Vì sao tăng trưởng kinh tế Bình Phước đứng đầu Đông Nam bộ
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, đầu tư hạ tầng giao thông… đã giúp Bình Phước đạt mức tăng trưởng kinh tế đứng đầu vùng Đông Nam bộ. Để tiếp đà tăng trưởng, tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu nhằm giữ vững và phát huy kết quả này.
Kết quả từ sự nỗ lực
Với xuất phát điểm thấp nhưng bằng những nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Bình Phước đã gặt hái nhiều “quả ngọt” trong phát triển kinh tế. Đặc biệt năm 2023, Bình Phước vươn lên trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao nhất vùng Đông Nam bộ với 8,34% (vượt kế hoạch đề ra là 8%). Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (IIP) ước tăng hơn 10% so với năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người gần 94 triệu đồng/năm (tăng 9,53% so với năm 2022).
Tốc độ tăng trưởng năm 2023 cao là nhờ sự phục hồi và phát triển mạnh ở nhiều ngành, lĩnh vực như: ngành nông nghiệp đạt hơn 17.513 tỷ đồng, tăng 10,25%, đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào GRDP của tỉnh; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt gần 17.206 tỷ đồng, tăng 7,12% đóng góp 2,26 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh…
Sự phát triển ở ngành nông nghiệp là nhờ vào việc Bình Phước tận dụng được lợi thế và có các chính sách hỗ trợ để nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 20 xã và 2 doanh nghiệp hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thí điểm 19 cơ sở với mã vùng trồng, với 1.997 ha, sản lượng 223.000 tấn/năm, có 8 hợp tác xã đạt tiêu chuẩn theo VietGAP và Lobo GAP… Nhờ chuyển đổi số, Bình Phước có những sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn và xuất khẩu đi các nước như hạt điều, bơ mã dưỡng, sầu riêng…
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước, “cha đẻ” thương hiệu nổi tiếng “Bơ Ông Hoàng” nhận định, Bình Phước khuyến khích việc ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất là cần thiết để đưa nông sản “bay cao, bay xa”.
“Rõ ràng xu hướng nông nghiệp sạch, ăn để không bị bệnh là xu hướng tất yếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu làm nông nghiệp hữu cơ mà không biết cách làm nông nghiệp số thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội kết nối với người tiêu dùng. Việc kết hợp nông nghiệp số và nông nghiệp hữu cơ giúp chúng ta bảo vệ thương hiệu, xây dựng thương hiệu và giúp người tiêu dùng giám sát được từ xa, minh bạch hóa quy trình sản xuất, quá trình canh tác của cây” - ông Đặng Dương Minh Hoàng nói.
Bên cạnh việc phát huy nội lực, Bình Phước cũng huy động ngoại lực cho sự phát triển chung. Năm 2023, tỉnh lọt top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất nước với 48 dự án có vốn đăng ký 739,23 triệu USD (đạt 277% kế hoạch năm). Lũy kế đến nay, Bình Phước có khoảng 410 dự án FDI với số vốn đăng ký khoảng 4,3 tỷ USD. Nơi đây còn là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước với gần 12.000 doanh nghiệp.
Để thu hút được số lượng lớn doanh nghiệp, ngoài việc có quỹ đất dồi dào, ưu đãi thuế thì việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục cũng giúp Bình Phước trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư. Hiện nay, dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia ở Bình Phước xếp thứ 4/63 tỉnh, thành.
Bình Phước cũng là địa phương xây dựng, vận hành sớm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và 3 trung tâm IOC cấp huyện (TP. Đồng Xoài, thị xã Phước Long, thị xã Bình Long). Năm 2024, các địa phương còn lại của tỉnh sẽ đưa vào vận hành trung tâm IOC.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Bình Phước cho biết: “Có trung tâm này thì tỷ lệ hồ sơ giải quyết cho công dân, doanh nghiệp hàng ngày, hàng giờ như thế nào thì lãnh đạo tỉnh đều có số liệu. Từ đó, biết được đơn vị nào giải quyết chậm trễ, hồ sơ gì, thuộc lĩnh vực của ai và sẽ giúp việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một cách kịp thời, nhanh chóng”.
Nhận diện khó khăn để phấn đấu
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2023, Bình Phước đặt ra 22 chỉ tiêu thực hiện trong năm 2024. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-8,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 36.600 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ 560 triệu USD (tăng 9% so với năm 2023); thành lập mới 1.100 doanh nghiệp…
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay một trong những điểm nghẽn của tỉnh này là hệ thống giao thông chưa thông suốt. Để chủ động giải quyết một phần các tồn tại trên, với phương châm "giao thông đi trước", thời gian qua, Bình Phước đã chủ động nâng cấp, mở rộng một số tuyến giao thông chính, đồng thời kiến nghị Trung ương hỗ trợ mở rộng các tuyến giao thông qua địa bàn tỉnh.
PGS.TS-Kiến trúc sư Hoàng Vĩnh Hưng, Phó Viện Trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, thời gian tới Bình Phước sẽ có nhiều thuận lợi hơn nếu cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành và cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) được triển khai xây dựng. Tận dụng lợi thế này, Bình Phước nên tiếp tục mở rộng khu công nghiệp, thu hút đầu tư.
“Mấy năm trở lại đây, các nhà đầu tư tìm đến Bình Phước nhiều. Với lợi thế nằm giữa Đông Nam bộ và vùng Tây Nguyên, kết nối với Tây Nguyên thuận lợi thì tỉnh nên phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông sản như cao su, cà phê, điều... Những sản phẩm này đã có trồng tại Bình Phước thì nên tăng chế biến để có thêm nhiều sản phẩm của các vùng như Đăk Nông, Lâm Đồng” - PGS.TS-Kiến trúc sư Hoàng Vĩnh Hưng nói.
Dự báo năm 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có những khó khăn, thách thức, tác động mạnh đến doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, mở rộng áp dụng dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bình Phước cũng đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; chăm lo tốt đời sống người dân, công nhân và chú trọng đào tạo nhân lực.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu: “Lãnh đạo các cấp, các cơ quan phải dành nhiều thời gian hơn cho công tác cán bộ, động viên nâng cao trách nhiệm trong công việc. Cán bộ công chức chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nỗ lực tối đa trong khả năng có thể phục vụ cho sự phát triển. Các địa phương phải tập trung lãnh đạo để tổ chức thực hiện theo hướng tích cực nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Chúng tôi mong nhiệm vụ là 1, giải pháp là 10, quyết tâm phải 20 để có thể vượt qua những thách thức hiện nay”.
Mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%. Để làm được điều này, Bình Phước cũng đang tăng cường hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế; đồng thời khai thác thêm lợi thế về phát triển du lịch, nông nghiệp.