A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lương 3.000 USD từ năm 2000 nhưng tiêu xài hết, tới 30 tuổi vị doanh nhân giật mình rút ra bài học “xương máu” về quản trị tài chính cá nhân

Đi làm với mức lương 3.000 USD từ năm 2000 nhưng với thói quen tiêu xài thoải, sau 2-3 năm ông Lâm Minh Chánh giật mình nhận ra đã quá phí phạm.

Tự do tài chính là cụm từ hot trong vài năm gần đây với giới trẻ. Đây là trạng thái mà con người có đủ tiền để trang trải cuộc sống hay đưa ra những quyết định và lựa chọn mà không phải đắn đo đến tác động về mặt tài chính. Tự do tài chính không phụ thuộc vào thời gian, độ tuổi hay trí thông minh của bạn. Tự do tài chính phụ thuộc vào năng lực làm chủ và kiểm soát sức khỏe tài chính của bạn. Theo một cách hiểu khác, tự do tài chính là trạng thái khi bạn thoát khỏi nỗi lo lắng về tiền bạc.

Là người nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính cá nhân thế nhưng mới đây chuyên gia Lâm Minh Chánh bất ngờ chia sẻ thời trẻ mình không hề có ý thức về quản lý hay tự do tài chính.

Với tôi dùng từ “xương máu” thì hơi quá nhưng mà mình có kinh nghiệm trong chuyện này nên mình rất tâm huyết về tài chính cá nhân. Tôi có thời gian từ năm 1994 làm cho hãng Kodak. Pepsi, Cocacola, Kodak là những hãng lớn vào Việt Nam sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận. Tôi làm trưởng phòng kinh doanh Kodak từ 1994-1997. Lương gần 1000 USD. Đây là con số khủng tại thời điểm đấy. Thế nhưng tôi xài hết. Mình cảm thấy thoải mái quá và xài hết”, ông Chánh chia sẻ trong talkshow Tự do tài chính số 7 mới đây trên VTV.

Sau khi làm cho Kodak, ông Chánh đi du học và khi về làm việc cho AIA và được trả lương ròng tới 1000 USD. Về sau khi lương tăng, thuế thu nhập cá nhân giảm, tiền lương của ông Chánh tăng lên rõ rệt. Giai đoạn năm 2001-2002, ông đã có mức lương khủng hơn 2000 USD. Thế nhưng lương tăng, các khoản chi tiêu cũng tăng theo từ mua sắm xe, lo cho gia đình, con cái.

Hồi đó tôi chơi chung với nhóm doanh nhân 2030 của báo Kinh tế Sài Gòn. Hồi đó các bạn mới khởi nghiệp các bạn còn xài căn ke hơn mình. Tôi đi làm công tháng dư ra 3000 USD luôn. Tôi tiêu xài rất thoải mái cuối cùng mới nhận ra làm 2-3 năm không thấy dư ra bao nhiêu. Tôi giật mình nhận ra đã quá phí phạm. Năm đấy là năm hơn 30 tuổi. Điều này buộc tôi phải chấn chỉnh lại rồi dần dần mới dư được tiền”, ông Chánh chia sẻ.

Điều khiến ông Chánh giật mình nhất là có những người bạn kiếm tiền không bằng mình nhưng sau vài năm họ lại giàu hơn mình.

Việc đầu tiên mà ông Chánh làm là xem xét lại tất cả những khoản chi tiêu thì nhận ra quá nhiều thứ không cần thiết, không chi cũng chả chết ai.

Lương 3.000 USD từ năm 2000 nhưng sau 2-3 năm, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh giật mình khi thua bạn kém bè bởi một điều - Ảnh 1.

 

Lập kế hoạch tài chính cá nhân như thế nào?

Từ chia sẻ của ông Chánh, nhiều người đặt câu hỏi liệu nên bắt đầu lập kế hoạch tài chính cá nhân như thế nào để không rơi vào tình huống như trên?

Theo chuyên gia tài chính Long Phan, điều đầu tiên cần lưu ý là mỗi cá nhân sẽ có một kế hoạch tài chính khác nhau. Việc đầu tiên mà rất nhiều người ít khi thực hiện đó là xác định mỗi người chúng ta là ai trong phần kế hoạch đó. Hay nói một cách chuyên nghiệp hơn là xác định khẩu vị rủi ro, hồ sơ rủi ro.

Bạn cần biết rõ mình là kiểu người nào: Thích phiêu lưu, rủi ro tài chính hay bình thường, trung tính hay là người căn ke. Mỗi người là khác nhau nên hồ sơ rủi ro khác nhau. Từ đây sẽ phân loại ra những kế hoạch khác nhau phù hợp với khẩu vị rủi ro riêng.

Bước tiếp theo cần làm là xây dựng chính sách cho tài chính cá nhân và xây ra kế hoạch tài chính gồm có bảng cân đối về dòng tiền, bảng cân đối tài sản. Từ đây xác định ra được tài sản ròng bằng hiệu giữa tài sản và nợ của một người. Ví dụ một người đi mua nhà trả góp thì tải sản này được hình thành từ một khoản nợ phải trả.

Tôi đã gặp rất nhiều người đi xe xịn ở nhà sang nhưng nợ nhiều hơn. Giới trẻ có từ “nghèo sang chảnh”. Họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Họ thích ở khu đô thị hạng sang, cho con học trường quốc tế nhưng dòng tiền đến từ nợ, đến khi biến cố như Covid-19 xảy ra sẽ khiến họ mất cân đối thu chi”, ông Long chia sẻ thêm.

Bổ sung cho quan điểm của ông Long Phan, chuyên gia Lâm Minh Chánh cho rằng để cân đối thu nhập, cách đơn giản nhất là chúng ta phải kiếm tiền nhiều hơn mức chúng ta tiêu xài. Nhất là người trẻ, cần gắng tăng lương. Nếu không tăng lương được thì phải kiếm thêm công việc. Rất nhiều người trẻ dễ hài lòng với mức thu nhập khi vừa đi làm vài năm trong khi tại các nước phát triển họ làm việc rất chăm chỉ.

Kiếm tiền xong rồi đến tiêu xài, ông Chánh khuyên chúng ta nên theo phương châm của Warren Buffett “tiết kiệm trước khi tiêu xài”. Và chúng ta chỉ nên tiêu xài những gì chúng ta cần thiết và tránh mất tiền vì vay tiêu dùng. Đối với những khoản tích lũy được thì phải đầu tư, tiền phải tăng lên được. Tự do tài chính cũng nhờ từ đầu tư mà ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật