A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Câu chuyện từ chối nhả cầu thủ cho đội U23 quốc gia

Bên cạnh câu chuyện V.League phải tạm dừng vì lịch thi đấu của đội U23 Việt Nam, một mối quan tâm khác là tiếng nói từ chính các câu lạc bộ trong việc “nhả người”.

Câu chuyện từ chối nhả cầu thủ cho đội U23 quốc gia

Các câu lạc bộ V.League vẫn phải nhả cầu thủ cho đội U23 quốc gia, dù về nguyên tắc họ không bị bắt buộc phải làm thế. Ảnh: VFF

Phàn nàn chỉ như... cơn gió thoảng qua

Ít ngày qua, người ta lại nói về chuyện lịch thi đấu của Night Wolf V.League 2023-2024, khi các câu lạc bộ nghỉ 1 tháng xong trở lại đá 2 vòng đấu và rồi lại nghỉ 1 tháng. Không chỉ giới chuyên môn, các nhà bình luận, chính những người trong cuộc là các huấn luyện viên cũng lên tiếng nói về việc “không khoa học” hay “làm ảnh hưởng đến phong độ, trạng thái thể lực của các cầu thủ”.

Tuy vậy, dư luận sau đó cũng có ý kiến cho rằng, trước mùa giải, các câu lạc bộ đã thống nhất với lịch thi đấu mà VFF và VPF sắp xếp, nên việc kêu ca, phàn nàn là không hợp lý. Tất nhiên, phải hiểu rằng, việc sắp xếp lịch là lý thuyết, thời điểm thực tế lại là chuyện khác, khi dựa vào tình thế của từng câu lạc bộ, họ có thể ủng hộ hoặc phàn nàn.

Các đội đang có phong độ tốt thì đương nhiên không vui với sự gián đoạn. Ngược lại, các đội gặp khó khăn có khi lại mừng vì có thời gian để chuẩn bị và nỗ lực làm lại. Nhưng thực ra, vấn đề không nằm ở từng trường hợp của đội bóng nào mà là chuyện chung của bóng đá Việt Nam. Các câu lạc bộ có trách nhiệm phải chạy theo thành tích của đội tuyển quốc gia, của đội U23, trong khi quyền lợi của họ không được quan tâm xứng đáng.

Tình trạng V.League gián đoạn đã xảy ra trong nhiều năm qua. Gián đoạn không chỉ vì FIFA Days mà tất cả các Liên đoàn phải tuân thủ mà còn vì đội U23, vì các giải đấu trong khuôn khổ Đông Nam Á mà không nằm trong lịch trình của FIFA.

Việc kêu ca, phàn nàn cũng diễn ra trong từng ấy năm, nhưng sự thay đổi gần như bằng 0. Để thậm chí, khi chuyển lịch trình mùa giải sang thi đấu xuyên 2 năm, thời gian thi đấu của giải đấu có 14 đội còn dài hơn cả các giải ở châu Âu có 20 đội tham gia.

Các câu lạc bộ cần hành động?

Theo quy định của FIFA, trừ 5 đợt FIFA Days trong năm hoặc các giải đấu châu lục trong lịch FIFA thì các câu lạc bộ phải nhả quân. Ở các cấp độ còn lại, lịch trình không thuộc FIFA, câu lạc bộ có quyền giữ quân.

Lấy ví dụ ngay ở khu vực Đông Nam Á khi các đội U23 chuẩn bị dự vòng chung kết giải U23 châu Á tại Qatar - cũng đồng thời là vòng loại Olympic Paris 2024, 2 đội tuyển U23 Thái Lan và U23 Indonesia không có đầy đủ lực lượng vì nhiều câu lạc bộ từ chối nhả quân. Kể cả các đội ở châu Âu cũng như đội trong nước.

Tất nhiên, lý do là các giải vô địch quốc gia vẫn đang diễn ra và câu lạc bộ không muốn mất cầu thủ ở giai đoạn quan trọng. Nhưng về nguyên tắc, kể cả khi giải vô địch quốc gia không diễn ra trong giai đoạn này, câu lạc bộ vẫn có quyền không nhả cầu thủ. Liệu các câu lạc bộ của Việt Nam có dám quyết định hành động theo lý lẽ?

Sẽ có câu hỏi đặt ra về vấn đề trách nhiệm với quốc gia, về việc “giải vô địch quốc gia không đá thì giữ quân để làm gì”, hay “nên làm tất cả để đội có lực lượng tốt nhất cho giải đấu cấp châu lục”. Điều đó không sai, nhưng sao không nghĩ rằng, nếu các câu lạc bộ không nhả những nhân tố tốt nhất, đó sẽ là cơ hội cho các cầu thủ trẻ khác?

Nói như huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, xét cho cùng, U23 vẫn là lứa chuẩn bị cho đội tuyển quốc gia. Nhưng khi vốn nhân lực của bóng đá Việt Nam đã không dồi dào, việc chỉ loanh quanh một số lượng cầu thủ nhất định sẽ là không hiệu quả trong thời gian dài. Vẫn sẽ chỉ là tư duy nhiệm kỳ, là giai đoạn ngắn, chứ lấy đâu ra tầm nhìn.

Các câu lạc bộ có thể cần phải có tiếng nói kiên quyết hơn, hành động quyết liệt hơn, một khi muốn góp phần thay đổi bóng đá Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan