A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Nếu dừng 1 ngày, doanh nghiệp Việt mất 3 ngày cơ hội

Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng khó khăn DN Việt gặp hiện nay là khó chung toàn cầu, nên nếu dừng lại 1 ngày thì sẽ mất luôn 3 ngày cơ hội.

Chia sẻ tại diễn đàn kinh doanh 2024 do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 22/8, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, cho biết trong suốt 2 năm liên tiếp 2023-2024, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trải qua hàng loạt khó khăn. Khó lớn nhất ai cũng cảm nhận được là việc tìm kiếm đơn hàng, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm trên toàn cầu.

Để bán được hàng, DN đã tìm mọi cách, trong đó có giảm mạnh giá bán nhưng doanh số không tăng được. Do vậy mà hàng tồn kho tăng rất cao, ước tính tăng đến 34%.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Nếu dừng 1 ngày, doanh nghiệp Việt mất 3 ngày cơ hội- Ảnh 1.

Nhà sáng lập Phú Thái cho rằng nếu doanh nghiệp dừng lại 1 ngày thì sẽ mất đi 3 ngày cơ hội. (Ảnh: Forbes VN)

Trong bối cảnh khó khăn, muốn phát triển được thì doanh nghiệp phải tăng thêm vốn. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng không có cách nào khác ngoài theo cách truyền thống là thế chấp bất động sản, nhà xưởng. Nhưng một thực tế là các tài sản thế chấp DN không nữa, nên việc tiếp cận vốn hết sức chật vật.

Đó là lý do mà chúng ta cứ nghe mãi câu chuyện ngân hàng thừa tiền, DN thiếu vốn. DN muốn vay vẫn phải thế chấp bất động sản nhưng những tài sản này đã bị đóng băng. Bình thường thì số DN phát triển mới phải cao hơn gấp đôi số rút khỏi thị trường, nhưng gần đây chúng ta luôn thấy số thành lập mới và số đóng cửa luôn ngang nhau”, Chủ tịch Phú Thái Group cho biết.

Tuy nhiên cũng theo chuyên gia này, nền kinh tế Việt Nam hiện nay phản ánh qua 2 bức tranh. Bức tranh thứ nhất là những DN lớn, có tiềm lực và FDI vẫn phát triển và ngày càng tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, số công ty nhỏ thì có xu hướng yếu và đi xuống. Tức là DN nào có năng lực cạnh tranh tốt thì cơ hội phát triển càng tốt. Ông chủ Phú Thái cho biết DN mình năm 2023 vẫn tăng trưởng ở mức 20%. Các kế hoạch không gặp trở ngại nào giữa biến động 2 năm qua và đang tiếp tục có chiến lược phát triển các mảng mới.

“DN khó khăn thì co cụm lại hoặc M&A. Đây cũng là cơ hội để các DN có tiềm lực mở rộng đầu tư. Ngoài ra, để phát triển bền vững, DN nên tập trung chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung quản trị, liên kết với các công ty nước ngoài.

Với chúng tôi thì thời điểm này cũng là cơ hội thu hút nhân lực giỏi về làm việc. Tôi cũng đang có ý tưởng đào tạo các ông chủ trong một tập đoàn, làm sao tập hợp được người giỏi cùng quản trị DN. Càng khó khăn chúng ta càng phải bước tới, bởi dừng lại một ngày là doanh nghiệp mất 3 ngày cơ hội, tại sao phải dừng”, ông Phạm Đình Đoàn cho biết.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Nếu dừng 1 ngày, doanh nghiệp Việt mất 3 ngày cơ hội- Ảnh 2.

Tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh khiến việc tìm kiếm thị trường của DN chật vật đẩy lượng tồn kho lên đến 34%. (Ảnh minh họa: HAG)

Ông cũng lưu ý các DN Việt phải đặt liêm chính, tuân thủ pháp luật, chuyên nghiệp lên hàng đầu mới phát triển bền vững. Bởi tuân thủ pháp luật thì ngoài tạo sự tin cậy cho đối thì thì điều quan trọng nhất là bảo vệ nhân sự, người lao động của chính DN mình.

“Nhiều quản lý thật sự họ không có quyền lợi gì ở DN, họ làm thuê thôi nhưng vì những sai lầm của DN mà họ phải gánh trách nhiệm hình sự. Đây là điều các chủ phải nghiêm túc nhìn nhận, thay đổi”, nhà sáng lập Phú Thái nói thêm.

Ngoài ra, DN nên quan tâm nhiều hơn đến những ảnh hưởng chung của khu vực. Bởi những tác động mà khu vực bị ảnh hưởng thì DN Việt cũng không thể bình yên. Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào chân trời phát triển mới, là phát triển của công nghệ. DN phải quan tâm mình có đủ sức phát triển không, đủ năng lực để hội nhập không… Đó là những câu chuyện mình phải suy nghĩ, và phải thay đổi mới tồn tại.

Theo ông Johan Nyvene, Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC, khó khăn của các DN thời gian qua là tương tự nhau và không nằm ngoài khó khăn chung của trên thế giới. Việt Nam đang ở trong vòng xoáy toàn cầu, những biến động của thế giới ra sao thì Việt Nam cũng như vậy. Với riêng chứng khoán, ông nói đương nhiên người dân không tiêu dùng nhiều, sử dụng ít tiền hơn cho lương thực thì cũng có ít tiền hơn cho đầu tư.

Dù vậy, thống kê cho thấy thị trường chứng khoán 2 năm qua vẫn trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Các phiên giao dịch vẫn trên dưới 1 tỷ USD, có ngày cao lên gần 2 tỷ USD. Điều này cho thấy thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam có yếu tố tăng trưởng tương đối bền vững trong dài hạn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật