Doanh nghiệp cần điều chỉnh tăng lương cơ bản để thu hút lao động
Hiện nay, mức lương cơ bản của doanh nghiệp ở Bình Dương trả cho người lao động đa số cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, mức lương cơ bản vẫn còn thấp so với mức sống ở Bình Dương. Trong bối cảnh khó tuyển dụng lao động, doanh nghiệp cần tiếp tục điều chỉnh lương thì mới mong tuyển dụng và giữ chân được lao động.
Cần tăng lương để thu hút lao động
Ngày 30.6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng (từ Vùng 4 đến Vùng 1).
Tại Bình Dương, đã 2 năm rồi mới có một đợt điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng, bắt đầu tháng 7.2022 thì mức lương tối thiểu vùng I ở Bình Dương là 4,68 triệu đồng. Theo quy định mới, khi tăng 6% thì mỗi tháng người lao động được thêm khoảng 200.000-300.000 đồng/tháng. Tiền giờ tăng ca của người lao động cũng được tăng thêm, khi áp dụng mức lương mới.
Theo ông Trần Ngọc Lương - Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng lao động Đức Lương, mức tăng lương đợt này không đáng kể ở Bình Dương, vì trượt giá trong 2 năm qua đã quá 6%. Hầu hết các doanh nghiệp ở Bình Dương đã trả cao hơn mức quy định lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu vùng cũng sẽ tác động tích cực lên mức đóng BHXH cho người lao động.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp điều chỉnh thì công nhân lao động có thu nhập thêm từ 200.000-300.000 đồng/tháng lương cơ bản, nếu có tăng ca cũng được tăng thêm chút đỉnh.
“Trong bối cảnh khan hiếm lao động hiện nay ở Bình Dương, doanh nghiệp bắt buộc phải điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, tăng lương cơ bản. Doanh nghiệp trả lương thấp sẽ không tuyển dụng được lao động” - ông Trần Ngọc Lương.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, quy định tăng lương tối thiểu vùng 6% có hiệu lực từ ngày 1.7 là niềm vui lớn lao của hàng triệu công nhân lao động.
Bà Nguyễn Kim Loan nhận định, việc tăng lương tối thiểu trong thời điểm hiện tại là cần thiết để đảm bảo an sinh cho người lao động, khi doanh nghiệp tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc thì người lao động sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Công đoàn chủ động giám sát việc tăng lương tối thiểu vùng
LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, ngay khi Nghị định của Chính phủ được ban hành, thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã khẩn trương ban hành văn bản đề nghị các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thực hiện mức lương tối thiểu từ ngày 1.7.2024 đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đồng thời, chủ động phối hợp với Sở LĐTBXH tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương tập trung quan tâm công tác quản lý kết hợp với tuyên truyền, giải thích đến các doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng các quy định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, đơn vị đã chỉ đạo CĐCS đề xuất và giám sát người sử dụng lao động có trách nhiệm triển khai và thực hiện mức lương tối thiểu theo đúng quy định mới. Trường hợp thang lương, bảng lương của doanh nghiệp không còn phù hợp thì rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đồng thời, phối hợp rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Nghị định số 74/2024/NĐ-CP.
Các cấp công đoàn cũng sẽ tập trung tuyên truyền với doanh nghiệp, CĐCS để nắm bắt tình hình thực hiện, hỗ trợ, hướng dẫn điều chỉnh lương ở đơn vị kịp thời. Thực hiện tốt công tác giám sát tại cơ sở nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.