A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Gã khổng lồ' Amazon, Boeing, IKEA sắp đến Việt Nam

Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng UBND TPHCM tổ chức sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế với sự tham gia của các tập đoàn lừng danh toàn cầu như Walmart, Amazon, Boeing, Carrefour, Central Group; Coppel (Mexico), IKEA (Thụy Điển). Đặc biệt sẽ có sự vào cuộc chưa từng có của cả hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

'Gã khổng lồ' Amazon, Boeing, IKEA sắp đến Việt Nam

Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) được tổ chức từ ngày 13-15/9/2023 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC). Sự kiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng về chủng loại, cạnh tranh về giá cả, với chất lượng ngày càng cải thiện.

Sự kiện năm nay cũng ghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới. Trong suốt ba ngày diễn ra Viet Nam International Sourcing 2023, sẽ có 10 cuộc hội thảo chuyên đề và các diễn đàn doanh nghiệp, kết nối giao thương bổ ích sẽ được tổ chức xuyên suốt, với sự góp mặt của các tập đoàn lớn toàn cầu như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển), LuLu (UAE)...

'Gã khổng lồ' Amazon, Boeing, IKEA sắp đến Việt Nam - Ảnh 1.

Theo đại diện Bộ Công Thương, sự kiện năm nay sẽ có sự tham gia chưa từng có của hệ thống các tham tán, thương vụ ở các nước để kết nối cho hàng Việt vào chuỗi cung ứng.

Theo ông Linh, điểm đáng chú ý của chuỗi sự kiện năm nay chính là việc Bộ Công Thương sẽ huy động loạt tham tán, thương vụ đi làm ‘cầu nối’ bán hàng cho doanh nghiệp. Cụ thể, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ của ngành công thương sẽ tiến hành các chiến dịch quảng bá Viet Nam International Sourcing 2023 rộng rãi tới các nhà nhập khẩu, kênh phân phối, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để mời các đoàn thu mua quốc tế tham dự với nhiều hình thức đa dạng.

Về phía doanh nghiệp trong nước, tham dự chuỗi sự kiện đều là những thương hiệu lớn được lựa chọn để giới thiệu tới các nhà nhập khẩu, tập đoàn phân phối và các đoàn thu mua quốc tế. Đây đều là doanh nghiệp đã đạt các chứng chỉ quốc tế, có sản phẩm chất lượng cao ở các ngành hàng Việt Nam có thể mạnh và các nhà phân phối, bán lẻ quốc tế có nhu cầu như: Thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, công nghiệp hỗ trợ...

Ngoài hướng đến mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, Viet Nam International Sourcing 2023 còn có thêm các hoạt động bên lề hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực, phát triển bền vững khi bước ra thị trường toàn cầu.

Theo ông Linh, tình trạng kinh tế thế giới hiện đối mặt với rất nhiều yếu tố khó lường. Từ năm 2022, các nhà nhập khẩu đã thu mua, tích trữ hàng hoá khiến năm 2023 có sự sụt giảm nhất định. Kinh tế thế giới ảm đạm cũng khiến kế hoạch phục hồi của các nền kinh tế chậm lại.

“Sau đại dịch COVID-19 cùng những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã chọn lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ”, ông Linh cho hay.

Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM - cho rằng, để góp phần phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững, cần phải tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh bằng cách tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao cũng như có tính cạnh tranh. Đồng thời cũng cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

“Các tập đoàn đa quốc gia hiện cũng đã hình thành các hệ thống phân phối riêng của mình nhưng vẫn rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Như với TPHCM, năm 2022 có tới hơn 100 đoàn doanh nghiệp quốc tế đến tìm hiểu môi trường đầu tư, mong muốn kết nối với doanh nghiệp trong nước. Để đưa hàng vào hệ thống của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp trong nước cũng phải quan tâm đến chất lượng, bao bì đóng góp và tham gia tích cực vào các hoạt động xúc tiến để quảng bá sản phẩm của mình”, ông Lữ cho hay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật