A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng cho một sân chơi lớn và bình đẳng

Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam nên được nâng cấp lên nền kinh tế thị trường vì đã đáp ứng 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để đánh giá liệu một quốc gia có nền kinh tế định hướng thị trường hay không.

Xin nhắc lại câu nói của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Ted Osius - người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN: “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được công nhận quy chế chính thức”.

Không chỉ là những tuyên bố, mà cần xét từ thực tế, đó là các tập đoàn lớn của các quốc gia Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Những tập đoàn này đã nghiên cứu rất kỹ về môi trường đầu tư, trong đó là hệ thống pháp luật, quan hệ lao động, bộ máy hành chính..., đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, thông lệ quốc tế, họ mới tin cậy để bỏ vốn hàng tỉ USD. Intel, Samsung, Nike... là những thương hiệu lớn đã có mặt ở Việt Nam từ nhiều năm nay.

Các tập đoàn đã đứng chân sẽ tiếp tục bỏ vốn, nhiều tập đoàn khác chuẩn bị vào Việt Nam, đó là câu trả lời cho một môi trường đầu tư lành mạnh, của một quốc gia ổn định, an ninh, an toàn.

Việt Nam - Mỹ là Đối tác chiến lược toàn diện thì lợi ích của việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam, mà cho doanh nghiệp và người dân của hai quốc gia. Cần phải có cái nhìn sòng phẳng như vậy, và đó là lý do vì sao có nhiều tiếng nói ủng hộ Việt Nam là nền kinh tế thị trường từ các tổ chức uy tín của Mỹ như Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA), Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI), Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ (NASDA), Hiệp hội Dệt may và da giày Mỹ (AAFA)...

Về phía Việt Nam, đây là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước có một sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp các nước, cạnh tranh công bằng, khác với sự ứng xử đối với doanh nghiệp của một quốc gia có nền kinh tế phí thị trường. Lúc đó, nếu có năng lực thực sự, doanh nghiệp sẽ phát triển, hàng hóa xuất khẩu thêm lợi thế. Nhưng khi đã chơi ở sân lớn, không thể đá theo cách "làng, xã", phải chấp nhận luật lệ của quốc tế và chất lượng hàng hóa tiêu chuẩn khắt khe.

Dù xét ở góc độ nào, khi Việt Nam được nâng cấp lên nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp trong nước sẽ có bước trưởng thành hơn với nhiều cơ hội mới mở ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan