“Cơ duyên” đã thay đổi sự nghiệp của nữ nhà đầu tư F0
Sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán đang thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đây, xu thế “tự do tài chính”, “thu nhập thụ động” đã trở thành mục tiêu và động lực đầu tư. Thậm chí, có không ít nhà đầu tư coi đây là một công việc nghiêm túc, là sự nghiệp để theo đuổi.
"Tôi đã có tới 11 năm làm việc trong ngành viễn thông nhưng sau 2 năm đầu tư chứng khoán, tôi quyết định nghỉ hẳn việc để toàn tâm cho việc đầu tư" - Đó là quyết định táo bạo được chị Nguyễn Thị Thu Huyền (Hà Nội) chia sẻ. Đến với chứng khoán một cách tính cờ, nhưng ở lại cùng thị trường là cơ duyên. Chị Huyền nhận mình là một Nhà đầu tư F0 ham học. "Tôi bắt đầu tham gia đầu tư chứng khoán và học hỏi rất nhiều về thị trường, về các phương pháp phân tích, về quản trị rủi ro…. Lúc đó, tôi nhớ mình thường xuyên đưa câu hỏi tới môi giới. Thật may, môi giới của tôi đã không cảm thấy kỳ lạ, rằng tại sao một nhà đầu tư chứng khoán mới lại có thể thắc mắc nhiều về thị trường thế giới, về vĩ mô, về ngành, về dòng tiền… đến như thế. Chị môi giới kiên trì trả lời tôi mỗi ngày không dưới 20 câu hỏi, và chính vì sự kiên nhẫn ấy, tôi đã trở thành… nhân viên của chị. Tôi chính thức chuyển nghề là một môi giới chứng khoán sau khoảng nửa năm nghỉ công việc cũ".
Trái ngược với suy nghĩ của xã hội, phụ nữ có khả năng đem lại lợi nhuận khi đầu tư chứng khoán ngang bằng và thậm chí là hơn đàn ông nhờ khả năng quản trị rủi ro tốt. Tỉ lệ nhà đầu tư nữ tham gia chứng khoán tại Việt Nam cũng không hề nhỏ. Tại SSI, một trong những công ty chứng khoán lớn nhất trong ngành và cũng là nơi làm việc hiện nay của chị Huyền, tỷ lệ nhân viên môi giới nữ là xấp xỉ nam môi giới, môi trường đảm bảo sự công bằng, tạo điều kiện để bất kỳ ai có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình. Có thể nói thế giới tài chính rất bình đẳng khi con số lợi nhuận nói lên tất cả.
"Nhiều người băn khoăn nên nghỉ việc để đầu tư chứng khoán hay không, còn với tôi, chứng khoán lại cho tôi một công việc" – Chị Huyền nói. Đây được xem là một quyết định táo bạo và mang phần mạo hiểm với nhiều người bởi nghề chứng khoán xưa nay vẫn không phải đất của những "tay mơ". Đó là chưa kể, khi là một Nhà đầu tư, chị sẽ chịu trách nhiệm cho tài sản của mình nhưng khi là một môi giới, chị cần phải quản lý tài sản cho nhiều khách hàng khác. Để thành công trong đầu tư, phái đẹp cũng cần có định hướng, quyết tâm và sự kiên trì học hỏi và thực chiến.
"Lúc chuyển nghề tôi cũng khá hồi hộp vì cũng 36, 37 tuổi. Tôi là mẹ của hai đứa con nhỏ, gia đình tự lo, tự lập. Bỏ hẳn công việc ổn định sang lĩnh vực mới đúng là mạo hiểm thật. Nhưng tôi đã tìm hiểu và học hỏi ở thị trường một thời gian, có nền tảng. Quan trọng nữa là tôi rất sẵn sàng để học hỏi và thi cử cho lĩnh vực mới (cười). Tôi cũng nghĩ thế mạnh của mình chính là đã từng là một khách hàng. Tôi hiểu được mong muốn, nhu cầu và cả tâm lý của nhà đầu tư khi bước chân vào thị trường này. Tôi cũng có sự hậu thuẫn từ gia đình, sự dẫn dắt từ những người đồng nghiệp đi trước, sự hỗ trợ tạo điêu kiện từ công ty, nên dù khó, tôi càng quyết tâm và nỗ lực" – chị Huyền chia sẻ.
Phụ nữ trong ngành chứng khoán: Thông minh, tự tin, quyết đoán
Trên đây là một trong số rất nhiều những câu chuyện về nhà đầu tư nữ khi đến với chứng khoán. Cái nhìn thấy rõ nhất ở những người như chị Huyền đấy là một mục tiêu rõ ràng và có sự kiên trì, nỗ lực. Còn với những người trẻ, những người mới, dù là nam hay là nữ, biết đến kênh chứng khoán khi thị trường bùng nổ, hay những sinh viên mới ra trường tạm công tác tại một công ty nào đó, việc nghỉ hẳn công việc đang làm sang đầu tư chứng khoán, chưa nói đến làm việc trong thị trường vẫn là một câu hỏi lớn.
Được đặt câu hỏi trên, chị Huyền nêu quan điểm "Việc đổi nghề theo mọi người nói, xúi, lôi kéo, hô hào mà mình chưa làm thực tế thì không nên thay đổi. Còn thực tế mình đã trải qua thì nên thay đổi. Bởi khi cánh cửa này đóng lại thì sẽ có rất nhiều cánh cửa khác tốt hơn mở ra".
Luôn là vậy, thị trường chứng khoán song hành cơ hội và rủi ro. Sẽ có những nhà đầu tư thành công, gia tăng tài sản thậm chí xây dựng cơ ngơi sự nghiệp từ thị trường, nhưng vẫn phải nói rằng những góc khuất, những thương vụ thua lỗ cũng luôn rình rập. Thực tế cho thấy, không phải mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên những trải nghiệm và sự suy xét thấu đáo. Mang cách hiểu lệch lạc, "tự do tài chính" hay "thu nhập thụ động" từ kênh chứng khoán khiến nhiều người lầm tưởng "màu hồng" về kênh đầu tư này. Hơn thế nữa, một bộ phận có ý nghĩ "nghỉ hưu non" nhờ đầu tư chứng khoán dù chưa xét đến quy mô vốn đầu tư bởi họ cho rằng tài sản có thể tăng theo cấp số nhân chỉ trong ngắn hạn.
Còn với người phụ nữ trên – một người đã trải nghiệm, tự do tài chính lại là một thuật ngữ hết sức đơn giản. "Tự do tài chính là mình tự quản lý tài chính của mình, trong đầu tư mình quản lý được những rủi ro của mình".
Thành công trong hành trình đầu tư không hề dễ dàng khi nó đòi hỏi từ người tham gia cả kiến thức, thời gian và tâm lý vững vàng, khả năng nắm bắt cơ hội. Phụ nữ đầu tư sẽ có cái nhìn khách quan hơn về tiền bạc, chủ động tài chính hơn, từ đó cũng có nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống.
Như trải lòng của nữ môi giới SSI trên, cánh cửa khác đóng lại thì cánh cửa khác cũng mở ra. "Nghề chứng khoán bây giờ cũng nhiều cơ hội, thị trường sẽ được nâng hạng lên, các quỹ đầu tư nước ngoài vào nên mình sẽ cố gắng tận dụng và khai thác cho hết". Chị là điển hình cho một người phụ nữ hiện đại không ngại đầu tư, học hỏi và chinh phục những thử thách để có cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn.
https://cafef.vn/co-duyen-da-thay-doi-su-nghiep-cua-nu-nha-dau-tu-f0-20220305165713846.chn