CEO Encapital Nguyễn Hoàng Giang khuyên người trẻ: Người thành công đều phải biết cách tạo dựng các mối quan hệ tốt, nếu ngã sẽ có người đỡ!
Theo CEO Nguyễn Hoàng Giang, chúng ta cần phải tính đến tình huống nếu ngã sẽ có người đỡ và người đó đương nhiên phải quen biết, trong networking của mình.
Cách đây không lâu, câu chuyện về "CEO chứng khoán nghìn tỷ trẻ nhất Việt Nam" Nguyễn Hoàng Giang đã khiến dân mạng bàn tán xôn xao. Câu chuyện về vị CEO trẻ tuổi vay sổ tiết kiệm của mẹ đầu tư chứng khoán, được cô tin tưởng giao làm CEO công ty chứng khoán VnDirect ở tuổi 24 khiến nhiều người cảm thấy thú vị.
Năm 2018, sau 8 năm chèo lái công ty, Nguyễn Hoàng Giang từ nhiệm vị trí CEO huy động vốn liếng để khởi nghiệp . Anh mở công ty công nghệ tài chính Encapital với 10 tỷ đồng trong tay. Năm 2020, Encapital đã "thâu tóm" Công ty chứng khoán DNSE với 162 tỷ đồng. Và hiện tại, năm 2021, startup của Giang tăng trưởng khoảng gần 100 lần (gần 1000 tỷ đồng) về vốn chủ sở hữu sau 3 năm.
“Đối với các sếp lớn - những người có tầm nhìn, những cuộc hẹn có vai trò như thế nào trong sự nghiệp của họ?”, đây là câu hỏi được đặt ra với người được xem là hình mẫu thành công sớm cho thế hệ trẻ.
Nhà sáng lập Encapital cho rằng: “Kinh doanh có nhiều rủi ro, bạn không biết lựa chọn của mình thành công hay không nên không bao giờ chơi được 1 mình. Bạn phải tính đến tình huống nếu ngã sẽ có người đỡ và người đó đương nhiên phải quen biết, trong networking của mình. Họ sẵn sàng cho bạn vay tiền khi gặp khó khăn hoặc hỗ trợ giúp thành công nhanh hơn.
Trong chúng ta có người quảng giao, thích mở rộng các mối quan hệ nhưng cũng có người sống nội tâm, ngại đi quan hệ. Người thành công có thể sống nội tâm hoặc không nhưng đều phải là những người biết cách tạo dựng các mối quan hệ tốt. Tôi chưa thấy ai thành công mà không có mối quan hệ cả.”
Đó cũng chính là lý do vì sao Nguyễn Hoàng Giang không thích ăn trưa một mình, trừ khi dịch bệnh. Thời gian chia sẻ, gặp gỡ người khác giúp anh học được nhiều điều mới. Theo quan điểm của vị tỷ phú trẻ tuổi, cơ hội hợp tác làm ăn không phải từ trên trời rơi xuống mà do con người tác động, bằng cách gặp nhiều người mới. Còn với đối thủ, anh gặp để hiểu người ta nghĩ gì và có kế hoạch cho cuộc chơi của mình.
Quan điểm kết nối cùng mọi người của Nguyễn Hoàng Giang từng được hà tâm lí học xã hội Stanley Schachter làm một nghiên cứu. Ông chọn ra năm tình nguyện viên là sinh viên đại học rồi đưa cho mỗi người 200 đô la, sau đó để mỗi người họ ở riêng biệt trong một căn phòng, muốn ở bao lâu thì ở. Căn phòng này không có cửa sổ, chỉ có một ngọn đèn, một chiếc giường, một chiếc ghế, một chiếc bàn và đồ dùng vệ sinh cá nhân; đồ ăn sẽ được đưa vào giờ ăn, tình nguyện viên sẽ không thấy bất kỳ ai. Bọn họ không có bạn bè, không có điện thoại, không có đài radio hay TV, không có Internet, đồng hồ, ví và tất cả mọi thứ trong túi đều bị thu hết trước khi bước vào phòng. Stanley muốn xem họ sẽ kiên trì được bao lâu.
Bạn có thể kiên trì được bao lâu? Trong năm tình nguyện viên này, có một người chỉ chịu được 20 phút thì ra ngoài, nói không thể chịu đựng nổi nữa. Có ba người kiên trì được khoảng hai ngày rồi cũng không tiếp tục được nữa, họ nói thế này khó chịu quá, bản thân sau này không muốn phải chịu cảnh này nữa và nhất định sẽ quý trọng mỗi lần giao tiếp với người khác. Tình nguyện viên cuối cùng kiên trì được tám ngày. Khi nhà tâm lý học tuyên bố kết thúc thực nghiệm, cậu ta bước ra nói: “Em ở trong căn phòng càng ngày càng khó chịu, càng ngày càng tiều tụy, nhưng vẫn có thể tiếp tục sinh tồn được”.
Stanley Schachter cho rằng đây không phải là một thí nghiệm tâm lý học nghiêm khắc mà chỉ là một lần thử thách đơn giản, nhưng đã có thể cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của hoạt động xã hội mà chúng ta coi là bình thường. Có lẽ nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy các hoạt động như mạng xã hội, điện thoại, giao tiếp với người khác chiếm quá nhiều thời gian của bạn, nhưng có khi nào bạn từng nghĩ giả sử cấm bạn làm những việc này, bạn sẽ chịu đựng được bao lâu? Hoặc là tính cách của bạn sẽ xảy ra sự thay đổi thế nào?
Chúng ta cần bạn bè, cần giao tiếp với người khác, không chỉ vì không muốn bản thân cảm thấy cô đơn, mà còn bởi không để bản thân có cảm giác trống trải, lạc lõng, bị bỏ rơi. Cho dù giao tiếp xã hội sẽ tốn nhiều thời gian quý báu của bạn, nhưng ngoài việc nó cần thiết ra thì rất có ích, bạn có thể giành được sự giúp đỡ và hiểu biết nhiều thông tin hơn trong quá trình này. Vì thế, bất kể một người có tính cách độc lập đến đâu đều không nên loại bỏ sự giao lưu với mọi người.