A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp thuộc diện thu hút đầu tư chi hơn 320 tỉ đồng đang sa lầy ở Đắk Lắk

Đắk Lắk - UBND tỉnh mời gọi đầu tư nhà máy nước nhưng sau đó lại bỏ bê, không khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khiến doanh nghiệp lâm cảnh nợ nần.

Doanh nghiệp thuộc diện thu hút đầu tư chi hơn 320 tỉ đồng đang sa lầy ở Đắk Lắk

Dự án cấp nước ở huyện Cư Kuin và bổ trợ nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) dự kiến sẽ tạm dừng hoạt động do khó khăn về tài chính. Ảnh: Bảo Trung

Doanh nghiệp điêu đứng

Hơn 10 năm trước, người dân ở huyện Cư Kuin và một số khu vực tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, cuộc sống hết sức khó khăn.

Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã mời gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy để cung cấp nước sạch cho người dân.

Năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cấp nước liên xã huyện Cư Kuin. Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư với tổng số tiền đến nay đã chi hơn 320 tỉ đồng.

Mục tiêu của dự án bổ trợ nguồn nước sinh hoạt (dẫn bằng đường ống) cho thành phố Buôn Ma Thuột, với công suất 15.000 m³/ngày.

Trước khi triển khai dự án, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk có nhiều buổi họp, kết luận bằng văn bản chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk (lúc đó chưa cổ phần hóa - PV) ký hợp đồng mua nước.

Đây là căn cứ để ngân hàng giải ngân cho doanh nghiệp vay vốn để triển khai dự án. Năm 2018, hai bên chính thức ký hợp đồng mua bán nước với khối lượng 15.000m3/ngày. Tháng 4.2019, dự án này chính thức hoàn thành và vận hành đi vào hoạt động.

Thế nhưng, bi kịch cũng đã bắt đầu với Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột. Trước hết, trong năm 2019, Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cổ phần hóa lấy tên là Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk (Dakwaco). Theo tỉ lệ cổ phần hóa Nhà nước chỉ nắm 36% cổ phần, khối tư nhân sở hữu hơn 58%.

Sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp này không thực hiện theo hợp đồng đã được ký kết. Năm 2019, trung bình Dakwaco mua của đối tác 1.277m3/ngày, chiếm tỉ lệ 9% so với khối lượng ký kết trong hợp đồng; năm 2020, giảm còn 1.229m3/ngày, chiếm tỉ lệ 8%; năm 2021, giảm tiếp còn 220m3/ngày, chiếm tỉ lệ 1%; năm 2022 là 198m3/ngày, chiếm tỉ lệ 1%; năm 2023 là 156m3/ngày, chiếm tỉ lệ 1%; năm 2024 là 125m3/ngày, chiếm tỉ lệ 0,84%.

Sau nhiều năm mua với số lượng nhỏ giọt, đến đầu năm 2025, Dakwaco dừng mua nước từ đối tác trong khi hợp đồng giữa hai bên có thời hạn đến năm 2043.

Dakwaco mua nước từ  . Ảnh biểu đồ: Bảo Trung

Biểu đồ: Bảo Trung

Ông Lê Quốc Nam - Giám đốc Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột - cho biết: "Chúng tôi đang cấp nước cho hơn 2.700 hộ dân tại huyện Cư Kuin. Đầu năm 2025, việc Dakwaco dừng mua nước để cấp cho người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột làm cho việc kinh doanh của chúng tôi lao dốc, nợ nần chồng chất".

"Vì quá khó khăn chúng tôi buộc phải gửi văn bản cho cấp có thẩm quyền đề nghị dừng cấp nước cho người dân địa bàn huyện Cư Kuin. Nếu UBND tỉnh không có biện pháp giải quyết triệt để, doanh nghiệp buộc phải tạm dừng cấp nước vì thu không đủ chi", ông Nam nói thêm.

Đã hơn 30 năm sinh sống ở địa phương, ông Nguyễn Văn Tâm (huyện Cư Kuin) cho biết, nghe tin doanh nghiệp cấp nước sắp dừng hoạt động, bà con trong khu vực rất hoang mang. Nếu công ty không tiếp tục hoạt động người dân chúng tôi sẽ rất khó có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng.

Dự án cấp nước liên xã huyện Cư Kuin và bổ trợ nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Buôn Ma Thuột hoạt động chưa hết công suất. Ảnh: Bảo Trung

Dự án cấp nước liên xã huyện Cư Kuin và bổ trợ nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Buôn Ma Thuột hoạt động chưa hết công suất. Ảnh: Bảo Trung

4 tháng, vẫn chưa có cuộc họp nào gỡ khó cho doanh nghiệp

Tháng 1.2025, Sở Tài chính đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk tham mưu phương án xử lý kiến nghị của Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột.

Theo đó, Sở Tài chính đề nghị UBND tỉnh chủ trì tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các bên liên quan để xem xét, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp hoặc đề nghị Công ty TNHH cấp nước Buôn Ma Thuột khởi kiện ra tòa án theo quy định.

Tuy nhiên đã hơn 4 tháng trôi qua, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa tổ chức cuộc họp nào theo đề nghị của Sở Tài chính.

Đối với dự án này, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) tham gia với tư cách là nhà tài trợ vốn lên đến 220 tỉ đồng. Trong đó, vốn của Vietcombank Gia Định (TPHCM) 143 tỉ đồng và Vietcombank Đắk Lắk 77 tỉ đồng.

Trung tuần tháng 4.2025, Vietcombank Gia Định đã gửi văn bản kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà Công ty TNHH cấp nước Buôn Ma Thuột đang gặp phải.

Qua đó, đảm bảo phương án tài chính của dự án đầu tư, tránh ảnh hưởng đến an ninh về nguồn nước. "Vì tính chất cấp bách của tình trạng thanh toán nợ vay của doanh nghiệp cũng như tránh thất thoát vốn của Nhà nước, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ từ UBND tỉnh Đắk Lắk", văn bản nêu rõ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Công Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định: "UBND tỉnh sẽ họp bàn, tập trung giải quyết vấn đề này".

Như Lao Động đã thông tin, rất nhiều người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột đang thiếu nước sạch trong mùa khô.

Trong khi đó, dự án cấp nước liên xã huyện Cư Kuin và bổ trợ nguồn nước sinh hoạt (dẫn bằng đường ống) cho thành phố Buôn Ma Thuột chỉ vận hành 15-20% công suất là gây lãng phí lớn.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại ông Đỗ Hoàng Phúc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dakwaco - quả quyết rằng: "Doanh nghiệp đã đủ nguồn nước để cung cấp cho người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột".

"Chúng tôi không cần phải mua thêm nước từ Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột. Nếu thấy công ty vi phạm hợp đồng thì Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột có thể khởi kiện" - ông Đỗ Hoàng Phúc quả quyết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật