi cho hay và mong muốn thành phố xem xét quản lý thích hợp các khu đất chưa sử dụng trong các khu công nghiệp khác để có thể đảm bảo thu hút được đầu tư mới.
Cùng với đó, TP. Đà Nẵng cần tích cực nỗ lực đối ứng khắc phục cơ sở hạ tầng trong toàn thành phố để tạo cho người dân môi trường sống an toàn cũng như đảm bảo sản xuất cho doanh nghiệp.
Ông Nakaya Yoichi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.
Ông Nakaya Yoichi cũng mong muốn TP. Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ, do nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ở công ty phải nhập khẩu từ nước ngoài.
"Song hành với việc Đà Nẵng đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, và ngay tại TP. Đà Nẵng, những doanh nghiệp đầu tư từ nước ngoài mong muốn thành phố nắm bắt hơn nữa nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp và chú trọng hơn nữa vào các hoạt động nhằm phát triển các doanh nghiệp hiện tại cũng như mở rộng ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ", ông Nakaya Yoichi nói.
Trong khi đó, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp thành phố, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với nhiều khó khăn gay gắt, sức khỏe của nhiều doanh nghiệp đã bị hao mòn, nhiều doanh nghiệp đang kiệt sức, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản.
Chưa kể đa số doanh nghiệp của Đà Nẵng là doanh nghiệp siêu nhỏ, vốn ít, chủ yếu dựa vào vốn vay, công nghệ lạc hậu, thiếu mặt bằng, thiếu thông tin, thiếu sự hỗ trợ nhiều mặt, thì khó khăn lại càng gấp bội.
Trước những khó khăn, ông Bình cho rằng, doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng cần được đối xử bình đẳng như các khu vực khác, vì đây là một trong những động lực quan trọng cho đổi mới và tăng trưởng của kinh tế thành phố.
Vì vậy, rất mong thành phố công khai minh bạch các chính sách hỗ trợ, các dự án đầu tư của thành phố để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận, tham gia được.
Doanh nghiệp tham gia sản xuất trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.
Ông Bình cho biết thêm, tình trạng doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cho thấy các điều kiện để vay vốn dường như chưa phù hợp với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
"Vì vậy cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực sự phát huy hiệu quả", ông Bình kiến nghị.
Theo ông Bình, thành phố cũng cần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tác động lớn đến doanh nghiệp và còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng…
"Đà Nẵng tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh, giảm thiểu tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra "điểm nghẽn" cho hoạt động đầu tư", ông Bình nêu.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Vùng miền Trung - CTCP Tập đoàn Mặt trời Sun Group. Ảnh: Thành Vân.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn
Kiến nghị tại chương trình, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Vùng miền Trung - CTCP Tập đoàn Mặt trời Sun Group mong muốn, thành phố có những đề xuất, kiến nghị thiết thực tới các Bộ, ngành Trung ương liên quan tới vấn đề cấp thiết cần sớm nới lỏng chính sách visa theo hướng linh hoạt, cởi mở, thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục để gỡ bỏ rào cản không đáng có trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trải nghiệm dài ngày.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng kỳ vọng thành phố sẽ có những chủ trương, chính sách cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn, cũng như tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục.
"Với các dự án trọng điểm trên địa bàn, mong thành phố chỉ đạo hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cũng như tạo thuận lợi cho quá trình triển khai dự án", ông Bình đề xuất và cho rằng, đây cũng là cách để Đà Nẵng sớm có được những công trình, dịch vụ, hạ tầng đẳng cấp, ấn tượng, xứng tầm vị thế thành phố đáng đến, đáng sống.
Ngày 17/2, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình gặp mặt doanh nghiệp xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Thành Vân.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ cho biết, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cơ sở hạ tầng trọng điểm của thành phố, đặc biệt là cảng Liên Chiểu, mở rộng sân bay Đà Nẵng, đôn đốc các tuyến cao tốc, các tuyến giao thông kết nối vùng… "Chúng tôi thiết nghĩ đây là động lực quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao và thương mại dịch vụ", ông Trị nêu.
Ông Trị cũng đề xuất thành phố cần tập trung mọi nguồn lực để tạo quỹ đất cho doanh nghiệp phát triển. Tiến độ đầu tư các khu công nghiệp và cụm công nghiệp rất chậm, vướng nhiều thủ tục pháp lý.
"Song song với công tác phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, thành phố cần có cơ chế, chính sách thu hút, hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ, phát triển bền vững để làm động lực đầu tàu kéo cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Từ đó làm tăng quy mô nền kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng", ông Trị cho hay.
Tại chương trình, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: "Thành phố cam kết những ý kiến của doanh nghiệp sẽ là tư liệu quan trọng để nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền. Thành phố sẽ đề xuất các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Cũng giống như phương châm trong chống dịch "không để ai bị bỏ lại phía sau", lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để "không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau", tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố".