A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giám đốc điều hành Do Ventures - Lê Hoàng Uyên Vy: “Sẽ luôn có những áp lực nếu mục tiêu cao nhất của bạn không đơn thuần là làm giàu”

“Tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ là người giải những bài toán còn bỏ ngỏ của thị trường và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội,” Uyên Vy chia sẻ.

Lê Hoàng Uyên Vy, sinh năm 1987, có lẽ không phải là cái tên xa lạ với giới startup Việt Nam. Uyên Vy được coi là nữ cường nhân trong lĩnh vực này cùng sự nghiệp luôn gắn liền với các vị trí quản lý cao cấp tại doanh nghiệp lớn hoặc làm chủ chính doanh nghiệp của mình. Năm 13 tuổi, Uyên Vy lập công ty đầu tiên, 21 tuổi sáng lập sàn TMĐT đầu tiên, 27 tuổi trở thành CEO Adayroi, 31 tuổi trở thành Giám đốc điều hành của quỹ ESP Capital…

Năm 2020, Lê Hoàng Uyên Vy cùng Shark Dzung đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm riêng mang tên Do Ventures. Quỹ này tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ giai đoạn đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á, với quy mô vốn 50 triệu USD. Hiện tại, Uyên Vy đang giữ chức vụ Giám đốc quỹ đầu tư Do Ventures.

Cùng trò chuyện với nữ Giám đốc trẻ tuổi giỏi giang này để hiểu hơn chặng đường đầu tư Uyên Vy đã đi qua. Đồng thời, lắng nghe những chia sẻ về câu chuyện kiếm tiền đầu tư của thế hệ bây giờ!

Giám đốc điều hành Do Ventures - Lê Hoàng Uyên Vy: “Sẽ luôn có những áp lực nếu mục tiêu cao nhất của bạn không đơn thuần là làm giàu” - Ảnh 1.

Xin chào chị Uyên Vy,

Đối với chị, sự kiên định đóng vai trò bao nhiêu phần trăm trong thành công của một người trẻ làm startup? Chị đã thể hiện điều đó như thế nào trong từng chặng đường mà mình đã đi qua?

Đầu tiên, tôi nghĩ rằng kiên định là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của những người làm startup. Cũng chính vì vậy, Do Ventures lựa chọn triết lý hoạt động là “Grow by doing”. Chúng tôi tin rằng khi kiên định làm một điều gì đó, thậm chí không ngại thử đi thử lại, các nhà sáng lập sẽ có nhiều cơ hội tìm ra công thức riêng cho bản thân để hướng tới sự thành công và sớm vượt lên dẫn đầu.

Hơn thế nữa, công ty startup thường bắt đầu ở những thị trường ngách chưa có nhiều người khám phá. Do đó, họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro. Nếu không kiên định, khả năng cao là họ khó có thể đi đến cuối hành trình và tạo ra những sản phẩm có tính đột phá mà vẫn phù hợp với nhu cầu thị trường được.

Nhớ lại, tôi đã bắt đầu tham gia lĩnh vực đầu tư mạo hiểm từ những năm 2017. Khi đó, thị trường Việt Nam còn rất mới, rộng mở những cơ hội, nhưng cũng chứa nhiều thử thách. Mục tiêu lúc đấy của tôi là giúp các startup xây dựng được sản phẩm công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn tới xã hội. Tất nhiên, cho đến bây giờ tôi vẫn đang kiên định trên hành trình đó.

Thật ra, trong quá trình gặp gỡ các startup, tôi cũng chứng kiến nhiều câu chuyện founder khởi nghiệp và thất bại nhiều lần, nhưng họ vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm mới. Đơn cử như Thống Lê Anh Tuấn, founder của công ty Selly mà chúng tôi mới đầu tư gần đây. Tuấn bắt đầu khởi nghiệp từ đầu những năm 20 tuổi với nhiều sản phẩm công nghệ khác nhau.

Selly là công ty thứ 4 của Tuấn, hiện đã có được những thành công ban đầu khi giúp cho hàng trăm ngàn người Việt Nam kiếm thêm thu nhập. Tôi nghĩ rằng Tuấn là một trong những founder kiên định nhất tôi từng có cơ hội làm việc. Tôi cũng tin rằng với sự kiên trì, bền bỉ, làm tới cùng thì Tuấn sẽ dẫn dắt Selly trở thành công ty dẫn đầu ở lĩnh vực social commerce (thương mại xã hội) trong tương lai gần.

Chị nói rằng bản thân mình đã tham gia lĩnh vực đầu tư mạo hiểm từ khá sớm. Vậy tại sao chị lại chọn đầu quân cho 1 công ty thiên về đầu tư? Đặc biệt khi chị biết rằng nó khá rủi ro vì Do Ventures đa phần đầu tư vào startup?

Cũng như đã nói ở trên, tôi thích lĩnh vực công nghệ và cũng tin rằng tương lai sẽ tập trung vào lĩnh vực này. Hơn thế nữa, các công ty công nghệ sẽ là động lực cho tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế. Do vậy, tôi chọn hoạt động trong mảng đầu tư để góp sức mình trong quá trình thúc đẩy sự phát triển startup Việt Nam.

Do Ventures tập trung vào các công ty ở giai đoạn đầu bởi chúng tôi nhận thấy đây là giai đoạn nền tảng cho sự thành bại của một công ty. Các quỹ đầu tư nội địa ở Việt Nam chưa nhiều, trong khi các quỹ nước ngoài thường không rót nhiều vốn vào các công ty giai đoạn đầu. Mặt khác, giai đoạn sơ khởi chính là lúc các startup cần hỗ trợ nhiều nhất cả về tài chính lẫn chuyên môn, sự có mặt của một quỹ nội như Do Ventures tại thời điểm này càng trở nên ý nghĩa.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy mình có nhiều lợi thế, chẳng hạn địa lý, am hiểu sâu sắc thị trường nội địa, cũng như mạng lưới đối tác rộng lớn trong nước.

Ai là người thầy đầu tiên trong lĩnh vực tài chính của chị? Có bài học nào từ người thầy đó cho đến bây giờ chị vẫn có thể áp dụng trong công việc lẫn cuộc sống?

Khi còn trong trường đại học, tôi may mắn được đào tạo kiến thức tài chính chính quy từ các thầy cô chuyên môn cao. Hơn nữa, họ đều là những người có kinh nghiệm thực chiến, ví dụ như quản lý quỹ của các ngân hàng lớn. Do đó, có thể thấy tôi có rất nhiều người thầy quan trọng và cũng học được nhiều điều từ họ trong suốt quá trình học và làm việc.

Tôi luôn quan niệm rằng nên học ở tất cả mọi nơi, học với tất cả mọi người. Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã có được bài học tôi cho rằng là lớn nhất cuộc đời mình. Đó là khi đầu tư cần hiểu bản chất và vận dụng các kiến thức nền tảng. Không nên chỉ dựa vào những thông tin nghe ngóng được trên thị trường hay theo ngôn ngữ hiện nay là “phím hàng” để đưa ra quyết định đầu tư.

Giám đốc điều hành Do Ventures - Lê Hoàng Uyên Vy: “Sẽ luôn có những áp lực nếu mục tiêu cao nhất của bạn không đơn thuần là làm giàu” - Ảnh 2.

Đầu tư vào startup khá rủi ro, do vậy các quỹ như Do Ventures làm gì để giảm thiểu tối đa khả năng mất tiền? Và bản thân chị thường hay mất tiền nhất là vào việc gì?

Đầu tư sẽ luôn đi kèm rủi ro. Tuy nhiên, khi đầu tư ở giai đoạn sớm, chúng tôi có thể chủ động tạo ra tác động để mang lại nhiều giá trị cho công ty. Chúng tôi giảm thiểu rủi ro bằng cách dành toàn bộ nguồn lực để hỗ trợ công ty đạt được thành công.

Còn về cá nhân, trước khi làm quỹ đầu tư, tôi từng đầu tư cá nhân vào một số sản phẩm công nghệ giai đoạn đầu, trong đó có những sản phẩm không thành công và tôi chấp nhận rủi ro. Ngược lại tôi cũng có những khoản đầu tư tương đối thành công, ví dụ như ELSA.

Theo chị, nền tảng gia đình có thật sự ảnh hưởng đến mong muốn hay động lực làm giàu của một người không?

Theo tôi, làm giàu, hay nói cách khác là mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, là nhu cầu tự nhiên của mỗi người. Song, rất khó để nói rằng hay có một công thức tuyệt đối nào để liên hệ giữa động lực làm giàu và nền tảng gia đình. Tôi quan sát thấy nhiều bạn trẻ có ý chí rất mạnh mẽ, đó mới là động lực xây dựng sự nghiệp của họ thay vì nền tảng gia đình.

Giám đốc điều hành Do Ventures - Lê Hoàng Uyên Vy: “Sẽ luôn có những áp lực nếu mục tiêu cao nhất của bạn không đơn thuần là làm giàu” - Ảnh 3.

Nhiều người cho rằng, khi “sinh ra ở vạch đích”, những bạn trẻ sẽ thường không cần cố gắng nữa. Song tôi đã từng gặp gỡ các bạn nhà có điều kiện nhưng vẫn chịu nhiều áp lực để tự lập kiếm tiền chứ không phụ thuộc vào gia đình. Vì vậy tôi cho rằng ảnh hưởng gia đình không quá lớn, yếu tố quyết định là ở ý chí và quyết tâm của mỗi cá nhân.

Ngày nay, vẫn có những áp lực về tiền đổ lên vai những người đã có nhiều tiền, chị có thấy như vậy không? Với bản thân chị thì sao? Và với những người chị đã quan sát thấy thì thế nào?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, áp lực không phải hoàn toàn mang nghĩa tiêu cực. Việc đặt ra thử thách cho bản thân là lẽ tự nhiên. Đối với những người thành công, tôi quan sát thấy họ sẽ liên tục đặt ra những mục tiêu cao hơn để tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội. Vì vậy sẽ luôn có những áp lực mới nếu mục tiêu cao nhất của bạn là tạo ra giá trị chứ không đơn thuần là làm giàu.

Trên cương vị là một người thành công từ rất sớm, chị có cảm xúc như thế nào khi trở thành giám khảo 1 cuộc thi về kiếm tiền ở tuổi 20?

Tôi cho rằng việc được tiếp cận kiến thức về quản lý tài chính từ giai đoạn sớm trong đời là điều rất có lợi cho các bạn trẻ. Càng bắt đầu sớm với nền tảng vững chắc, các bạn càng có nhiều cơ hội để xây dựng một kế hoạch tài chính bền vững cho mình.

Chính vì vậy, tôi rất hứng khởi khi tham gia với vai trò giám khảo của cuộc thi “Làm giàu tuổi 20”, nơi tôi có sẽ cơ hội lắng nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về hành trình tạo ra giá trị của các bạn trẻ.

Hơn thế nữa, tôi thấy rằng, với nền giáo dục tốt hơn và cơ hội tiếp cận rộng mở với thế giới, các bạn trẻ hiện nay có tư duy rất nhạy bén và có rất nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo. Tôi hy vọng các bạn sẽ tận dụng những tố chất đó để giải những bài toán còn bỏ ngỏ của thị trường và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

Chị kỳ vọng cuộc thi sẽ kiến tạo được điều gì trong tinh thần làm giàu không giới hạn tuổi tác của người trẻ?

Tôi hy vọng cuộc thi sẽ mang lại những kiến thức bổ ích về đầu tư cho các bạn trẻ, từ đó khơi dậy tinh thần tạo ra giá trị không chỉ cho bản thân mà cho cả xã hội.

Giám đốc điều hành Do Ventures - Lê Hoàng Uyên Vy: “Sẽ luôn có những áp lực nếu mục tiêu cao nhất của bạn không đơn thuần là làm giàu” - Ảnh 4.

Mỗi thời có một cách kiếm tiền và tiêu tiền khác nhau, chị có nhận thấy sự khác biệt đó qua những trải nghiệm sống và làm việc của mình?

Đối với các thế hệ trước, họ thường chú trọng vào việc tích lũy để đảm bảo sự ổn định. Thế hệ ngày nay chúng ta có xu hướng chấp nhận rủi ro và chủ động tham gia các hình thức đầu tư. Tôi nghĩ đầu tư để tạo giá trị thặng dư là một điều tốt khi nó được thực hiện với hiểu biết bài bản.

Để 1 câu chuyện kiếm tiền của ai đó thuyết phục chị, đó phải là một hành trình đi lên hàm chứa những yếu tố như thế nào?

Tôi nghĩ rằng, một hành trình ý nghĩa là khi bạn cảm thấy mình thành công trên cả hành trình đó. Do đó, thay vì chỉ nhìn vào kết quả hiện tại, tôi muốn hiểu bạn đã vượt qua những khó khăn hoặc thất bại gì. Đồng thời, những trải nghiệm đó đã dạy cho bạn bài học nào để có được ngày hôm nay.

Cảm ơn chị vì những chia sẻ!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật