Vụ Elon Musk mua Twitter: 6 kịch bản có thể xảy ra
Liệu Elon Musk sẽ tiếp tục mua cổ phiếu Twitter, bán ra hết hay tự xây dựng mạng xã hội riêng khi bị từ chối?
Câu hỏi thường trực của những người có nhiều mối quan hệ nhất ở Thung lũng Silicon và Phố Wall thời gian gần đây là Elon Musk sẽ làm gì tiếp theo khi gặp khó với Twitter. Liệu vị tỷ phú này sẽ tiếp tục mua cổ phiếu, bán ra hết hay tất cả chỉ là chơi trò truyền thông?
Ngày 15/4, HĐQT của Twitter cho biết họ đã phê duyệt chiến lược "thuốc độc", một động thái mà các công ty đại chúng sử dụng từ những năm 1980 để bảo vệ mình trước những nhà đầu tư lấn quyền như Musk.
CEO Tesla đề nghị mua lại Twitter với giá 54,2 USD/cổ phiếu, tương đương định giá mạng xã hội này ở khoảng 43 tỷ USD, còn chiến lược "thuốc độc" mà Twitter sử dụng nhằm thể hiện rằng HĐQT nghĩ đó là một lời đề nghị không đủ hấp dẫn. Mức giá mà tỷ phú 50 tuổi đưa ra cao hơn khoảng 38% so với mức giá vào thời điểm mà Musk tiết lộ cổ phần của mình tại Twitter. Tuy nhiên, nó lại thấp hơn gần 1/4 giá trị của mã này hồi tháng 7/2021.
Dựa trên các cuộc trò chuyện với giới phân tích, những người đã và đang làm việc tai Twitter, Forbes đưa ra một số dự đoán về kịch bản có thể xảy ra.
Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Forbes. |
Musk sẽ mua thêm cổ phiếu Twitter
Phát biểu tại một hội nghị TED ngày 14/4, tỷ phú Musk khẳng định mình đã có kế hoạch B đối với Twitter, đồng thời cho biết mức giá 54,2 USD/cổ phiếu là đề nghị tốt nhất và cuối cùng của ông. Điều này có nghĩa là có thể Musk, người giàu nhất thế giới, có thể tiếp tục hạ giá xuống.
Elon Musk sẽ cần phải bán cổ phiếu Tesla hoặc vay một khoản tiền để mua lại Twitter. Ông cho biết đã thuê Morgan Stanley tư vấn cho thương vụ này.
Thực tế, đề xuất của Musk nhận được rất nhiều ủng hộ trên Twitter. Một lượng đáng kể chuyên gia phân tích trên Phố Wall, những người thường xuyên theo dõi giá cổ phiếu của mạng xã hội này, cũng cho rằng đó là một mức giá đề nghị hấp dẫn.
Musk sẽ bán hết cổ phiếu Twitter
Việc Elon Musk ngỏ ý mua lại Twitter có thể là một trò chơi truyền thông. CEO Tesla đã tạo được niềm vui cho bản thân và cổ phiếu Twitter cũng đã tăng giá. Nếu Musk từ từ và thận trọng bán ra số cổ phiếu ông đã mua, có lẽ vị tỷ phú này sẽ lời 500 triệu USD hoặc hơn. Đó cũng là một khoản lợi nhuận không tồi.
Musk sẽ thành lập một đội mua lại Twitter
CEO Tesla có thể hợp tác với một hoặc một số người giàu có khác, hoặc với một người tổ chức như công ty cổ phần. Chia sẻ gánh nặng tài chính theo cách này sẽ giúp Musk không cần bán cổ phiếu Tesla hay vay nợ lớn. Đồng thời, nó cũng sẽ trả lời cho một loạt lời chỉ trích xung quanh lời đề nghị mua Twitter của Musk. Trước đó, nhà đầu tư của Twitter Fred Wilson cho rằng một trong những mạng xã hội đông đảo nhất hành tinh không nên thuộc sở hữu của một người, một lực lượng duy nhất nào đó.
Musk sẽ phải cạnh tranh để mua Twitter nhưng Twitter vẫn không muốn bán mình
Có thể Musk không phải là người duy nhất đề nghị mua lại Twitter trong tương lai gần. Theo New York Post, công ty cổ phần Thoma Bravo của tỷ phú Orlando Bravo đang tích cực xem xét đưa ra lời đề nghị mua lại mạng xã hội này. Twitter cũng từng là mục tiêu của Elliott Management trước khi họ quyết định mua một phần cổ phần vào năm 2019.
Twitter tìm thấy một “hiệp sĩ trắng”
Chiến lược "thuốc độc" là một trong biện pháp phòng thủ phổ biến trước một nhà đầu tư đang muốn kiểm soát công ty. Nhưng có một cách khác, đó là công ty tìm thấy một người mua lại mà họ thích hơn, người đó sẽ giữ nguyên quyền quản lý và quỹ đạo hiện tại của công ty. Điều này có thể xảy ra nếu Musk tiếp tục mua cổ phiếu của Twitter và gây áp lực lên ban lãnh đạo của công ty này. Nó cũng sẽ xảy ra nếu Musk rời đi và một người mua không mong muốn khác lại tới.
Twitter dường như cho rằng việc này sẽ không kết thúc. Đó là lý do sau khi thuê Goldman Sachs cố vấn, họ được cho là lại thuê một ngân hàng khác, là JPMorgan.
Musk tự xây dựng mạng xã hội riêng
Musk có thể cảm thấy mệt mỏi khi đùa giỡn với Twitter nhưng vị tỷ phú này vẫn quyết tâm biến tầm nhìn về tự do ngôn luận của mình thành hiện thực. CEO Tesla từng cho rằng Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác đang đối xử không công bằng đối với các nội dung trên đó. Musk có thể sử dụng số vốn khổng lồ của mình để tạo ra một nền tảng truyền thông xã hội riêng của mình, để cạnh tranh với những đối thủ khác như Truth Social của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất, vì chính Truth Social cũng đang phải vật lộn để xây dựng một đối thủ ngang tầm Twitter ngay từ đầu. Chuyên gia phân tích Ali Mogharabi của Morningstar nói: “Nếu Elon Musk thực sự có thể huy động 43 tỷ USD tiền mặt để mua Twitter, anh ta cũng có thể cân nhắc việc tạo ra một nền tảng truyền thông mới nếu bị từ chối”.